ĐBSCL đang chuyển hướng

11/03/2021 06:13 GMT+7

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL , chuyển biến nhìn thấy được chính là người nông dân đang dần thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu .

Đứng giữa ruộng lúa đông xuân vừa thu hoạch, ông Trần Văn Cửng, nông dân xã Long Phú, H.Long Phú, Sóc Trăng, phấn khởi cho biết vụ lúa đông xuân này mặc kệ hạn, mặn lăm le ngoài sông, trên đồng nông dân vẫn trúng lớn. Cánh đồng lúa trĩu hạt, năng suất bình quân 8 tấn/ha, giá bán lúa tươi tại ruộng 7.000 đồng/kg. “Với giá này, tính ra được khoảng 5,6 triệu đồng/công trừ các chi phí hết khoảng 2 triệu đồng vẫn còn 3,6 triệu đồng/công. Nhà tôi có 110 công, thiệt tình xưa giờ làm lúa, chưa bao giờ trúng được vậy”, ông Cửng nói.”, ông Cửng nói.

“Nương” theo tự nhiên để sản xuất

Theo nhà nông Trần Văn Cửng, vụ lúa thắng lợi ngay trong mùa hạn là nhờ nông dân dời lịch xuống giống sớm hơn để “né” mặn và không trồng lúa vụ 3 theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. “Mấy năm trước, thường tới cuối tháng 3 mới thu hoạch, năm nào hạn, mặn sớm là lúa thiệt hại ngay. Trong 3 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp kêu xuống giống sớm hơn trước gần cả tháng nên qua Tết âm lịch 5 - 10 ngày là đã gặt rồi. Lúa cắt xong, mặn mới tới thì có gì sợ nữa”, ông Cửng nói.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết tới nay, hai vùng lúa chính thường bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn của Sóc Trăng là Long Phú - Tiếp Nhật hơn 45.000 ha và vùng Trần Đề khoảng 22.000 ha cơ bản đã thu hoạch xong. Sau vụ lúa, nông dân một số nơi có nguồn nước thuận lợi chuyển sang trồng rau, màu. Còn phần lớn ngưng sản xuất lúa vụ 3 để tránh nguy cơ thiệt hại. Ông Đạo cho biết ở Sóc Trăng, một trong những chuyển biến thấy được sau khi thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ là ngành nông nghiệp được điều hành từ ứng phó với biến đổi khí hậu sang thích ứng, nương theo tự nhiên mà sản xuất. “Đặc biệt, chỉ riêng năm 2020 vừa qua, toàn bộ công trình thủy lợi như cống, kênh mương nội đồng trên địa bàn tỉnh đã được nạo vét với kinh phí 140 tỉ đồng. Nhờ đó, việc trữ nước ngọt thuận lợi, chủ động hơn. Ngoài ra, nông dân đã chuyển sang sử dụng các giống chịu mặn, tập quán sản xuất cũng thay đổi, bà con đã biết đo độ mặn để nắm bắt tình hình, sản xuất hiệu quả hơn”, ông Đạo nói.
Tương tự ở Bạc Liêu, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết từ Nghị quyết 120, ngành thủy sản càng được quan tâm phát huy nhiều hơn, với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước. Bạc Liêu cũng đã quy hoạch lại từng vùng, tiểu vùng sản xuất theo hướng thích ứng. Vùng Bắc QL1 thuộc các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long và TX.Giá Rai đang tập trung mở rộng diện tích sản xuất lúa trên đất tôm, dự kiến có thể phát triển đến 50.000 ha canh tác lúa trên đất tôm. Vùng Nam QL1 thuộc TP.Bạc Liêu và các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Đông Hải tập trung phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp, siêu thâm canh, nuôi tôm sinh thái, làm muối theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống triều cường.
Tỉnh Bạc Liêu cũng đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, với diện tích gần 420 ha. Tương tự, nhiều địa phương ven biển khác như Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre... cũng đang đổi cơ cấu sản xuất từ hai vụ lúa sang một vụ lúa/một vụ tôm/cá luân canh; hay như mô hình trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh tại Kiên Giang, mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị của tỉnh Cà Mau, mô hình lúa chịu mặn thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh Bến Tre...
ĐBSCL đang chuyển hướng

Thu hoạch tôm tại mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc ở H.Hòa Bình, Bạc Liêu

Thượng nguồn chuyển đổi cây trồng

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ sản xuất theo chiều rộng, chạy theo sản lượng, nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cũng đang chuyển dần sang chiều sâu và chất lượng. Cụ thể, Đồng Tháp đã thực hiện giảm diện tích lúa vụ 3 để đất nghỉ ngơi và tận dụng nước lũ xả vào các đê bao đón phù sa, tăng độ màu mỡ cho đất. Kết quả, vụ lúa đông xuân năm 2020 - 2021, trên địa bàn xuống giống gần 200.000 ha. Ở các huyện Tháp Mười, Lấp Vò, Thanh Bình, lúa xuống giống sớm với năng suất bình quân 7,1 tấn/ha, nông dân lãi hơn 30 triệu đồng/ha.
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, ngày 13.3, Hội nghị của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra tại TP.Cần Thơ. Bộ TN-MT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và các cơ quan liên quan định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết.
Trước đó, Nghị quyết 120 ra đời được xem là bước đột phá lớn, có ý nghĩa định hình chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL theo hướng tổng thể, đồng thời tích hợp với tầm nhìn dài hạn và khát vọng về một vùng ĐBSCL trù phú, thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm, coi việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác là triết lý phát triển.
Tại An Giang, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã chuyển đổi hơn 4.000 ha đất trồng lúa sang rau màu và cây ăn trái. Ngoài ra, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản quy mô tập trung và áp dụng công nghệ cao nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ngành cá tra đã phát triển theo hướng hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng, theo hướng chuỗi liên kết gắn với doanh nghiệp và người nuôi.
Nhận định về những chuyển biến của nông nghiệp ĐBSCL, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng điều quan trọng là diện tích lúa vụ 3 (trồng vào mùa khô hạn) ở các tỉnh, thành đã ngưng sản xuất rất nhiều. Giảm từ 3 vụ lúa còn 2 vụ lúa cộng 1 vụ hoa màu luôn là khuyến cáo của giới khoa học lâu nay bởi nó sẽ giúp đất đai có thời gian nghỉ ngơi, tránh thoái hóa, bạc màu. “Nghị quyết 120 khi đã xếp lúa gạo sau cây ăn trái và thủy sản, tức là đã giảm nhẹ vai trò “an ninh lương thực” cho cây lúa. Từ đó, địa phương mạnh dạn chỉ đạo người dân không trồng lúa vào những nơi nhiều rủi ro trong mùa hạn, mặn. Đặc biệt là người dân đã biết “ý thức” làm theo khuyến cáo của nhà nước. Đó rõ ràng là những kết quả thích nghi rất khả quan bước đầu”, GS Xuân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.