'Dạy xong đi về' sẽ không được hưởng thu nhập tăng thêm!

Bích Thanh
Bích Thanh
15/04/2023 06:06 GMT+7

Người tự đề xuất thì tự trọng còn người đánh giá cần công tâm, tránh cảm tính, thiên vị là những điều mà các trường học đưa ra trong quá trình bình xét đánh giá mức thu nhập tăng thêm của mỗi cá nhân trong nhà trường.

Bắt đầu từ năm 2023, viên chức giáo viên (GV) tại TP.HCM, tùy vào bậc học, thâm niên công tác sẽ nhận thu nhập tăng thêm ở mức tối đa với hệ số 1,8 theo chính sách đặc thù của TP.HCM, tăng thêm gấp 2 lần lương. Việc đánh giá để nhận thu nhập tăng thêm sẽ được thực hiện theo quý.

QUY TRÌNH 2 BƯỚC

Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay: Vào 10 ngày cuối tháng thứ 3 trong mỗi quý, các trường sẽ thực hiện việc đánh giá để xét thu nhập tăng thêm cho GV. Quy trình gồm 2 bước: Bước 1, GV tự đánh giá, hoàn thành minh chứng. Các tổ chuyên môn thực hiện việc xét và đánh giá các thành viên trong tổ. Bước 2, hội đồng thi đua của nhà trường bao gồm ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, tổng phụ trách Đội tổ chức bình xét theo danh sách đề xuất của các tổ chuyên môn.

"Sau khi hội đồng thi đua thống nhất thì nhà trường công khai các mức đánh giá trong 3 ngày để mọi thành viên đều có quyền được biết và phản hồi ý kiến nếu có", bà Đoan Trang thông tin về tính minh bạch và công khai trong quá trình thực hiện.

'Dạy xong đi về'sẽ không được hưởng thu nhập tăng thêm! - Ảnh 1.

Thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên Trường THCS Colette (Q.3), nhận thu nhập tăng thêm quý 1/2023 khoảng 32 triệu đồng

ĐÀO NGỌC TH5CH


PHẢI CÓ SỰ SÁNG TẠO, ĐỔI MỚI TRONG GIẢNG DẠY

Về các mức đánh giá xét hệ số thu nhập tăng thêm, bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức), cho biết các tiêu chí của trường được cụ thể hóa từ bộ tiêu chí của TP đưa ra áp dụng chung cho viên chức người lao động và phù hợp với môi trường giáo dục. Mỗi trường có bộ tiêu chí riêng thực hiện theo quy trình GV tự đánh giá, tổ chuyên môn giám sát để đảm bảo tính khách quan và công bằng.

Chẳng hạn, ở Trường THPT Đào Sơn Tây có 3 mức đánh giá chi tiết. Nếu hằng ngày GV chỉ lên lớp, "dạy xong đi về" gọi là hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ không được hưởng thu nhập tăng thêm, vì đó là nhiệm vụ mà người lao động phải thực hiện. Nhưng nếu ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ đúng tiến độ mà còn có sự đổi mới, sáng tạo, tích cực cùng đồng nghiệp thì sẽ được đánh giá hoàn thành tốt công việc có hệ số thu nhập tăng thêm là 1,4. Còn hoàn thành xuất sắc, trong đó các tiêu chí đạt hoàn thành tốt có 20% nhiệm vụ hoàn thành trước tiến độ, thì đạt hệ số tối đa là 1,8. Theo bà Hảo, kết quả đánh giá của Trường THPT Đào Sơn Tây có trên 50% GV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhận mức thu nhập tăng thêm ở mức tối đa 1,8; còn lại nhận mức hỗ trợ với hệ số 1,4.

Khi thu nhập được ổn định, được chăm lo, GV sẽ toàn tâm toàn ý với nghề, với trường, không còn phải phân tâm đi lo lắng cuộc sống gia đình. Mọi ngành nghề sẽ cùng khởi sắc.

GV Trần Tuấn Anh (Trường THCS Colette, Q.3, TP.HCM)

Bà Đoan Trang cũng cho hay, Trường THCS Nguyễn Du có khoảng 50% GV đạt hệ số tối đa. Để đạt mức đánh giá xuất sắc này, GV phải có hoạt động nổi bật trong quý, chẳng hạn như thi GV giỏi cấp quận, TP, thực hiện các chuyên đề cấp quận, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi…

Còn tại Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin trường có 2 GV không hoàn thành tiến độ về việc tự học modul trong Chương trình GDPT 2018, do vậy không nhận hệ số tăng thêm; còn lại có 12 GV hoàn thành tốt và khoảng 60 GV hoàn thành xuất sắc.

THU NHẬP TĂNG THÊM CAO HƠN CẢ LƯƠNG

Theo bà Hoàng Thị Hảo, chính sách đã tạo nên những tích cực. GV vui vẻ, hào hứng và có trách nhiệm hơn với công việc. Khi được nhận hỗ trợ theo chính sách đặc thù thì sẽ thấy được sự chăm lo, đồng thời có sự soi rọi lại bản thân, chu toàn hơn, tích cực hơn. Có thu nhập tăng thêm, GV không còn sức ì, mọi công việc thực hiện chủ động, phối hợp nhịp nhàng.

Cũng theo bà Hảo, tùy theo hệ số lương, thâm niên càng cao, hệ số lương cao thì thu nhập tăng thêm sẽ tỷ lệ thuận. Bà Hảo lấy ví dụ: Với hệ số lương bậc 5, tức có thâm niên với nghề trên 10 năm thì GV nhận lương hằng tháng là hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, với chính sách đặc thù của TP.HCM thì ngoài mức lương như trên còn có thu nhập tăng thêm tính theo công thức 3,66 (hệ số lương) x 1.490.000 (mức lương cơ sở) x 1,8 (hệ số thu nhập tăng thêm). Như vậy, GV sẽ nhận thêm gần 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, tháng 7.2023, khi Chính phủ áp dụng tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì thu nhập sẽ tăng hơn nữa.

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, thầy Trần Tuấn Anh, Trường THCS Colette (Q.3), cho hay: "Với thâm niên 15 năm đi dạy, hiện nay thu nhập của tôi bao gồm lương hơn 5 triệu đồng và 40% đứng lớp mới vào khoảng 7,9 triệu đồng/tháng. Để trang trải cuộc sống gia đình, tôi dạy thêm ở các trường ngoài công lập, trung tâm gia sư… để tăng thu nhập. Nay với hệ số thu nhập tăng mức tối đa, quý 1/2023 tôi nhận khoảng 32 triệu đồng, tính ra mỗi tháng khoản hỗ trợ này cao hơn cả lương".

Theo tìm hiểu, Trường THCS Colette (Q.3) là một trong những trường đầu tiên GV nhận chính sách thu nhập tăng thêm trong ngày 12.4. Thầy Tuấn Anh bày tỏ sự vui mừng: "Khi thu nhập được ổn định, được chăm lo, GV sẽ toàn tâm toàn ý với nghề, với trường, không còn phải phân tâm đi lo lắng cuộc sống gia đình. Mọi ngành nghề sẽ cùng khởi sắc".

Với chính sách thu nhập tăng thêm này, theo đánh giá của lãnh đạo các trường, hệ số thể hiện không chỉ là thu nhập mà còn là danh dự, sự nỗ lực của từng cá nhân, thế nên phải làm sao cho đảm bảo được khách quan, công bằng, trên thuận dưới hòa. Người được xuất sắc hay được mức hưởng theo mức độ hoàn thành tốt công việc cảm thấy đúng với sự đóng góp và nỗ lực của bản thân.

Không dựa vào thành tích ảo

Để tránh tối đa sự không công bằng, bất bình trong GV, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho hay phải xây dựng tiêu chí cụ thể cho từng vị trí việc làm.

Ông Phú nhấn mạnh: "Đánh giá, nhận xét, xếp loại phải có sự thống nhất hội đồng. Mọi ý kiến đều xuất phát trên tinh thần khách quan dựa trên công việc, không bị ảnh hưởng bởi cảm tính. Làm không khách quan, công tâm thì mất hòa khí, mất sự đoàn kết nội bộ trong nhà trường. GV sẽ có những bức bối không hạnh phúc với công việc và sự nỗ lực. Và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh".

Chính vì vậy, bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay trong quá trình đánh giá, nhà trường yêu cầu các tổ phải dựa trên minh chứng về mức độ hoàn thành của thành viên để đưa ra kết quả bình chọn.

Tương tự, bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức), cho rằng hệ số thu nhập tăng thêm một phần là quyền lợi về vật chất, một phần là danh dự của GV trước tập thể sư phạm. Mỗi cá nhân phải chủ động, tự trọng trong mọi công việc. Nữ hiệu trưởng này nói thêm, vai trò của ban giám hiệu, hội đồng thi đua phải thể hiện sự công tâm. Khi nhận xét của tổ chuyên môn ngược với tự đánh giá của GV thì hai bên cùng đưa ra minh chứng "tâm phục khẩu phục" vì liên quan đến quyền lợi.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh trong quá trình đánh giá, không dựa vào thành tích ảo mà sẽ căn cứ vào kế hoạch, phân công GV có sự giám sát của tổ chuyên môn, nhà trường. Các kết quả đạt được phải có minh chứng rõ ràng, không liệt kê chung chung…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.