Đẩy mạnh toàn diện nền tảng phát triển kinh tế không tiền mặt

Thành Luân
Thành Luân
16/03/2020 12:00 GMT+7

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu sẽ tạo ra tác động đa chiều, vừa mang lại tiện ích cho người dân, vừa tạo đà tăng trưởng kinh tế và đang được khuyến khích đẩy mạnh.

Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong quyết định 149/QĐ-TTg. Chiến lược được các chuyên gia tài chính đánh giá có nhiều điểm sáng, một định hướng mang tính đột phá, đưa nền tài chính Việt Nam bắt kịp với xu hướng của thế giới và là nền tảng cho phát triển kinh tế không tiền mặt.

Hiện thực hóa “giấc mơ” thanh toán không tiền mặt

Trước đó, theo mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt về phương thức này, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp trong khu vực.
Theo số liệu mà Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương đưa ra, giao dịch tiền mặt vẫn chiếm ưu thế với hơn 90%. Như vậy, có một sự phát triển chưa đồng bộ khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm.
Một vấn đề được các chuyên gia đưa ra là muốn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có tài khoản ngân hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chỉ có khoảng 30% dân số có tài khoản ngân hàng, trong khi đó 70% dân số vẫn tập trung tại các khu vực vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Đây là bài toán đặt ra cho ngân hàng và fintech (công nghệ tài chính) trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Để đạt được các mục tiêu đề ra, phải đáp ứng được một số vấn đề. Trong đó, Chính phủ cần tạo điều kiện hỗ trợ hành lang pháp lý, các định hướng chiến lược để ngân hàng, các công ty fintech có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiếp theo, cần nâng cao ý thức của người dân về việc thanh toán không tiền mặt. Tạo điều kiện để mọi người dân tiếp cận với dịch vụ tài chính hiện đại để họ thấy được lợi ích. Theo chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đến năm 2025 có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030. Chiến lược cũng đặt mục tiêu, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25% hằng năm.

Thanh toán bằng điện thoại di động sẽ giúp loại bỏ những chiếc thẻ ATM rườm rà

Ảnh: T.Luân

Các chuyên gia tài chính cho rằng xử lý được tốt các vấn đề trên sẽ tháo gỡ được nút thắt trong quá trình phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Việc mở rộng đơn vị cung cấp công nghệ là điều tất yếu. Điều này cũng sẽ giúp người dùng cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Các dịch vụ lúc này cũng không còn bị giới hạn, phụ thuộc vào một đơn vị mà được mở rộng sang một tập hợp các doanh nghiệp fintech, tổ chức tài chính đủ điều kiện. Hiện thực hóa “giấc mơ” mà chúng ta vẫn thường nói vui với nhau là bà bán hoa cũng có thể thanh toán không tiền mặt.

Mở cửa cho chuyển mạch tài chính

Hiện nay, cơ cấu giao dịch đang có sự dịch chuyển từ chuyển mạch ATM sang chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng, chứng tỏ người dân đang có xu hướng dịch chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Trong khi đó, lĩnh vực chuyển mạch tài chính có bù trừ điện tử, mới chỉ có Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) là đơn vị duy nhất cung ứng hạ tầng thanh toán cho hàng chục ngân hàng nội địa và quốc tế tại Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia công nghệ, hạ tầng này mới đáp ứng được một phần nhu cầu thanh toán của người dùng.

Chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng sẽ là xu hướng mới

Ảnh: Aseantoday

Vào các dịp lễ, tết nhu cầu về các giao dịch hàng hóa, tiêu dùng... tăng đột biến nên khi thực hiện các giao dịch người dùng rất dễ gặp tình trạng "nghẽn" mạng do quá tải.
Với lĩnh vực chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, nội dung của chiến lược mới cho phép thêm các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung ứng dịch vụ này nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch, chuyển tiền cho người dân và doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.