Đẩy mạnh số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử

Thu Hằng
Thu Hằng
28/12/2023 19:37 GMT+7

Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn không chỉ góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, mà còn nâng cao dân trí và cung cấp thông tin hữu ích cho nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa mới, làm giàu trên chính quê hương của mình.

Đó là đánh giá của Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 - 2023) do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức chiều 28.12.

Đẩy mạnh số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử- Ảnh 1.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị

THU HẰNG


Trang bị gần 600 đầu sách cho xã, phường, thị trấn

Với vai trò là cơ quan thường trực của đề án, bà Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cho biết trong 15 năm qua, đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước gần 600 đầu sách (bao gồm cả đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số hơn 14,4 triệu bản in.

Sách của đề án phong phú, đa dạng với 8 nhóm đề tài: sách học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách về công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sách chính trị - pháp luật; sách kiến thức phổ thông; sách kỹ năng lãnh đạo, quản lý; sách phổ biến kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp; sách trang bị cho vùng đồng bào dân tộc; sách xây dựng nông thôn mới; sách dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng.

Nhà xuất bản đã tích cực phối hợp với các đài truyền hình đăng, phát những tin, bài tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của sách lý luận, chính trị, pháp luật đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; xây dựng phóng sự truyền hình tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của đề án, về một số mô hình sử dụng sách có hiệu quả ở các địa phương.

Để tăng cường hiệu quả của đề án, trang thư viện sách điện tử (Thuvienso.vn) đã được xây dựng từ đầu năm 2020 và cung cấp bản số hóa hơn 500 đầu sách của đề án, phục vụ việc đọc và tra cứu trực tuyến của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

Tuyên truyền tốt hơn nữa về văn hóa đọc

Đánh giá về kết quả đã đạt được, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho biết: "Trong điều kiện chúng ta còn nhiều khó khăn, tôi rất ấn tượng với con số gần 600 đầu sách được trang bị cho cấp xã, phường, thị trấn. Nhiều cách làm, nhiều mô hình sáng tạo đi vào đời sống nhân dân. Chúng ta cũng đã từng bước chuyển từ sách truyền thống sang sách điện tử".

Đẩy mạnh số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử- Ảnh 2.

Các đầu sách được trang bị cho xã, phường, thị trấn

T.H

Qua 15 năm triển khai, đề án đã phát huy hiệu quả, đi vào lòng dân, giúp nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở; trở thành một trong những đề án có ý nghĩa thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp xã, phường, thị trấn.

"Đề án đã góp phần nâng cao dân trí và cung cấp thông tin hữu ích cho nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa mới, làm giàu trên chính quê hương của mình. Đặc biệt, đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai trang thiết bị và sách đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở có thêm nguồn tài liệu chính thống, tin cậy để nghiên cứu, học tập, ứng dụng trong thực tiễn", ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế, đó là ở một số nơi, một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng sách của đề án, chưa có phòng đọc riêng, trang thiết bị phục vụ người đọc; các mảng đề tài chưa theo kịp nhu cầu của nhân dân...

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, học tập trong sách vở rất quan trọng, so với quốc tế, người Việt Nam đọc sách chưa nhiều. Vì vậy, để tiếp tục triển khai hiệu quả đề án trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, nhất là đội ngũ đảng viên phải tiếp tục quán triệt, tuyên truyền tốt hơn nữa về văn hóa đọc.

"Chúng ta cần nắm bắt định hướng nhu cầu hưởng thụ và mong muốn của người dân để chọn lựa nội dung, chuyển tải phù hợp. Chúng ta phải nâng tầm sách văn hóa, giữ gìn văn hóa dân gian, truyền thống. Đẩy mạnh truyền thông đọc sách trên không gian mạng, số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử để mỗi nơi, mỗi lúc người dân đều có thể truy cập vào để đọc sách, tra cứu, tìm hiểu", ông Nghĩa lưu ý.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng yêu cầu hội đồng chỉ đạo, ban tổ chức thực hiện đề án khẩn trương hoàn thiện báo cáo, đề xuất Ban Bí thư T.Ư Đảng về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đề án một cách phù hợp nhất trong giai đoạn tiếp theo, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cấp cơ sở trong tình hình mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.