Đây là thời đại 'đi trước ăn to', phải chấp nhận rủi ro để hành động

05/12/2023 11:46 GMT+7

Đó là quan điểm của TS Trần Đình Thiên chia sẻ tại Hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (5.12). Theo TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chuyển đổi xanh là cơ hội lớn, đồng nghĩa đi kèm thách thức rất nhiều.

Sau khi lắng nghe trình bày của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ, thay đổi tư duy, cấu trúc phát triển, thay đổi cơ cấu ngành: từ ngành phát thải cao chuyển sang phát thải thấp, từ công nghệ cũ chuyển sang công nghệ cao, thậm chí không có phát thải.

Muốn chuyển đổi xanh, phải có chính sách khuyến khích 'khác thường' - Ảnh 1.

TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh lọc ngành không phải bỏ ngay lập tức mà phải có lộ trình

NHẬT THỊNH

Đây là cơ hội có một không hai để Việt Nam bắt nhịp ngay với những công nghệ hàng đầu toàn cầu. Trong quá trình này, chủ trương từ Chính phủ với địa phương thì rất quyết liệt, rất hay, nhưng khi chuyển hóa thành hành động lại chậm. Chúng ta đã có xu hướng hành động tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, áp lực lớn nhất trong cuộc chuyển đổi lần này chính là yếu tố tốc độ.

"Quy mô kinh tế thế giới đã rất khổng lồ mà còn chịu áp lực tốc độ thì thách thức rất lớn, chúng ta không thể cứ 'thong thả' mà làm được" - TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Nhận diện một số thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi xanh, vị chuyên gia kinh tế này phân tích: Thứ nhất, chuyển từ công nghệ thấp sang công nghệ cao thì phải định hướng chọn công nghệ cao, do các tập đoàn hàng đầu dẫn dắt. Chính sách hiện nay có lối mở nhưng khi thu hút công nghệ cao vào thì lại đặt ra những thách thức về thể chế.

Thứ hai là vốn, vốn đâu để chuyển đổi? Chúng ta đang theo hướng tiếp cận với các quỹ đầu tư, quỹ tài chính lớn trên thế giới, đó là cách giải quyết hiệu quả nhưng không hề dễ dàng.

Thứ ba cũng là thách thức chính từ nội tại - đó là doanh nghiệp Việt quá nhỏ, muốn chuyển đổi rất khó về cả tiềm lực và năng lực. Ngoài ra, hạ tầng, nguồn đất tại các địa phương cũng đang vô cùng hạn hẹp, không còn dư địa cho phát triển mới các khu công nghiệp công nghệ cao. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi hành động phải ráo riết hơn, quyết liệt hơn, chuyển các khu công nghiệp cũ sang thành công nghiệp sinh thái, từng bước biến thành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh.

Dẫn chứng bài học thành công của Bình Dương, ông Thiên lưu ý quá trình chuyển đổi công nghiệp hóa phải triển khai theo nghĩa đặt kinh tế xanh như mục tiêu. Lọc ngành, phải hiểu theo nghĩa rộng, không phải bỏ ngay lập tức mà phải có lộ trình, tính toán xem bỏ cái gì trong ngành đó, thu hẹp như thế nào... Chính sách cấu trúc ngành phải tạo ra được hệ thống, có lộ trình để giảm dần những cú sốc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, cũng như đảm bảo việc làm của người lao động. 

Về mặt thể chế, tiêu chuẩn, tiêu chí là quan trọng hàng đầu. Phải có hệ thống quy chuẩn, tiêu chí thì tăng trưởng xanh mới vận hành được, nếu không nhà nước sẽ dễ thỏa hiệp hoặc gây rủi ro cho những doanh nghiệp đi trước. Thực tế đã chứng minh những doanh nghiệp, địa phương nào đi đầu đều phải chịu rủi ro, thách thức rất lớn, thậm chí còn chịu "ăn đòn" khiến những người sau không dám làm. Phải thay đổi tình trạng này, làm sao để biến được thách thức của đất nước cho cơ hội của doanh nghiệp chứ không phải ngược lại.

Liền theo đó, là hệ thống khuyến khích thích hợp trong bối cảnh thuế toàn cầu đang tăng cao. Phải xây dựng các giải pháp để khuyến khích, thay vì những công cụ mang tính hành chính cao.

"Chính sách phải rõ ràng, khác thường, không chỉ khuyến khích theo kiểu truyền thống. Đây là thời đại "đi trước ăn to", chúng ta phải khuyến khích làm sao để người ta chấp nhận một chút rủi ro mà sẵn sàng hành động. Rủi ro về mặt hành chính tác động vào thị trường rất cao. Nếu kéo dài như vậy, nền kinh tế thị trường rất khó phát triển. Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là con đường phải đi. Đã xác định như vậy thì tư duy về chính sách phải theo kịp, không thể băn khoăn mãi. Con đường đã chọn xong mà chính sách cứ băn khoăn thì không thể thành công" - TS Trần Đình Thiên nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.