Đây là những cách để không tự 'làm đau chính mình'...

06/11/2022 10:58 GMT+7

Tự làm tổn thương cảm xúc của bản thân có lẽ không phải là câu chuyện của riêng ai. Dường như người nào cũng đã từng “làm đau chính mình”, tự để bản thân trở nên tiêu cực.

Bài viết trên chuyên mục Life Kit's của tờ báo NPR (Mỹ) vào ngày 4.11 chiếm được sự quan tâm của nhiều người, khi đề cập đến chủ đề khá thú vị. Đó là: “Bạn có bao giờ tự làm tổn thương cảm xúc của bản thân, tự làm đau chính mình không?”.

Một cô gái đáp lại ngắn gọn: “Đối với tôi, đó là chuyện thường ngày, thường xuyên diễn ra”. Cô gái cho biết thêm: “Một câu trả lời cộc lốc cho email công việc hay việc không phản hồi cho lời mời dự tiệc… những điều nhỏ nhặt như thế này cũng khiến nội tâm của tôi bắt đầu hỗn loạn. Thật là một điều ngu ngốc! Tất nhiên họ không thích tôi mới làm như vậy. Tôi nghĩ mình là ai chứ?”, cô nói.

Đừng tự làm tổn thương cảm xúc của bản thân

getty images

Dưới góc độ tâm lý, nhà tâm lý học người Mỹ Ethan Kross (tác giả của cuốn sách Chatter: The Voice in Our Head, Why It Matters and How to Harness - Tiếng nói nội tâm quyết định cuộc đời của bạn) phân tích: “Cách nói chuyện tiêu cực này có thể cản trở việc xây dựng mối quan hệ thân thiết của bản thân với những người khác. Tuy nhiên có nhiều cách để ngăn chặn luồng suy nghĩ này”.

Ethan Kross đã chia sẻ với tờ báo NPR (Mỹ) trong tập tin “tính cá nhân hóa trong việc xử lý vấn đề”, rằng việc đánh giá mọi chuyện theo các góc độ khác nhau có thể giúp mỗi người trẻ có thể tránh được vòng lặp suy nghĩ tiêu cực. “Hãy suy nghĩ theo hướng tích cực, hãy suy nghĩ đơn giản hơn. Ví dụ trong trường hợp của cô gái ấy. Đừng tự cho rằng bản thân cô ấy chẳng là gì cả, đừng nghĩ người khác không thích cô ấy. Thay vào đó, hãy nghĩ đối phương đang bận, đang lu bu công việc, hoặc vô tình đãng trí mà quên bấm nút gởi email phản hồi. Nghĩ như thế, sẽ nhẹ nhàng hơn, và khi đó sẽ không tự “làm đau chính mình”, nhà tâm lý nói.

Ethan Kross nói thêm: “Khi thay đổi quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề thì nội tâm của bạn sẽ không bị giày vò”.

Nhà tâm lý học người Mỹ Ethan Kross

NPR

5 mẹo cần thiết

Để giúp mọi người có cái nhìn tích cực hơn, thông qua chuyên mục Life Kit's của tờ báo NPR, Ethan Kross chia sẻ 5 mẹo về cách loại bỏ sự thiếu tự tin và đối diện với “suy nghĩ trong đầu”, tự “làm đau chính mình”.

Mẹo đầu tiên là để hạn chế tự nói chuyện tiêu cực, “hãy nói chuyện với chính mình” như cách bạn nói chuyện với một người bạn. Khi đó, sẽ tự nhận thức được những điều có hại mà chúng ta có thể nói với bản thân. Theo Ethan Kross: “Trong lần tới, khi bạn đang tự chê bai ngoại hình hoặc chỉ trích việc bạn đưa ra quyết định sai lầm, hãy tự hỏi bản thân: liệu mình có nên nói chuyện này với bạn thân của mình không? Nếu không, hãy tập "sử dụng ngôn ngữ tử tế và nhẹ nhàng mà chúng ta thường dùng với những người chúng ta yêu thương" cho chính bản thân mình. Bởi vì chúng ta cũng hy vọng mình sẽ được yêu thương”.

Mẹo thứ hai là hãy “SIFT” thông qua những gì mọi người nói về bạn. SIFT (nguồn, tác động, tần suất và xu hướng), được phát triển bởi nhà khoa học nghiên cứu Mike Caulfield. SIFT có thể giúp tìm ra liệu nên lắng nghe phản hồi từ người khác hay chỉ nên phớt lờ nó.

“Giả sử ai đó gọi phàn nàn vì bạn trả lời email không chuyên nghiệp. Hãy suy nghĩ xem, lời chỉ trích đó có phải đến từ người mà bạn tin tưởng và quý trọng không? Đây có phải là điều bạn đã nghe từ những người khác? Và bạn đã nghe điều này từ các cộng đồng khác nhau trong cuộc sống của bạn, hay chỉ tại nơi làm việc? Hãy cân nhắc những điểm này trước khi quyết định thay đổi”, Ethan Kross hướng dẫn.

Mẹo thứ ba là đừng quên rằng bộ não của chúng ta có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực. Tâm trí là một thứ gian xảo. Ví dụ, nó có thể khiến chúng ta đánh giá không tốt về người quản lý thay vì phản hồi tốt cho anh ta trong báo cáo cuối năm. Giáo sư tâm lý học Yale Woo-kyoung Ahn nói rằng điều này được gọi là "thành kiến ​​tiêu cực", và nó cho thấy xu hướng của chúng ta là cân nhắc các sự kiện tiêu cực nhiều hơn so với một lượng tương đương các sự kiện tích cực. Cô ấy nói "lỗi suy nghĩ" này rất nguy hiểm vì nó có thể khiến chúng ta đưa ra những lựa chọn sai lầm.

Mẹo thứ tư là đừng chăm chăm vào điều gì đó làm phiền bạn, đừng đoán, hãy thẳng thắn nói về nó. Nhà tâm lý học Adia Gooden nói: “Nếu ai đó bạn yêu đang khiến bạn đau khổ, đừng ngại nói chuyện với họ về điều đó. Nếu đối tác bỏ lơ bạn, hãy nói với họ. Vì đôi lúc, do vô tình hay cố ý, họ cũng không biết rằng mình đang làm tổn thương bạn. Và khi nói chuyện cùng nhau, sẽ làm sáng tỏ mọi giả đinh”.

Mẹo thứ năm là cần biết nhìn cuộc sống qua lăng kính tích cực. Hãy coi mọi mất mát là một phần trong quá trình học tập của bạn, đừng quá đặt nặng vấn đề. Để từ đó, nỗ lực hơn, cố gắng hơn trong cuộc sống…

Áp dụng 5 mẹo này, có thể sẽ giúp người trẻ không còn tự “làm đau chính mình” nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.