Đây là điều rất nhiều người TP.HCM muốn làm sau ngày 30.9

27/09/2021 20:26 GMT+7

Muốn được ra đường đi làm, muốn được đến trường đi học, nhiều người ở TP.HCM còn một điều mong muốn khác được thực hiện sau ngày 30.9.

“Cùng ở TP.HCM nhưng đã hơn 3 tháng nay tôi chưa được về nhà thăm mẹ mình ở Q.4. Trước đây thì cuối tuần nào tôi cũng qua ăn cơm với mẹ, trong tuần có đi làm ngang qua thì lại ghé, mua ít trái cây cho mẹ. Chúng tôi đã được tiêm 2 mũi vắc xin. Tôi chỉ mong sau ngày 30.9 sẽ được nới lỏng giãn cách, trở về bình thường mới, quy định thẻ xanh Covid cho người dân sớm được ban hành cụ thể để tôi có thể về thăm mẹ của mình”, bạn đọc Nguyễn Thị Phượng, trú P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM kể. 

Rất gần mà rất xa…

Nỗi lòng chị Phượng, cũng là nỗi lòng của rất nhiều người con ở TP.HCM trong dịch Covid-19. Cha mẹ ở Q.5, con ở Q.8 nhưng không thể qua thăm, dù chỉ cách một cây cầu Nguyễn Tri Phương. Cha mẹ ở Q.10, các con ở Q.11 cũng khó mà về thăm. Hoặc có thể cùng trong một phường, nhưng vì Chỉ thị 16, “ai ở đâu ở yên đó”, để an toàn trong mùa dịch, mỗi người đều đã gác lại niềm riêng, hỏi thăm cha mẹ từ xa, để cùng nhau chờ đợi ngày thành phố về bình thường mới.
Anh Bùi Văn Phát, Phó Bí thư Đoàn thanh niên P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM chia sẻ, phải hơn 1 tháng nay anh chưa được về thăm gia đình đang trú ở phường Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, chỉ cách đó vài cây số. Nhớ cha mẹ là cảm xúc rất dễ hiểu.

Phát, chàng trai luôn lan tỏa những năng lượng tích cực

Ảnh NVCC

Cùng trong một quận, nhưng nhiệm vụ của anh Phát là tham gia chống dịch cùng các anh em đoàn viên thanh niên, công việc nhiều lần phải tiếp xúc trực tiếp với F0, nhiều nguy cơ lây nhiễm nên anh Phát mang theo hành lý ở luôn tại phường, không về nhà.
“Nếu sau ngày 30.9, TP.HCM nới lỏng giãn cách, trước tiên tôi sẽ nói lời cảm ơn các tình nguyện viên đã đồng hành cùng với phường, cùng tuyến đầu chống dịch. Các bạn đã không ngại nguy hiểm, xa gia đình, quên đi những lợi ích của bản thân để tham gia tình nguyện, cùng chống dịch với thành phố. Sau đó, khi tình hình dịch đã yên ổn, tôi sẽ về thăm gia đình, thăm ba mẹ, gửi lời hỏi thăm sức khỏe, chúc bình an hạnh phúc đến những F0 mà tôi đã chăm sóc thời gian qua”, anh Phát bộc bạch.

Xóm trọ nghèo Sài Gòn sau 4 tháng thất nghiệp: ‘Nôn nao đi làm vì kiệt quệ rồi’

Trong khi đó, Lê Đại Lâm, 21 tuổi, sinh viên năm cuối Học viện cán bộ TP.HCM cũng đang ngóng trông mốc thời gian sau ngày 30.9. Từ khi TP.HCM bùng dịch cho tới bây giờ, khi đã vào năm học mới, Lâm vẫn tham gia đội chống dịch tại P.Tân Quý. Lâm cho biết, khi vào năm học mới, anh chủ động đăng ký lịch học để có thể vừa hoàn thành chương trình, vừa có thể hỗ trợ địa phương các công tác phòng chống dịch.

Lâm, chàng trai ngóng trông ngày được về quê thăm cha mẹ

Ảnh NVCC

“Sau ngày 30.9, nếu TP.HCM nới giãn cách, tôi vẫn sẽ tiếp tục cùng phường bám sát địa phương, thực hiện theo chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ để dịch bệnh không có cơ hội tái bùng phát. Sau đó, tùy vào tình hình thực tế, tôi sẽ xin nghỉ ít hôm để về thăm ba mẹ ở Long An. Gần nửa năm rồi tôi chưa được về nhà thăm ba mẹ, chưa được ăn chén cơm gia đình nên cũng nhớ lắm”, Lâm xúc động.

Ngày 27.9: Cả nước 9.362 ca Covid-19, 10.528 ca khỏi | TP.HCM 4.134 ca

Mong ước giản dị

Kể với người viết, Vũ Lê Ngọc Linh, 21 tuổi, sinh viên ngành chính trị học, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho hay cô luôn mong đám cưới nhỏ của mình - sự kiện quan trọng trong đời bị hoãn vì dịch - được tổ chức.
“Tôi mong sau ngày 30.9, TP.HCM trở về bình thường mới, thành phố sẽ cho tổ chức đám cưới nhỏ, dù chỉ quy mô ít người cũng được. Và chồng tôi lúc đó cũng sẽ đi chống dịch trở về. Chúng tôi sẽ làm một lễ rước dâu nho nhỏ, để 2 đứa chính thức về chung một nhà và cùng tiếp tục học tập, thực hiện ước mơ sau này”, Linh kể.

Ngọc Linh mơ một đám cưới sau khi TP.HCM về bình thường mới

Nguyễn Lâm Thùy Trang, học sinh lớp 10 A2 chuyên lý, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM thì cho hay, cô chỉ có một ước muốn, đó là học sinh sớm được tiêm vắc xin và đến trường học trực tiếp sau ngày 30.9, khi thành phố trở về bình thường mới.
“Học tập trực tiếp giúp học sinh tiếp thu bài dễ hơn, tương tác với giáo viên thuận lợi hơn, đồng thời các giáo viên cũng đỡ vất vả hơn. Trong mấy tuần qua, chúng tôi học trực tuyến, mạng nhiều khi bị “lag”, học sinh cứ bị văng ra hoài, cô giáo cũng rất vất vả phải giảng đi giảng lại nhiều lần nên rất áp lực”, Thùy Trang chia sẻ.

Nguyễn Lâm Thùy Trang

NVCC

Dù có nới lỏng giãn cách, rất mong mọi người tuân thủ 5K

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, anh Phan Cường, Chủ tịch UBND P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM cho hay, sau ngày 30.9, tâm tư và mong muốn của đông đảo người dân là được nới lỏng giãn cách để mọi người có thể ra ngoài đường đi làm, lo cho kinh tế gia đình, phục hồi sản xuất. Việc được ra ngoài làm việc, được tập luyện thể thao ngoài trời, được tiếp xúc với thiên nhiên, từ đó cũng giúp mỗi người được nâng cao sức khỏe thể lực và tinh thần.
Nhưng theo anh Cường, mỗi người cần tuân thủ quy định phòng chống dịch, dù sau ngày 30.9, TP.HCM nới lỏng giãn cách vẫn phải tuyệt đối tuân thủ quy định 5K. Không tập trung đông người để vui chơi lúc này. Anh Cường cho hay mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải biết tính toán sao đó để đảm bảo an toàn cho chính mình, gia đình và cộng đồng. Nhất là những gia đình có người lớn tuổi, có bệnh nền, nếu người thân làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao thì phải cân nhắc thăm hỏi ông bà cha mẹ cách nào. Hay 5K trong gia đình kiểu gì, để bảo vệ chính người thân của mình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.