Đây là điều đáng sợ nhất ở bệnh nhân tiểu đường

Thiên Lan
Thiên Lan
21/08/2022 00:09 GMT+7

Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương dây thần kinh và tuần hoàn kém, có thể dẫn đến nhiễm trùng chân. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng chân nặng có thể khiến phải cắt cụt chân, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Vì vậy, đối với người bệnh tiểu đường, điều quan trọng không kém là kiểm tra chân.

Hãy kiểm tra chân hằng ngày, ngay cả khi không cảm thấy đau, và đi bác sĩ nếu có vết thương hoặc vết phồng rộp không lành.

Chăm sóc chân hằng ngày là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng ở chân.

Khoảng một nửa số người mắc bệnh tiểu đường bị tổn thương thần kinh.

Tổn thương dây thần kinh có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào, nhưng bàn chân và cẳng chân thường bị ảnh hưởng nhất, theoCDC Mỹ.

Tổn thương dây thần kinh có thể khiến mất cảm giác ở bàn chân.

Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương dây thần kinh và tuần hoàn kém, có thể dẫn đến nhiễm trùng chân. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng chân nặng có thể khiến phải cắt cụt chân

Shutterstock

Không cảm thấy đau

Một số người bị tổn thương dây thần kinh có cảm giác tê, ngứa ran hoặc đau, nhưng những người khác không có triệu chứng.

Tổn thương dây thần kinh cũng có thể dẫn đến không cảm thấy đau, nóng hoặc lạnh.

Không cảm thấy đau ở bàn chân, người bệnh có thể không nhận thấy vết đứt, vết phồng rộp, đau hoặc các vấn đề khác. Các vấn đề nhỏ có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm.

Những ai có thể bị tổn thương thần kinh?

Bất kỳ ai mắc bệnh tiểu đường đều có thể bị tổn thương thần kinh, nhưng những yếu tố sau làm tăng nguy cơ:

  • Mức đường huyết khó quản lý
  • Mắc bệnh tiểu đường đã lâu, đặc biệt nếu lượng đường trong máu thường vượt quá ngưỡng
  • Thừa cân
  • Trên 40 tuổi
  • Bị huyết áp cao
  • Cũng có mức cholesterol cao, theo CDC Mỹ.

Tổn thương dây thần kinh, cùng với lưu lượng máu kém khiến người bệnh có nguy cơ bị loét chân có thể bị nhiễm trùng và không lành.

Nếu tình trạng nhiễm trùng không thuyên giảm, ngón chân, bàn chân hoặc một phần chân có thể cần phải được phẫu thuất để cắt cụt, nhằm ngăn nhiễm trùng lây lan và cứu sống người bệnh.

Kiểm tra bàn chân mỗi ngày có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề và điều trị ngay. Điều trị sớm giúp giảm đáng kể nguy cơ phải cắt cụt chi, theo CDC Mỹ.

Lời khuyên cho đôi chân khỏe mạnh

Kiểm tra bàn chân mỗi ngày để xem có vết cắt, mẩn đỏ, sưng tấy, vết loét, mụn nước, vết chai, hoặc bất kỳ thay đổi nào khác trên da hoặc móng hay không.

Rửa chân mỗi ngày bằng nước ấm. Đừng ngâm chân. Lau khô chân hoàn toàn và thoa kem dưỡng da nhưng không bôi giữa các ngón chân, vì có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Không bao giờ đi chân trần.

Mang giày vừa chân. Luôn mang vớ khi mang giày.

Cắt móng chân thẳng theo chiều ngang và nhẹ nhàng làm nhẵn các cạnh sắc nhọn bằng dũa móng tay.

Đừng tìm cách loại bỏ vết chai chân.

Kiểm tra chân mỗi lần khám sức khỏe. Thường xuyên đi bác sĩ để kiểm tra toàn bộ chân, bao gồm kiểm tra cảm giác và lưu lượng máu ở bàn chân.

Giữ cho máu lưu thông. Đưa chân lên cao khi ngồi và lắc lư các ngón chân trong vài phút vài lần trong ngày.

Chọn các hoạt động thân thiện với đôi chân như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội.

Chăm sóc chân hằng ngày là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng ở chân

Shutterstock

Khi nào nên đi khám?

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đi khám ngay lập tức:

  • Đau ở chân hoặc chuột rút ở mông, đùi hoặc bắp chân khi hoạt động thể chất.
  • Cảm giác ngứa ran, bỏng rát hoặc đau ở chân.
  • Mất cảm giác hoặc rất nhạy với cảm giác nóng hoặc lạnh.
  • Bàn chân biến dạng theo thời gian.
  • Rụng lông ở ngón chân, bàn chân và cẳng chân.
  • Da chân khô nứt.
  • Màu da chân trở nên khác thường và nhiệt độ bàn chân khác thường.
  • Móng chân dày, vàng.
  • Nhiễm nấm giữa các ngón chân.
  • Có vết phồng rộp, vết loét, vết đau, vết chai bị nhiễm trùng hoặc móng chân mọc ngược, theo CDC Mỹ.

Hầu hết người bệnh tiểu đường có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng ở chân.

Chăm sóc thường xuyên tại nhà và đi khám thường xuyên là cách tốt nhất để ngăn ngừa các vấn đề về chân trở nên nghiêm trọng.

Vì vậy, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, hãy đi khám càng sớm càng tốt, theo CDC Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.