Dạy học tự chọn: Lý thuyết khác xa thực tế

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/04/2022 08:05 GMT+7

Năm học tới, học sinh lớp 10 sẽ học theo chương trình mới, sẽ được học tự chọn nhiều môn thay vì tất cả đều là môn học bắt buộc như hiện nay.

Cho phép chọn trong hơn 100 tổ hợp

Về lý thuyết mà chương trình ban hành, có hơn 100 tổ hợp để học sinh (HS) lựa chọn, nhưng điều kiện thực tế là không thể.

Từ năm học 2022 - 2023 tới, HS lớp 10 học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có thay đổi rất lớn. Cụ thể, thay vì học 13 môn học bắt buộc như chương trình hiện hành, chương trình mới ở cấp THPT chỉ còn 7 môn học và hoạt động bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương. Các môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Sẽ có 3 nhóm môn học cho phép HS tự chọn (mỗi em chọn 5 môn trong 3 nhóm này) gồm: nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).

Khi nghiên cứu chương trình này, nhiều trường THPT bày tỏ lo ngại nếu cho HS thỏa sức lựa chọn thì sẽ có những môn/tổ hợp môn rất ít HS chọn, có môn/tổ hợp môn rất nhiều HS chọn. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng có giáo viên (GV) ở những môn học ít được lựa chọn sẽ thừa, hoặc quá ít giờ dạy; ngược lại có những GV sẽ bị quá tải, phải dạy vượt số giờ quy định, kinh phí chi cho việc dạy thừa giờ cũng như chất lượng dạy học bị giảm sút là điều không thể không lo ngại…

Từ năm học tới, học sinh lớp 10 học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có thay đổi rất lớn, chỉ còn 7 môn học và hoạt động bắt buộc

ĐÀO NGỌC THẠCH

Không thể chọn thứ mà nhà trường không có

Phó hiệu trưởng một trường THPT công lập ở Hà Nội chia sẻ các trường công không được chủ động về tuyển dụng GV, xây dựng cơ sở vật chất thì mọi thứ đều phải chờ “cấp trên”. Do vậy, việc dạy học tự chọn về lý thuyết là HS sẽ được chọn rất nhiều “món” nhưng thực tế các trường khi bố trí các tổ hợp cho HS lựa chọn sẽ phải “liệu cơm gắp mắm” theo điều kiện của mỗi trường.

Coi chừng giống mô hình “phân ban” trước đây

Câu chuyện chuẩn bị cho dạy học tự chọn hiện nay có vẻ đang rất giống với những gì từng tranh luận khi tổ chức dạy học phân ban, phân hóa của hơn chục năm về trước, cũng ở cấp THPT. Dù học theo cách làm của nước ngoài nhưng để tổ chức được mô hình tự chọn, ở các nước, số phòng học phải nhiều ít nhất gấp 3 lần số lớp học, trong khi ở ta, đa số trường vẫn phải tổ chức học 2 ca/ngày; GV biên chế, hợp đồng phải đảm bảo tối đa linh hoạt, chủ động cho các trường… Do vậy, ở nước ta, mô hình phân ban đến khi triển khai thực tế được xem là “không giống ai”, phân ban đã biến các trường thành lò luyện thi ĐH, HS thi khối nào sẽ chọn ban tương ứng để học nâng cao các môn của khối thi đó.

“Các em được chọn món ăn trong số các món ta có và chuẩn bị sẵn chứ không thể chọn món không có ở bữa ăn được. Về sau này, khi mọi thứ vào nền nếp, có thể sẽ tính toán để mở rộng hơn phạm vi lựa chọn của người học”, nhà giáo này chia sẻ.

Ngay một trường THPT top 1 ở Hà Nội như Trường THPT Việt Đức cũng chưa có GV và cơ sở vật chất để dạy 2 môn học mới của bậc THPT là âm nhạc và mỹ thuật, nên nếu HS chọn cũng không thể đáp ứng; còn các môn khác cũng phải tùy vào tình hình thực tế đội ngũ của nhà trường và HS đăng ký để có sự điều chỉnh cần thiết sao cho có sự phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng thay đổi sự lựa chọn môn học cho HS là thay đổi lớn, nếu thực hiện được sẽ rất tốt vì hướng tới cá nhân hóa đến từng HS, giúp các em có cơ hội phát huy được năng lực, sở thích, nguyện vọng nghề nghiệp của mình khi lựa chọn các môn phù hợp nhất. Tuy nhiên, để triển khai thì sẽ khó khăn.

Ông Bình cho biết sẽ khả thi hơn đó là nhà trường hướng dẫn cho các em cách lựa chọn tổ hợp các môn mình yêu thích. Theo đó, nhà trường tiến hành khảo sát cho HS đăng ký từ 1 đến 3 nguyện vọng. Sau khi xong thì sẽ tổng hợp lại để xem các em HS lựa chọn tập trung nhiều nhất vào tổ hợp môn nào. Căn cứ số lượng, số lớp mà HS đăng ký, nhà trường sẽ lựa ra những tổ hợp phù hợp với đội ngũ GV, trang thiết bị học của nhà trường.

Sở GD-ĐT Phú Thọ cho biết đa số các trường THPT đang xây dựng từ 4 - 10 phương án cho HS lựa chọn. Như vậy, các em sẽ lựa chọn theo nguyện vọng nhưng trong khả năng đáp ứng của nhà trường. Ông Đỗ Duy Hưng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, cho hay để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, các trường có thể xây dựng tổ hợp từ 3 nhóm môn học lựa chọn ở trên; mỗi tổ hợp gồm 5 môn. HS chọn tổ hợp môn học phù hợp trong số các tổ hợp môn học nhà trường đã thông báo. Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện về đội ngũ GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị, các trường có thể xây dựng những tổ hợp cụm chuyên đề học tập để HS chọn. HS chọn tổ hợp cụm chuyên đề phù hợp trong số các phương án nhà trường đã thông báo.

Mới đây, Sở GD-ĐT Sơn La cũng báo cáo Bộ GD-ĐT là đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục dự kiến xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường xây dựng phương án tổ chức cho HS đăng ký lựa chọn, sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của HS, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Dù chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm học này và chuẩn bị cho năm học tới nhưng biên chế để tuyển dụng GV cho các môn học mới của nhiều tỉnh, thành vẫn đang trong quá trình “tham mưu” để UBND tỉnh tiếp tục giao bổ sung chỉ tiêu biên chế, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy học.

Chưa có thông tin để chọn trường

Cũng có ý kiến nói rằng nếu HS nào có thiên hướng khoa học tự nhiên thì chọn trường có thế mạnh dạy học tự chọn các môn này; HS thiên hướng nghệ thuật thì có thể chọn trường nào đó có GV dạy âm nhạc, mỹ thuật. Đó cũng là một phương án HS có thể sẽ buộc phải chấp nhận, đánh đổi. Nhưng muốn như vậy, HS phải có thông tin: trường nào trên địa bàn mà em sinh sống có các môn học phù hợp với năng lực, sở thích để HS đăng ký dự tuyển.

Tuy nhiên, thực tế việc tuyển sinh vào lớp 10 năm tới vẫn cứ đang diễn ra như tuyển sinh tất cả mọi năm trước. Bản thân HS có lẽ cũng không biết sang năm sẽ học theo chương trình mới với các môn học tự chọn ra sao, trường nào có bao nhiêu tổ hợp, đó là những tổ hợp gì… Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học tới. Ngoài số môn thi, hình thức thi, lịch thi thì chưa có thông tin nào về việc các trường THPT sẽ tổ chức dạy học tự chọn năm học tới ra sao.

Theo chương trình ban hành, có hơn 100 tổ hợp để học sinh THPT lựa chọn nhưng điều kiện thực tế không thể đáp ứng

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ghi nhận ở ngay Hà Nội cho thấy các trường công bố tuyển sinh vào lớp 10 vẫn cứ theo “phân ban” như trước đây. PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, bày tỏ ngạc nhiên khi thực tế thì quá trình làm chương trình 2018 đã được chuẩn bị khá lâu, nhưng đến khi thực hiện, hầu hết mọi người vẫn “ngỡ ngàng” và kêu mới, kêu khó thực hiện. Bà Thơ cho hay theo dõi đề án tuyển sinh của địa phương, của nhiều nhà trường, bà vẫn chưa thấy có gì gọi là “thực hiện chương trình 2018”, đặc biệt là ở sứ mệnh hướng nghiệp. “Chúng ta cứ làm theo cách cũ, làm những nội dung công việc như cũ thì làm sao có kết quả mới được?”, bà Thơ lo lắng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.