Dạy học trực tuyến: Buổi 'livestream' bất đắc dĩ

14/11/2021 10:12 GMT+7

Năm học 2021 – 2022 rất khó khăn đối với học sinh phổ thông. Thầy trò khai giảng qua màn hình, hầu như các trường đều dạy trực tuyến, trẻ lớp 1 không có được niềm hạnh phúc của ngày đầu tiên đi học .

Mỗi buổi dạy học trực tuyến là một tiết dự giờ

Ở giai đoạn trước, mỗi khi có tiết dự giờ, giáo viên đều được báo trước ít nhất 15 phút. Giờ đây mỗi tiết dạy học trực tuyến đều là tiết dạy có dự giờ, Ban giám hiệu có thể vào Zoom bất cứ lúc nào, buổi học luôn có sự theo dõi thầm lặng của phụ huynh học sinh.

Dạy học trực tuyến trở thành giải pháp cần thiết, phù hợp với thực tế cho dù khó khăn cho cả người dạy lẫn người học

ctv

Mỗi tiết dạy trở thành buổi livestream của giáo viên, một lỗi nhỏ vô tình rất bình thường của thầy cô cũng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của mọi người. Thậm chí có trường hợp phụ huynh quá bức xúc gọi điện tới nhà trường yêu cầu thay đổi giáo viên! Chưa lúc nào giáo viên chịu nhiều áp lực như hiện nay, từng câu nói, từng hành động đều phải chuẩn mực, được cân nhắc cẩn thận.

Đôi lúc đang dạy, nghe tiếng bạn đọc bài bất chợt run rẩy, ngắt quãng, các em nháo nhào lên: "Cô ơi, con không nghe được". Đường truyền chập chờn là nguyên nhân của nhiều buổi tan học sớm. Chưa kể có trường hợp, lớp học bị nhóm học sinh ngỗ nghịch sử dụng địa chỉ ID - mật khẩu của lớp học (do các hội nhóm kín trên mạng xã hội Facebook chia sẻ) để xâm nhập, thực hiện các hành vi gây nhiễu, quấy rối, xúc phạm giáo viên và học sinh.

Một đồng nghiệp dạy hóa ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ: “Tôi dạy lớp 12 nên một ngày tôi nhận không dưới một trăm tin nhắn, cuộc gọi từ Zalo. Đa phần là các em hỏi bài, xin tài liệu những nội dung mở rộng. Chiều tối là những cuộc gọi của phụ huynh muốn biết tình hình học tập của con em. Tôi ở nhà nhưng lúc nào điện thoại cũng bên mình và kè kè cục pin dự phòng”. Tin nhắn và cuộc gọi, soạn bài chỉ là bề nổi của công việc giáo viên, cực nhất và tốn nhiều thời gian nhất là việc chấm bài của học sinh. Mỗi tuần, có giáo viên phải chấm hơn 200 bài tập được các em gửi bằng file hình ảnh.

San sẻ yêu thương

Gần một tuần sau lễ khai giảng ảo, có giáo viên vẫn chưa thấy một học sinh trong danh sách lớp xuất hiện trong Zoom online. Liên lạc qua nhiều kênh, giáo viên mới rõ tình cảnh của học sinh. Bố mẹ chia tay nhiều năm trước, mẹ đi làm xa nên gửi con cho bà ngoại nuôi. Gia cảnh đơn chiếc khó khăn, bà ngoại chỉ dùng điện thoại “cục gạch” nên học sinh không thể tham gia lớp. Câu chuyện của học sinh được cô giáo chia sẻ trong nhóm phụ huynh học sinh của lớp. Sau buổi họp trực tuyến, chi hội phụ huynh học sinh lớp quyết định tặng học sinh chiếc điện thoại thông minh cùng sách, vở để em tham gia lớp học cùng các bạn. Chi hội trưởng hội phụ huynh học sinh lớp bộc bạch: “Việc chúng tôi làm là để các em được bình đẳng trong học tập”.

Giáo viên tham gia khóa tập huấn về dạy học trực tuyến do Bộ GD-ĐT tổ chức

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Giải pháp cần thiết trong dịch bệnh

Cho đến hôm nay, không ai có thể trả lời dịch bệnh bao giờ chấm dứt. Cho nên, việc dạy học trực tuyến hiện nay không nhìn ở khía cạnh là cứu cánh hay phương tiện, nó trở thành giải pháp hữu ích, cần thiết phù hợp với thực tế cho dù khi thực hiện xảy ra rất nhiều khó khăn cho cả người dạy lẫn người học.

Nhiều phụ huynh than thở "Con tôi học từ sáng đến tối vẫn chưa hết bài". Thật ra, giáo viên soạn giáo án dạy học trực tuyến đã có phần giảm tải, cô đọng nội dung chương trình. Riêng lớp 9 và lớp 12 là hai khối lớp cuối cấp, thầy cô vẫn soạn đầy đủ nội dung chương trình để các em chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi cuối năm.

Thời điểm này, phụ huynh học sinh là người trực tiếp bên cạnh, gần gũi với các em nhất. Cho nên, sự hợp tác giữa phụ huynh học sinh và giáo viên khi dạy học trực tuyến là quan trọng hơn bao giờ hết.

Học tập là con đường dài và đi theo chúng ta suốt cuộc đời. Quan trọng là khi học tập các em phải được vui vẻ, không ngột ngạt bởi chiếc khẩu trang, không phải nhìn quanh với ánh mắt lo âu. Do đó đôi khi hãy nghĩ đây là một năm học chậm rãi, an lành để dành sức tăng tốc trong các năm học tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.