Dạy học tích hợp: Triển khai 2 năm mà chưa có giáo viên đào tạo chính quy

Bích Thanh
Bích Thanh
21/09/2022 07:27 GMT+7

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thực hiện ở bậc THCS bước sang năm thứ 2 với các môn học tích hợp nhưng phải hết năm học 2022 - 2023 thì giáo sinh môn học này mới ra trường và tham gia vào giảng dạy.

Đó là thông tin được lãnh đạo 2 trường ĐH có đào tạo mã ngành giáo viên (GV) các môn tích hợp khoa học tự nhiên (KHTN), lịch sử - địa lý đưa ra tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 vào sáng qua 20.9.

Giáo viên mong học sinh đừng đặt câu hỏi hóc búa !

Sau các buổi làm việc, giám sát chuyên đề tại Q.6, Gò Vấp, Tân Phú, H.Hóc Môn…, ngày 20.9, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM cùng các sở ban ngành và các trường ĐH về việc thực hiện chương trình GDPT 2018. Trong đó, những khó khăn về tuyển dụng GV nói chung và tổ chức GV giảng dạy môn học tích hợp trở thành mối quan tâm của đa số các đại biểu tham dự.

Trước đó, trong buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vào ngày 14.9, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, chỉ ra một thực tế ghi nhận từ cơ sở, hiện nay GV dạy môn tích hợp ở bậc THCS thường trong tình trạng mong học sinh (HS) đừng đặt câu hỏi quá hóc búa. Vì thực tế hiện nay GV không được đào tạo để dạy tích hợp mà đều từ các môn riêng lẻ, qua tập huấn để dạy tích hợp.

Một tiết học môn khoa học tự nhiên lớp 7

HẢI NGUYỄN

Ngoài ra, cũng theo ông Thanh, có môn tích hợp, có nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, GV môn nào thì dạy nội dung môn đó. Có trường GV môn lẻ sau khi tập huấn thì đứng lớp liên môn nên “không yên tâm vì kiến thức chưa nhiều”.

Chính từ thực tế nói trên, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nêu ý kiến ngành giáo dục cần có giải pháp đặc biệt là môn tích hợp, chứ không thể để các trường tự “bơi” như hiện nay.

Hết năm học này mới có giáo sinh ra trường

Ông Võ Văn Thật, Hiệu phó Trường ĐH Sài Gòn, nhìn nhận khi ban hành chương trình GDPT 2018 thì hoàn toàn không có GV để một người có thể làm chủ liên môn trên lớp. Vì vậy các trường gặp rất nhiều khó khăn. Đó là dự báo mà TP đã nhìn thấy và quyết liệt xây dựng chương trình, triển khai bồi dưỡng GV, mở lớp tại quận huyện tạo điều kiện tối đa cho GV ngay cả trong đỉnh dịch. Đến nay TP đã bồi dưỡng cho gần 5.000 lượt GV ở bộ môn tích hợp. Với lộ trình này, TP.HCM không lo thiếu GV thực hiện chương trình GDPT 2018.

Về đào tạo GV chuyên ngành, ông Võ Văn Thật cũng nói năm 2019 mới có mã ngành sư phạm lịch sử - địa lý, sư phạm KHTN. Theo lộ trình thì kết thúc năm học 2022 - 2023 mới có khoảng 60 sinh viên đầu tiên ra trường.

Tương tự, ông Cao Anh Tuấn, Hiệu phó Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay hết năm học này thì khoảng 100 sinh viên khóa đầu tiên chuyên ngành sư phạm KHTN và lịch sử - địa lý sẽ ra trường. Ngoài ra bắt đầu từ năm nay, Trường ĐH Sư phạm có đào tạo mã ngành mới là sư phạm công nghệ để đáp ứng giáo viên cho chương trình GDPT 2018.

Khi ban hành chương trình GDPT 2018 thì hoàn toàn không có GV để một người có thể làm chủ liên môn trên lớp

đào ngọc thạch

Cần giải pháp về thu nhập giáo viên

Cũng tại buổi làm việc, trước khó khăn trong tuyển dụng GV tin học và tiếng Anh, ông Cao Anh Tuấn cho rằng đây là 2 ngành học đặc thù, trường vẫn đào tạo nhưng sinh viên ra trường cơ hội việc làm ngoài ngành nhiều, thu nhập cao. Vì thế, theo ông Tuấn, TP cũng nên xem xét tính đặc thù của ngành nghề để có những giải pháp phù hợp.

Từ thực tế này, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhấn mạnh: “Một trong những giải pháp chưa thấy ngành giáo dục nhắc đến là thu nhập của GV. Mặt bằng chung thu nhập của thầy cô còn thấp, nếu thời gian qua TP không triển khai Nghị quyết 03 về thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức thì có lẽ khó có thể biết được số lượng GV nghỉ việc sẽ đến mức nào. Do đó, ngành giáo dục cần chủ động tham mưu tăng thêm thu nhập cho GV để họ sống được, ổn định cuộc sống và toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp trồng người”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.