Day dứt

13/09/2019 04:51 GMT+7

Chúng ta phải xây dựng một chính quyền cơ sở mà ở đó cuộc sống cộng đồng phải là trung tâm; an toàn sức khỏe của người dân và tinh thần tôn trọng sự thật phải được đặt trên thành tích của quan chức địa phương.

16 ngày sau vụ cháy xảy ra tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, điều day dứt nhất còn đọng lại có lẽ là chuyện: chính quyền cấp thấp nhất, gần dân nhất (P.Hạ Đình) đã hành động kịp thời nhất, và phù hợp với thông lệ quốc tế nhất, đã phải chịu kỷ luật về điều đó.
Trục trặc nào trong quy trình xử lý sự cố nói riêng và quản trị xã hội nói chung gây ra điều trớ trêu này?
Ứng xử của chính quyền Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội xung quanh thông báo (về xử lý vệ sinh môi trường sau cháy) của P.Hạ Đình và những thông tin bất nhất sau đó, cho thấy sự thiếu vắng quy trình ứng phó sự cố trong pháp luật của chúng ta.
Vụ cháy ở Công ty Rạng Đông không chỉ là một sự cố cháy nổ thông thường, mà là một sự cố về môi trường. Đọc lại thì thấy, hệ thống pháp luật của ta có khá nhiều quy định xử lý những sự cố như thế này. Điều 108 - 112 luật Bảo vệ môi trường quy định về ứng phó với sự cố, trong đó quy định sự cố xảy ra ở nơi nào thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm, khi vượt quá khả năng xử lý thì báo cáo cấp trên.
Nhưng trên thực tế, với những quy định chung chung như thế, khi tình huống xảy ra, dường như không một cơ quan chức năng nào nắm được phải hành động thế nào, trên cơ sở pháp lý nào? P.Hạ Đình ra thông báo thì bị Q.Thanh Xuân thu hồi vì không... đúng thẩm quyền. Các thông báo của Q.Thanh Xuân sau đó thì mâu thuẫn với các công bố của cơ quan chuyên môn về y tế, môi trường... UBND TP.Hà Nội thì chỉ chịu lên tiếng và chỉ đạo 8 ngày sau sự cố.
Pháp luật của ta cũng rất nghiêm khắc với việc chậm trễ trong ứng phó, xử lý sự cố môi trường. Điều 237 bộ luật Hình sự xác định các hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường ở mức độ nghiêm trọng là tội phạm (với mức án cao nhất lên đến 7 năm tù giam). Thế nhưng, như đã nói, vì thiếu vắng quy định thiết lập một quy trình cụ thể, gắn với trách nhiệm cụ thể xử lý sự cố, nên những chế tài dù cứng rắn như thế chắc cũng chỉ là những con chữ chết trên giấy mà thôi.
16 ngày, một sự cố môi trường theo đánh giá của Bộ trưởng TN-MT là “nguy hại ở mức trung bình”, mà phải đến khi Thủ tướng có ý kiến, 2 phó thủ tướng chủ trì một cuộc họp chung thì dân mới được khuyến cáo giữ vệ sinh môi trường, theo dõi sức khỏe, hiện trường mới được tẩy độc...
Vụ cháy Rạng Đông làm “tan vỡ” nhiều thứ, trong đó có lòng tin, nhưng cũng giúp chúng ta nhìn rõ nhiều thứ. Rằng chúng ta cần chuẩn hóa quy trình ứng phó sự cố hóa chất, sự cố môi trường. Đó phải là một quy trình rõ ràng, cụ thể, đơn nghĩa, và gắn với trách nhiệm cho từng đầu mối cụ thể.
Rằng chúng ta phải xây dựng một chính quyền cơ sở mà ở đó cuộc sống cộng đồng phải là trung tâm; an toàn sức khỏe của người dân và tinh thần tôn trọng sự thật phải được đặt trên thành tích của quan chức địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.