Đầu tư công nghệ bảo quản để tăng sức cạnh tranh cho trái cây Việt

07/06/2020 08:22 GMT+7

Không chỉ xuất khẩu tiểu ngạch giảm, dịch bệnh đã khiến trái cây xuất khẩu chính ngạch giảm theo.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết trong tháng 5, khi một số nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa, xuất khẩu trái cây sang Mỹ, Úc, Canada đều tăng mạnh, hơn 70% so với thời điểm cách ly dịch bệnh.
Dự báo trong năm nay, xuất khẩu trái cây của công ty có thể giảm 30% do ảnh hưởng dịch Covid-19. Vấn đề quan trọng để tăng thị phần trái cây tại các thị trường khó tính là phải cạnh tranh được về giá.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hiểu, Trưởng bộ môn nghiên cứu công nghệ bảo quản thực phẩm (Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch), cho rằng đã có nhiều loại trái cây xuất khẩu sang EU, Mỹ, Úc trước đây nhưng chủ yếu đi theo đường hàng không. Ông nói: “Khối lượng xuất khẩu ít, giá thành cao đã khiến trái cây Việt mất sức cạnh tranh. Trên thực tế, doanh nghiệp (DN) đang có nhu cầu rất lớn xuất khẩu trái cây theo đường biển để giảm chi phí. Vấn đề mấu chốt phải có công nghệ bảo quản dài ngày”.
Tuy nhiên, không phải một công nghệ bảo quản có thể áp dụng chung cho nhiều loại trái cây. Tùy thuộc vào đặc tính sinh học của mỗi loại trái cây, thị trường xuất khẩu thì công nghệ bảo quản có độ dài ngắn khác nhau.
Thế nên, trong thực tế, có loại trái cây đã ứng dụng thành công công nghệ bảo quản sau thu hoạch dài ngày, đã đi được đường biển, nhưng vẫn có loại quả chỉ phụ thuộc đường hàng không vì… chưa được nghiên cứu bảo quản dài ngày thành công. Theo ông Hiểu, các nghiên cứu hiện nay đều hướng đến khung thời gian bảo quản tối thiểu từ 30 - 35 ngày đảm bảo yêu cầu xuất khẩu theo đường biển. Đến nay, Viện đã làm được công nghệ bảo quản hoàn thiện trên các loại quả: sầu riêng, xoài, măng cụt, vải thiều và sắp tới sẽ nghiên cứu công nghệ bảo quản riêng cho nhãn để xuất khẩu theo đường biển.
Đối với vải thiều, năm nay dự báo xuất khẩu bằng đường biển số lượng lớn đến Singapore, Nhật Bản khi đã có công nghệ bảo quản lên tới 35 ngày. Để có công nghệ này, Viện và DN phải trải qua hàng nghìn thí nghiệm trên hàng trăm tấn vải trong suốt 7 năm qua.
So sánh mức cước phí 0,2 USD/kg bằng đường biển và mức 5,5 USD/kg bằng đường hàng không, nhiều DN khẳng định nếu các loại trái cây đều được nghiên cứu và áp dụng được công nghệ bảo quản lâu ngày trên 1 tháng, thì trái cây Việt như được tiếp thêm sức cạnh tranh.
“Công nghệ bảo quản trái cây dài ngày sẽ giúp đưa trái cây Việt vươn đến những thị trường ở xa về khoảng cách địa lý, DN lại chủ động chọn thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống nhiều hơn. Đặc biệt, khi cạnh tranh tốt về giá, chất lượng ổn định, việc mở rộng thị trường dễ dàng hơn nhiều”, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển DN, nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.