Đấu nhau vì 'đụng' tên, vì sao Miss Grand lại là Hoa hậu Hòa bình?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
08/06/2022 09:47 GMT+7

Đại diện Miss Peace Vietnam nói Miss Peace dịch thành Hoa hậu Hòa bình là sát nghĩa. Còn Grand trong Miss Grand "không phải là hòa bình".

Trong cuộc “đụng” tên cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, cả hai bên đều đưa ra hồ sơ pháp lý để chứng tỏ mình có quyền sử dụng cụm từ “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”. Tuy nhiên, phía Công ty Minh Khang còn đưa ra một lý do liên quan đến dịch thuật.

Hoa hậu Miss Grand International Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Miss grand international

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỳ (nghệ danh Thùy Dương), Giám đốc Công ty Minh Khang, cho biết về tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam: “Chúng tôi bám sát tên tiếng Anh là Miss Peace. Đề án chúng tôi trình đều qua Bộ VH-TT-VH duyệt. Chúng tôi khẳng định tên gọi của chúng tôi sát với tên cuộc thi của chúng tôi”. Bà Thùy cũng nhấn mạnh grand tiếng Anh là "to lớn", không phải là "hòa bình".

Bà Thùy cũng cho biết, Công ty Minh Khang đã nhận được văn bản của Công ty Sen Vàng. Theo đó, Công ty Sen Vàng cho rằng, việc Công ty Minh Khang tổ chức cuộc thi với tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 - Miss Peace Vietnam sẽ gây ra sự nhầm lẫn với cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 (Miss Grand Vietnam 2022) của Công ty Sen Vàng.

Vì sao Grand lại là hòa bình?

Thanh Niên đã trao đổi với luật sư Trương Thị Dạ Thảo, Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, về việc dịch Miss Grand thành Hoa hậu Hòa bình. Phan Law là đơn vị được Công ty Sen Vàng trong vụ việc tranh chấp tên gọi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" với Công ty Minh Khang.

Các hoa hậu của Miss Grand International

Miss grand international

Bà Thảo cho biết: “Thoạt trông, về mặt câu chữ thì việc dịch thuật ngữ Miss Grand có vẻ không sát nghĩa. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cụm từ Miss Grand International được chuyển ngữ thành "Hoa hậu Hòa bình" là có cơ sở, vốn dựa trên một thông điệp trong việc tổ chức cuộc thi và thực tiễn công nhận”.

Theo bà Thảo, cuộc thi Miss Grand International hướng đến mục tiêu, tôn chỉ là “Stop war and violence (chấm dứt chiến tranh và bạo lực)” nên được biết đến như một cuộc thi sắc đẹp vì hoà bình. “Cũng vì vậy mà Miss Grand International được Việt hóa thành tên gọi Hoa hậu Hòa bình quốc tế”, bà Thảo cho biết.

Cũng theo luật sư Thảo, kể từ năm 2017, với sự kiện vòng chung kết Miss Grand International được tổ chức tại Phú Quốc, Kiên Giang, các cơ quan báo chí truyền thông đã quan tâm và đưa tin về cuộc thi này. Tất cả các bài báo đều sử dụng thuật ngữ "Hoa hậu Hoà bình quốc tế" hay "Hoa hậu Hoà bình thế giới" để chỉ dẫn đến cuộc thi sắc đẹp Miss Grand International. Điều này đồng nghĩa với việc "Hoa hậu Hoà bình quốc tế" đang được hiểu là tên gọi khác của Miss Grand International khi được sử dụng tại Việt Nam.

Bà Thảo khẳng định: “Cho đến hiện nay, tên gọi "Hoa hậu Hòa Bình" đã trở nên quá quen thuộc với tất cả mọi người và nó đã trở thành dấu hiệu định danh, gắn liền với Miss Grand”.

Khả năng hai cuộc thi trùng tên tiếng Việt

Hiện tại, chúng ta đang có hai cuộc thi hoa hậu trùng tên tiếng Việt là "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam". Tuy nhiên, chúng lại khác tên tiếng Anh: Miss Grand Vietnam và Miss Peace Vietnam.

Miss Peace Vietnam được dịch sát nghĩa là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam

Minh khang cung cấp

Về khả năng cả hai cuộc thi sẽ đều được dùng tên "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" kèm theo tên tiếng Anh để không gây nhầm lẫn, bà Thảo cho rằng: “Theo nhận định của PhanLaw, việc cả hai cuộc thi cùng sử dụng tên tiếng Việt "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" nhưng có kèm theo tên tiếng Anh sẽ không thể hạn chế sự nhầm lẫn của đa số khán thính giả cũng như của những người có quan tâm đến cuộc thi”.

Tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, hai bà trùm nói gì?

Theo bà Thảo, nếu xét về tổng số từ trong tên gọi của hai cuộc thi thì sự khác biệt chỉ nằm ở từ Grand và từ Peace. Nghĩa là sự khác biệt chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng thể tên gọi. Điều này cho thấy rằng việc kèm theo tên tiếng Anh là không đủ để giúp khán thính giả có thể phân biệt, nhận thức được đây hai cuộc thi là khác nhau.

Bên cạnh đó, theo bà Thảo, ở giai đoạn hiện tại, cả hai cuộc thi đều chủ yếu nhắm đến các khán giả là người Việt Nam. Do đó, tên gọi của cuộc thi bằng tiếng Việt sẽ được xem là tên gọi chính thức và có sức ảnh hưởng nhiều hơn so với tên gọi bằng tiếng Anh.

Bà Thảo đánh giá: “Vì vậy, Phan Law cho rằng, việc hai cuộc thi cùng sử dụng chung tên tiếng Việt "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" và có kèm theo tên tiếng Anh không phải là một giải pháp phù hợp để đảm bảo các quyền và lợi ích của các nhà tổ chức cuộc thi cũng như của các khán thính giả”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.