Con đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ và cách phòng tránh

Lê Cầm
Lê Cầm
29/09/2023 04:08 GMT+7

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ và cũng có thể lây từ động vật sang người.

Lây nhiễm từ người sang người

Ngày 28.9, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, đậu mùa khỉ lây từ người sang người khi tiếp xúc gần với người có triệu chứng, tiếp xúc trực tiếp da với da, tiếp xúc đối diện khoảng cách gần, chạm vào các bề mặt có nguy cơ lây nhiễm như chăn gối, ga giường, khăn tắm...

Cùng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Hàn Tiểu Sảo - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, khác với vi rút gây Covid-19 lây lan qua không khí và các giọt bắn hô hấp, bệnh đậu mùa khỉ lây lan khi tiếp xúc gần hơn nhiều. Khi dùng chung giường, quần áo hoặc bàn chải đánh răng với người bị nhiễm bệnh sẽ có rủi ro cao hơn.

Con người có thể nhiễm virus đậu mùa khỉ thông qua 3 con đường chính: Một là từ vết cắn hoặc vết xước của động vật mang virus. Hai là khi ăn thịt động vật mắc bệnh. Ba là tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh hoặc chạm vào giường, quần áo bị ô nhiễm.

Vi rút đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương ở da, đường hô hấp hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng). Ở người, vi rút lây truyền chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp, song nó không thể văng xa đến vài mét, vì vậy khi tiếp xúc gần mới có thể lây nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, hiện vẫn chưa xác định được người bệnh có thể lây truyền bệnh trong bao lâu, nhưng nhìn chung, người bệnh được coi là vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác cho tới khi tất cả các tổn thương đã đóng vảy, lớp vảy đã bong ra và hình thành một lớp da mới.

Con đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ và cách phòng tránh - Ảnh 1.

Các nốt hồng ban ở trẻ mắc đậu mùa khỉ

SHUTTERSTOCK

Lây nhiễm từ động vật sang người

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi con người tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Vật chủ bao gồm các loài động vật gặm nhấm và linh trưởng. Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ từ động vật bằng cách tránh tiếp xúc với động vật hoang dã nếu không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân, đặc biệt là động vật bị ốm hoặc đã chết (bao gồm cả thịt và máu của chúng).

Ở các nước có bệnh lưu hành, nơi động vật mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần nấu chín kỹ thịt hoặc các bộ phận của động vật trước khi ăn.

Cách phòng tránh đậu mùa khỉ

Bác sĩ Thảo khuyến cáo bảo vệ bản thân khỏi bệnh đậu mùa khỉ bằng cách tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh, cần tránh tiếp xúc trực tiếp da với da, đối diện, hoặc miệng với da. Thường xuyên vệ sinh tay, các vật dụng, các bề mặt, chăn, ga gối đệm, khăn tắm và quần áo. 

"Nếu tiếp xúc với các bề mặt không rõ có nguy cơ lây nhiễm giọt bắn, dịch tiết từ người mắc đậu mùa khỉ hay không thì nên vệ sinh khử khuẩn tay kỹ", bác sĩ Thảo khuyến cáo.

 Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
  • Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
  • Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
  • Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.