Đậu mùa khỉ: Không hoang mang, chủ động phòng tránh

Duy Tính
Duy Tính
29/09/2023 07:27 GMT+7

Viện Pasteur TP.HCM ngày 28.9 đã có công văn gửi 20 tỉnh, thành khu vực phía nam về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ nhằm hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Trong vòng 1 năm, tại VN ghi nhận có 5 bệnh nhân (BN) đậu mùa khỉ (vi rút Mpox), bao gồm: 2 BN có nguồn gốc nhập cảnh năm 2022 tại TP.HCM, 1 BN sau khi xuất cảnh ra nước ngoài thì được phát hiện giữa năm 2023, và 2 BN mắc từ trong nước vừa được phát hiện.

Đậu mùa khỉ: Không hoang mang, chủ động phòng tránh  - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM

D.T

Chủ yếu điều trị triệu chứng

Đúng 1 năm trước, BN nữ 35 tuổi khởi phát bệnh ngày 18.9.2022 khi đang du lịch tại Dubai (đi từ tháng 7.2022 - 22.9.2022 về VN) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt. Tại VN, kết quả xét nghiệm giải trình tự gien khẳng định BN mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng vi rút đậu mùa khỉ thuộc Clade IIb.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi rút đậu mùa khỉ được chia thành 2 nhánh Clade - I và II. Nhánh Clade II chia thành IIa và IIb. Các vi rút của Clade IIb đang lưu hành và gây dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới từ đầu năm 2022 đến nay.

Ngày 20.10.2022, Sở Y tế TP.HCM công bố phát hiện thêm 1 BN nữ 38 tuổi (ngụ Tuyên Quang) mắc bệnh đậu mùa khỉ và cũng trở về từ Dubai (là bạn của BN đầu tiên). BN được cách ly, điều trị ngay khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Giữa năm 2023, 1 nam BN từ VN sang Đài Loan thì được phát hiện mắc đậu mùa khỉ. BN này có quan hệ với bạn tình ở VN trong thời gian ở VN.

2 BN được phát hiện mới đây có địa chỉ thường trú tại Đồng Nai và Bình Dương. Trong 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng, BN chỉ ở VN. Các BN được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Với bệnh đậu mùa khỉ, điều trị triệu chứng là chủ yếu. Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý. Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch…) theo khuyến cáo của WHO.

Bác sĩ (BS) Lương Chấn Quang, Phó trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (Viện Pasteur TP.HCM), cho biết: "Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục điều tra mở rộng các địa điểm, nhóm người tiếp xúc với 2 BN theo phương châm "gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để xác định nguồn lây và phát hiện sớm các trường hợp bệnh khác, nếu có".

CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH

BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm (BV Nhi đồng 1), cho rằng BN có hay không có đi nước ngoài cũng không quan trọng, vì bệnh trước sau gì cũng xuất hiện ở nội địa. Tính lây nhiễm hiện nay của bệnh chủ yếu qua đường cọ xát, xảy ra trên các đối tượng đặc biệt và cách lây rất giống HIV. Nhưng thể bệnh thì không giống HIV, vì bệnh tự hết, người bị lây cũng tự thải vi rút và đến 21 ngày sẽ không lây nữa. BS Khanh khuyến cáo người dân không nên hoang mang, nhưng cần hiểu biết cách phòng bệnh.

Cùng nhận định, BS Lương Chấn Quang cho hay, các thông tin hiện có cho thấy cả 2 BN khởi bệnh tại nơi cư trú, chưa có yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch dễ dàng giữa các quốc gia thì nguy cơ xâm nhập đậu mùa khỉ là hoàn toàn có thể. Do đó, để phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế không chỉ với riêng đậu mùa khỉ mà còn với các bệnh truyền nhiễm khác.

Theo BS Quang, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ người qua người kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Bệnh lây truyền chính qua tiếp xúc trực tiếp (bao gồm cả quan hệ tình dục), qua giọt bắn lớn, do đó người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Người có triệu chứng sốt, phát ban cấp tính dạng mụn mủ quanh bộ phận sinh dục, lòng bàn tay, chân, thân mình, mặt, cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Với người tiếp xúc với BN đậu mùa khỉ, cố gắng tránh tiếp xúc gần BN, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người dân cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân, bao gồm: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; Đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

TP.HCM giám sát chặt người nhập cảnh phòng dịch do vi rút Nipah

Ngày 28.9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đang thực hiện giám sát 24/7 đối với người nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế (sân bay Tân Sơn Nhất và cảng hàng hải TP.HCM). Việc này nhằm phát hiện sớm các trường hợp sốt hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để cách ly, xử trí kịp thời ngay tại cửa khẩu, trong đó có tăng cường giám sát người nhập cảnh từ các vùng đang bùng phát dịch vi rút Nipah (1 loại vi rút gây bệnh lý gây tổn thương đa cơ quan, hoặc viêm não hoặc viêm hô hấp). HCDC cũng lưu ý các hành khách đi về từ vùng dịch vi rút Nipah, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như: sốt, nhức đầu từ 3 - 14 ngày cùng các dấu hiệu hô hấp (ho, đau họng và khó thở), cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.