Đau lòng chuyện uống nhầm a xít pha loãng chứa trong chai trà xanh

30/06/2020 00:09 GMT+7

Bé trai 2 tuổi uống nhầm a xít . Đây lại là một trường hợp đáng tiếc trẻ uống nhầm do người lớn đựng hóa chất trong các loại chai nước.

Bác sĩ cảnh báo phụ huynh cẩn trọng, tránh trẻ uống nhầm hóa chất gây tổn thương nặng nề.

Tưởng nước, uống nhầm a xít

Ngày 29.6, bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết: Bệnh viện tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bé trai N.T.P (hơn 2 tuổi, ngụ Tiền Giang) trong tình trạng nôn ói, không thể ăn được.
Theo người nhà kể lại, bé chơi trong sân vườn trước nhà, sau đó khát nước chạy vào nhà lấy chai trà xanh có chứa a xít sunfuric (H2SO4) đã pha loãng để trên bàn uống. Bé cứ tưởng đó là chai nước trà xanh.

Chúng tôi lưu ý đến quý phụ huynh đừng để hóa chất trong các dụng cụ, chai đựng nước, thức uống vì dễ làm trẻ nhầm lẫn với các loại nước uống. Phụ huynh cũng lưu ý để thuốc và hóa chất xa tầm với của trẻ hoặc cất trong các tủ có khóa, tránh cho trẻ tiếp cận, gây hậu quả đáng tiếc

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Sau khi uống, bé ho sặc sụa, ói ra dịch hóa chất. Người nhà phát hiện và cho bé uống nước súc miệng. Sau đó, bé không có biểu hiện gì và tiếp tục chơi đùa với các em nhỏ khác trong nhà.
Sau hai ngày, bé có dấu hiệu ói khi ăn cơm nên mẹ cho ăn cháo nhưng thỉnh thoảng bé lại ói ra và than đau rát vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn). Khi đó, phụ huynh mới cho bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Qua thăm khám và nội soi đường tiêu hóa của bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy thực quản, dạ dày bệnh nhân bình thường nhưng vùng môn vị sưng đỏ, chít hẹp, khó đặt ống thông đi qua. Vì vậy, bác sĩ phải đặt ống thông qua da vào dạ dày, luồn qua chỗ hẹp môn vị, xuống ruột non để truyền dinh dưỡng cho trẻ và giữ môn vị không bị chít hẹp thêm.
Hiện bệnh nhi tỉnh táo, được cho chế độ ăn thích hợp qua ống thông.
“Bác sĩ phải tiếp tục theo dõi trẻ, nội soi tiêu hóa đánh giá tổn thương hẹp vùng môn vị rồi mới quyết định nong chỗ hẹp, giúp bảo tồn môn vị cho trẻ; nếu cắt bỏ môn vị sẽ gây khó khăn cho tiêu hóa, hấp thu thức ăn của bệnh nhi về sau”, bác sĩ Tiến đánh giá.
Theo bác sĩ Tiến, a xít sunfuric là hóa chất độc hại hàng đầu, được dùng trong nhiều ngành công nghiệp sản xuất... Bé P. lại là một trong nhiều trường hợp tai nạn đánh tiếc trẻ uống nhầm hóa chất do người lớn đựng trong các loại chai nước. 

Đừng để hóa chất trong vỏ chai nước!

Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thường tiếp nhận những trường hợp trẻ phải nhập viện do ngộ độc chất tẩy rửa, hóa chất. Đặc biệt nhiều trường hợp uống nhầm vì nhiều loại hóa chất được dùng trong gia đình lại được người nhà đựng trong các loại vỏ chai đựng nước uống, để trên bàn hay trong tầm tay trẻ.
“Chúng tôi lưu ý đến quý phụ huynh đừng để hóa chất trong các dụng cụ, chai đựng nước, thức uống vì dễ làm trẻ nhầm lẫn với các loại nước uống. Phụ huynh cũng lưu ý để thuốc và hóa chất xa tầm với của trẻ hoặc cất trong các tủ có khóa, tránh cho trẻ tiếp cận, gây hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Tiến cảnh báo.
Mặt khác, bản thân người lớn cần tìm hiểu về tác dụng, cách sử dụng, độc tính và các biện pháp phòng tránh ngộ độc các hóa chất gia dụng; không nên mang về nhà các hóa chất mạnh vốn để sử dụng trong công nghiệp hay trong sản xuất dịch vụ.

Các dấu hiệu có thể gặp khi ngộ độc hóa chất sử dụng trong gia đình:

- Đau họng miệng, đau bụng, buồn nôn và nôn.
- Phỏng niêm mạc miệng họng: môi lưỡi đỏ xung huyết, phồng rộp, trượt niêm mạc…
- Đau vùng thượng vị, mũi ức hoặc đau lan tỏa khắp bụng. Tình trạng căng chướng bụng có thể là biểu hiện của thủng dạ dày, thực quản.
- Hít phải các hóa chất gây viêm đường hô hấp sẽ có các biểu hiện: Khó thở, thở nhanh nông, tím quanh môi, cánh mũi phập phồng, co kéo hõm ức.
Ngoài ra có thể nghe thấy tiếng thở rít do co thắt thanh quản.
- Hóa chất tác động lên hệ tuần hoàn gây tình trạng: sốc, da bệnh nhân tái lạnh, nhợt nhạt, ẩm, có khi nổi các vân tím; mạch nhanh, khó bắt.
- Bệnh nhân bị rối loạn ý thức: lơ mơ, li bì hoặc hôn mê, với trẻ nhỏ có thể hốt hoảng la khóc,…
- Bỏng da nơi tiếp xúc với hóa chất a xít mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.