Dấu hỏi lớn ngành tự động hóa sau vụ cháy nhà kho có 600 robot

Thu Thảo
Thu Thảo
04/03/2019 16:35 GMT+7

Rạng sáng 5.2, lửa bùng lên tại nhà kho hiện đại của Ocado Group. Nhân viên cứu hỏa nhanh chóng đến nhưng ngọn lửa vẫn biến cơ sở năm tầng ở miền đông nước Anh thành đống kim loại đổ nát.

Cũng trong hôm đó, các giám đốc Ocado báo cáo kết quả kinh doanh hằng quý tại phòng hội nghị ở London. Giám đốc điều hành Ocado Tim Steiner khen nhiều điểm tốt của một nhà kho toàn robot, song không nhắc đến vụ hỏa hoạn vốn kéo dài thêm đến ba ngày mới tắt.
Với Ocado, vụ cháy là lời nhắc rằng tự động hóa tiềm ẩn vấn đề. Máy móc có thể là nhân viên làm việc hiệu quả và an toàn, song môi trường toàn máy móc không được thiết kế để con người can thiệp khi thảm họa xảy ra. Hậu quả tài chính có thể tồi tệ hơn nếu rủi ro của nhà bán lẻ tập trung vào một vài nhà kho đắt đỏ thay vì hàng trăm cửa hàng.
“Có thách thức về mặt thể chất, cấu hình ở một số nơi như thế này nếu sự cố xảy ra. Hiểu biết về tự động hóa đang tăng từ từ”, giám đốc học thuật Jonathan Reynolds của Viện Quản lý Bán lẻ Oxford cho hay. Ocado không phải nhà cung ứng thương mại điện tử duy nhất gánh sự cố lớn. Hãng thời trang Asos cũng vấp phải ba vụ cháy nhà kho từ năm 2005.
Robot làm việc trên Nền tảng Thông minh Ocado ở cơ sở bị cháy Ảnh: Ocado Technology
Hãng hàng tạp hóa trực tuyến cho hay đám cháy bắt đầu ở nơi được gọi là mạng lưới bao quanh. Tại đó, thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Phát ngôn viên doanh nghiệp từ chối bình luận thêm về nguyên nhân, song thực tế, ngọn lửa lan cao trong nhà kho và khó tiệp cận đến mức lính cứu hỏa phải đục lỗ trên mái nhà, theo giám đốc Neil Odin của Sở Cứu hỏa và cứu hộ Hampshire. Hệ thống phun nước chỉ kiềm chế lửa trong giai đoạn đầu, phải mất hơn 200 người để dập tắt ngọn lửa.
Cơ sở rộng khoảng 22.000 mét vuông này là cơ sở robot đầu tiên khi được xây dựng vào năm 2016. Nó được thiết kế để khuyến khích nhiều nhà bán lẻ khác hợp tác với Ocado nhằm cải thiện hoạt động giao hàng trực tuyến. Nhà kho hoàn thiện khoảng 10% đơn hàng cho Ocado. Tăng trưởng doanh thu của hãng dự kiến sẽ còn chịu ảnh hưởng cho đến khi công suất xử lý đơn hàng tăng lên ở nhà kho khác.
Nhà kho cháy rụi có 17 ngăn với thùng chứa và mạng lưới trên đầu, nơi hơn 600 robot thực hiện đơn đặt hàng trong vài giây. Số robot có quy mô tương đương một đơn vị lao động người thật. Nhà máy vẫn có một số nhân viên con người bên dưới mạng lưới để đóng gói đơn hàng. Nhà kho tự động thường cao và hẹp hơn so với cơ sở truyền thống vì nó không cần chỗ cho người di chuyển giữa các tầng. Theo CEO Ocado, cơ sở này có giá khoảng 45 triệu bảng Anh.
Cửa hàng Stratford của Zara ở London (Anh) Ảnh: Inditex
“Dịch vụ chữa cháy cần nghĩ trước về các thay đổi này và rủi ro sẽ phát triển ra sao. Có cuộc tranh luận lớn về tự động hóa cho thấy rằng những cơ sở dạng này sẽ tăng số lượng trong tương lai”, Matt Wrack, thư ký Liên đoàn cứu hỏa Anh, cho biết.
Nhà kho tự động không hề mới. Amazon.com sử dụng đến hơn 100.000 robot tại các trung tâm phân phối toàn cầu. Song Ocado đã nâng cao khái niệm này, tự xem mình là doanh nghiệp công nghệ hơn là hãng chuyên bán hàng tạp hóa. Họ có cơ sở hạ tầng, công nghệ và phần mềm riêng, trong đó có nhiều cánh tay robot với khả năng chọn mặt hàng tinh tế như trái cây, rau quả.
Ngoài Amazon, máy móc cũng len vào nhiều hãng bán lẻ vì người tiêu dùng ngày càng yêu cầu sự tiện lợi, giá rẻ và giao hàng nhanh. Đơn cử, hãng thời trang Hennes & Mauritz (H&M) của Thụy Sĩ tự động hóa trung tâm logistics ở Ba Lan năm ngoái nhằm tăng công suất, tốc độ giao hàng tại châu Âu. Hãng Inditex, chủ sở hữu thương hiệu thời trang Zara, thậm chí còn dùng robot để giao hàng cho khách tại cửa hàng ở London.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.