'Đau đầu' với rác ngập đường

13/01/2022 09:05 GMT+7

Vì tính chất công việc nên tôi thường xuyên phải di chuyển qua bến phà Phú Định ở quận 8, TP.HCM và chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động trên đường phố, nhất là tại khu vực bến phà này.

Dù TP.HCM không có quá nhiều bến phà nhưng vẫn là những nơi tương đối trọng yếu, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức, điển hình như tại khu vực phà Phú Định gần nhà tôi, vốn nằm ở ngã ba sông, có 3 bến nối từ phường 16, phường 7, quận 8 với hướng đi chợ Bình Điền.

Rác tràn ngập tại khu vực bến phà Phú Định, quận 8

Trịnh Hoàng Khôi

Buôn bán lấn chiếm lòng lề đường

Đoạn đường vào bến phà đã xuống cấp trầm trọng và hư hỏng suốt nhiều năm nay. Dọc hai bên đường, những người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở giao thông và xả rác bừa bãi khắp nơi, gây nên tình trạng nhếch nhác. Vào những ngày trời mưa, tuyến đường trên rơi vào cảnh ngập ngụa bùn đất, đầy rẫy ổ gà, khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn.

Đáng lưu tâm hơn là tình trạng rác thải được chất thành đống, tràn xuống cả lòng sông. Một số hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh và các hành khách qua lại khu vực bến phà bỏ lại rác khắp mọi nơi, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường trầm trọng. Đặc biệt, trong thời gian phòng chống dịch bệnh, nhiều hành khách đi phà đeo khẩu trang, sử dụng màng chắn để bảo vệ sức khỏe, cũng tiện tay vứt lung tung, tràn lan khắp bến phà.

Cá nhân tôi, khi tham gia lưu thông trên các bến phà, đã từng chứng kiến nhiều trường hợp các anh chị hành khách, sau khi ăn uống, đã tiện tay ném các chai nước, hộp đựng thức ăn xuống lòng sông, dù trên phà vẫn trang bị thùng rác công cộng. Khi được nhắc nhở, họ vẫn thản nhiên xem như việc bình thường, thậm chí còn phản ứng gay gắt ngược lại với tôi.

Đó là lý do mà dưới lòng sông, sau khi mỗi chuyến phà đi qua, các loại rác thải sinh hoạt như hộp nhựa, túi nilon, vỏ hộp sữa, vỏ dừa, thùng xốp… và cả khẩu trang, màng chắn nhựa đã qua sử dụng bị vứt tràn lan xen lẫn trong lớp lục bình ken đặc. Đại đa số các rác thải đều được làm từ nhựa, thuộc dạng khó phân hủy, không những gây tác động nghiêm trọng đến môi trường nước, làm nảy sinh nhiều vi khuẩn gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng cư dân sống gần khu vực đó. Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các loại rác thải y tế như khẩu trang, màng chắn nhựa… chưa qua xử lý, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, khiến nhiều hành khách, người dân và cả đội ngũ nhân viên môi trường tại bến phà không khỏi lo ngại.

Dòng sông ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu, nước sông lại đen ngòm

Dọn rác không xuể

Bác N, một nhân viên vệ sinh ở bến phà, cho biết: “Tình trạng mất vệ sinh tại các bến phà đã diễn ra từ nhiều năm nay. Bác và nhiều anh chị em đồng nghiệp dù cố gắng nhưng vẫn không dọn xuể các loại rác thải ở phà. Sợ nhất là việc phải dùng lưới thu gom các loại khẩu trang, màng chắn nhựa bị vứt trên sông, vì lỡ như có Covid-19 thì không biết thế nào”.

Cũng chung tâm trạng bức xúc vì môi trường, anh H, người dân ở cạnh bến phà, nói: “Mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu, nước sông lại đen ngòm, khiến gia đình tôi và nhiều người dân chung quanh đều cảm thấy ái ngại. Nhà tôi rất muốn dọn đi nơi khác nhưng không có điều kiện nên đành phải chấp nhận cảnh sống chung với môi trường ô nhiễm”.

Bên cạnh tình trạng ô nhiễm, cá nhân tôi cho rằng điều đáng lưu tâm hơn là vấn đề an toàn cho hành khách khi lưu thông tại các bến phà. Đặc biệt vào những mùa mưa, khi nước sông dâng cao, kèm theo mưa lớn, dòng chảy rất mạnh. Tại hầu hết các chuyến phà tại bến Phú Định, đại đa số hành khách đều chen chúc rất đông và không hề mặc áo phao. Được biết, phà Phú Định hoạt động 24/24 với lượng khách tập trung đông nhất vào các thời điểm sáng sớm và giờ tan tầm. Nhưng tâm lý người dân đa phần tìm chỉ muốn tìm cho mình một chỗ đứng trên phà, chứ chẳng ai quan tâm đến việc mặc áo phao, để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Theo cá nhân tôi quan sát thì những chiếc áo phao trên phà đa phần bị cột lại với nhau, treo giữa phà hoặc dọc các lan can. Và trong số đó, nhiều cái đã bị ố bẩn, hỏng khóa an toàn. Khi được hỏi vì sao không chịu trang bị áo phao cho bản thân khi tham gia lưu thông, nhiều hành khách đã lắc đầu: “Chỉ đi có vài phút trên phà thì trang bị áo phao để làm gì. Hơn nữa, những chiếc áo phao đó trông bẩn, mốc lên nên không muốn mặc”.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc tuyên truyền ý thức đến người dân và hành khách tại bến phà Phú Định về vấn đề giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn khi lưu thông tại các bến phà, thì chính quyền cũng nên có những hình thức xử lý nghiêm khắc với những trường hợp cố tình vi phạm. Bản thân mỗi người chúng ta trong quá trình lưu thông cũng nên ý thức hơn trong quá trình bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm tại các bến phà.

Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.

Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.

Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn

Xin chân thành cảm ơn quý độc giả.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.