Đâu chỉ là kỳ quan mưu sinh

07/08/2016 09:37 GMT+7

Chiều quê nhà, nhìn vườn chuối bên kia đường thấy là là những lá me rụng, da cây sần sùi những đường gân già.

Chợt nhớ đến bà Tư, một thời đã leo cây me này để hái trái bán. Lúc tôi nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng kinh ngạc đó là lúc bà cũng qua tuổi bảy mươi rồi. Nó tựa như một đoạn phim trong chuyên mục “Chuyện lạ bốn phương” trên ti vi. Bà là di dân gốc Quảng, vóc người cứng rắn cùng cái tính chịu thương chịu khó sẵn trong máu, tất cả chỉ để làm chủ ngọn me. Nhìn một bà già trèo me, không thể không gọi bà là “kỳ quan mưu sinh”.
Nhưng bao năm lớn lên, tôi nhận ra rằng “đàn bà trèo cây” không đơn thuần là một kỳ quan mưu sinh nữa mà thực ra là phương án lựa chọn cuối cùng trước đường ranh cái đói. Trong nhà hụt thiếu bàn tay đàn ông hoặc khi người đàn ông đau bệnh thì người đàn bà cũng biến tay mình thành tay đàn ông…
Xế chiều bên con kênh ở Long Thắng (Lai Vung, Đồng Tháp), vùng đất in dấu trong câu ca dao “Long Thắng là xứ quê mùa/Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na”. Nhớ xứ cà na cũng nổi tiếng với một người đàn bà trèo cây hái cà na. Trái cà na xanh xanh nho nhỏ, rụng lộp bộp xuống sông theo từng nhịp chân rung vừa chắc nịch vừa mỏi mệt. Bóng nước sông dài in rõ bóng cheo leo của chị. Và lòng nước cũng đã nhiều lần hứng chị khi tuột chân té ngã. Có đôi khi trong tột đỉnh cơn mệt, chị muốn lòng sông vùi cuốn chị đi miết. Những đêm bàn chân tím bầm, đau rêm người nhưng sáng ra thấy đứa con gái mặc áo dài trắng đi học là những cơn đau, vết bầm tự lặn hẳn vào trong… Ăn miếng cà na, lại thấy xót cho phận người phụ nữ trên cây.
Rồi những cây cóc ở Phong Điền, Cần Thơ cũng có dấu trèo của một người phụ nữ. Người chồng ốm, mắc bệnh run, đến nỗi cây cầu dừa bước cũng không vững chân. Chị chót vót, lẻ loi trên những cây cóc cao nghêu. Chiều mưa ẩm ướt, chị vẫn nhẫn nại, mái tóc bù rối, ẩm mốc mùi mồ hôi, dứt từng trái vào trong lồng rồi chuyền xuống cho chồng đang đợi hứng dưới gốc cây. Trong người ruột gan đau âm ỉ, có khi chóng mặt nơi chót vót, chị chỉ biết ôm nhánh cây cho qua cơn, vỗ về, trấn an bằng mùi cơm chiều cho chồng con…
Có lẽ khi khổ quá thì bàn tay phụ nữ cũng tự nhiên gân guốc thêm và bàn chân đàn bà cũng chai nứt cứng dày chẳng kém đàn ông. Và khi không còn một lựa chọn mưu sinh nào khác, thì đàn bà cũng phải trèo cây. Suy cho cùng, “kỳ quan mưu sinh” này cũng được thiên tạo và nhân tạo từ một kỳ quan khác, đó là kỳ quan trái tim người mẹ, người vợ, như Geogre Bernard Shaw (*) đã viết: “Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ”.
Thương, thật thương những người phụ nữ phải sống thêm một khúc đời của đàn ông…
(*) Nhà văn, nhà biên kịch người Anh (1856 - 1950)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.