Dấu ấn cuộc đời: Trên rẻo núi cao biên giới phía Bắc

19/02/2022 17:47 GMT+7

Cuối năm 1978, đầu năm 1979 tình hình biên giới Tây Nam và phía Bắc diễn biến nhanh chóng và phức tạp.

Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Quân tình nguyện Việt Nam đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã phối hợp cùng lực lượng cách mạng Campuchia giải phóng Phnôm Pênh giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc cũng nổ ra.

Trước tình hình trên, vài tuần sau đó, khóa học của chúng tôi (K15) được lệnh dừng huấn luyện, làm công tác chuẩn bị, sau đó lên đường tăng cường cho các đơn vị đang chiến đấu ở phía trước. Tiểu đội của tôi được phân công về Sư đoàn 326, thuộc Quân khu 2, đang chiến đấu trên tuyến biên giới tỉnh Lai Châu.

Đến nơi chúng tôi được quán triệt tình hình nhiệm vụ, và nhiệm vụ cụ thể của Sư đoàn. Sau đó, được điều động về trung đoàn bộ binh đang triển khai dọc tuyến biên giới của huyện Phong Thổ. Tôi được bố trí xuống ngay một tiểu đoàn bộ binh đứng chân trên núi cao trong vùng dân tộc Mông sát biên giới. Nhiệm vụ của tôi là phái viên của trên, trực tiếp nắm tình hình mọi mặt của đơn vị và làm “tư vấn” cho đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn.

Tác giả trong đợt nhận thăng quân hàm cấp Tướng năm 2004 (thứ 3, hàng đầu từ phải sang)

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Mặc dù đối phương vừa rút quân trước đó vài ngày, nhưng dấu vết của sự tàn phá, hủy hoại môi trường vẫn còn nguyên vẹn. Người dân trong vùng chiến sự lần lượt quay về với dáng người mệt mỏi, nhưng sắc mặt đầy vẻ căm thù. Trực tiếp chứng kiến tại hiện trường, mới có thể hình dung hết sự thâm hiểm của đối phương. Do vừa được điều động từ phía sau lên, nên các kế hoạch được đơn vị bạn bàn giao phải nghiên cứu lại từ đầu. Tôi nhớ, ngay trong công tác đảng, công tác chính trị phải tập trung làm rõ thủ đoạn tác chiến của đối phương trên vùng núi hiểm trở. Thường dùng lực lượng tăng, thiết giáp đột phá trên những tuyến đường độc đạo, kết hợp sự yểm trợ của pháo binh tạo điều kiện tối đa cho bộ binh tiến công.

Bài học từ thực tế

Trên những vách núi hiểm trở, đi lại khó khăn, đối phương cũng luôn tạo ra những bất ngờ bằng đội quân sơn cước. Không dự đoán và đánh giá kỹ, rất dễ bị đối phương đánh vào bên sườn và phía sau. Trên tinh thần đó, kế hoạch tác chiến của đơn vị được bổ sung và triển khai tích cực. Tôi đã cùng chỉ huy nghiên cứu lại những nội dung quan trọng nhất, nhất là hệ thống vật cản, công sự trận địa, chiến hào… tăng độ vững chắc các chốt, các điểm tựa, đặc biệt là trên những điểm giao thông quan trọng.

Trên những rẻo núi cao, những vách núi tai mèo, tổ chức khảo sát trận địa, nghiên cứu kỹ những tuyến đường mòn khó đi, để bổ sung phương án chiến đấu. Với yêu cầu lớn nhất, là phải đề phòng tối đa cái không thể mà đối phương có thể làm thành cái có thể, tạo bất ngờ dẫn đến những tổn thất không lường. Trên thực tế, có những địa hình phức tạp, ta nghĩ đối phương không thể vượt qua, nhưng họ đã vượt qua được. Đó là bài học đau đớn, mà người lãnh đạo các cấp không thể xem thường. Bài học này đến nay tôi nghĩ không phải ở cấp chỉ huy chiến thuật. Không phải chỉ phạm vi chỉ huy quân sự mà cả lãnh đạo chính trị mang tầm vóc chiến lược. Một vấn đề quan trọng nữa của công tác đảng, công tác chính trị là trên cơ sở làm rõ âm mưu thủ đoạn, sự thâm hiểm của đối phương để xây dựng tinh thần quyết chiến, quyết thắng, kiên cường bám trụ, giữ vững trận địa trong mọi tình huống chiến đấu.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà và Lưu Phước Lượng tại Đại hội Đảng bộ toàn quân năm 2005

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Gần hai tháng làm công tác chuẩn bị chiến đấu, ở vùng núi cao trên biên giới phía Bắc, đã trang bị thêm cho tôi những thực tiễn của công tác đảng, công tác chính trị trong chuẩn bị chiến đấu, trong các loại hình chiến thuật, những thủ đoạn cụ thể trong tác chiến, đặc biệt trên vùng đồi núi cao, hiểm trở với những phức tạp của vùng đồng bào dân tộc. Tình hình trên hướng Sư đoàn 326 dần dần đi vào ổn định, chúng tôi được lệnh rời khỏi Sư đoàn, để tiếp tục học tập.

Ngày chia tay đầy lưu luyến. Đồng chí trưởng bản nơi ban chỉ huy Tiểu đoàn đứng chân, đã làm bữa cơm chia tay tôi hết sức chân tình. Một con gà luộc và một đĩa tiết canh gà, lần đầu tiên tôi được ăn món tiết canh này. Nghĩ lại thấy còn “sợ”. Và chắc chắn không dám “thưởng thức” lần thứ hai. Nhưng đó là tình cảm, là món quà quý đãi khách của đồng bào dân tộc. (còn tiếp)

(Trích Dấu ấn cuộc đời, NXB Quân đội Nhân dân)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.