Dấu ấn bản địa trong phim Việt ra thế giới

Ngọc An
Ngọc An
13/12/2022 06:58 GMT+7

Bộ phim Đêm tối rực rỡ (đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto) vừa được gửi tham dự giải thưởng Quả cầu vàng (Golden Globe Awards) hạng mục Tác phẩm điện ảnh nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Trước đó, bộ phim Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) đã nhận giải thưởng Khinh khí cầu vàng tại Liên hoan phim Ba lục địa (Festival des 3 continents).

Điểm chung của 2 bộ phim này là đều đưa nhiều dấu ấn bản địa vào bối cảnh diễn ra chuyện phim. Bộ phim Đêm tối rực rỡ lấy bối cảnh là một đám tang kiểu miền Nam VN. Trong tang lễ, những vị khách đến tiễn đưa người đã khuất được “thưởng thức” những màn biểu diễn giải trí. Đám tang càng xôm thì càng cho thấy người đã khuất được đưa tiễn long trọng và gia chủ có nhiều điều kiện. Một cách tổ chức tang lễ theo đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto là “rực rỡ” và “độc đáo nhất thế giới” mà anh muốn đưa vào phim của mình. Theo chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, câu chuyện phim Đêm tối rực rỡ có bối cảnh đặc trưng kiểu Việt thể hiện ở việc “gia đình nhiều thế hệ sống cùng nhau hoặc luôn ràng buộc mật thiết với nhau”. Trong khi đó, bộ phim Tro tàn rực rỡ tái hiện đời sống sông nước miền Tây độc đáo. Nhà làm phim đã chăm chút, kỳ công đưa vào nhiều hình ảnh, chi tiết mang dấu ấn bản địa như hình ảnh những đứa trẻ con nhảy cầu khỉ tắm sông, nghề đáy hàng khơi, những chiếc ghe là phương tiện di chuyển hằng ngày, hay đến món ăn dân giã như cá kho tộ...

Hình ảnh trong phim Đêm tối rực rỡ

TL

Theo TS Trần Quang Minh (Trưởng khoa Nghệ thuật điện ảnh, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội), trong bộ phim Mùa len trâu từng đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim (LHP) Locarno (Thụy Sĩ), đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã xây dựng hình ảnh miền đất đồng bằng sông Cửu Long đạt đến giá trị biểu tượng trời - đất - người (thiên - địa - nhân) trong từng khuôn hình mang nhiều tính mỹ học. Còn theo Th.S Lê Minh Đức (giảng viên Khoa Nghệ thuật điện ảnh, Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội), bộ phim Miền ký ức của đạo diễn Bùi Kim Quy khi được công chiếu tại nước ngoài (LHP quốc tế Busan - Hàn Quốc 2021, LHP Lorcano - Thụy Sĩ 2021, LHP Berlin - Đức 2022) đã giới thiệu cho bạn bè quốc tế câu chuyện mang đậm những yếu tố về đời sống tâm linh cũng như về phong tục, văn hóa mai táng của VN.

Ngôi nhà nơi đạo diễn Ngô Quang Hải lấy làm bối cảnh chính của bộ phim Chuyện của Pao giờ đây, sau 17 năm, vẫn đang là một điểm dừng chân không thể bỏ qua trên cung đường khám phá vùng núi đá Hà Giang.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy

Cùng với những bộ phim mang tính nghệ thuật đi “chinh chiến” hay được công chiếu tại những LHP quốc tế, không ít phim giải trí VN phát hành tại nước ngoài cũng đưa vào nhiều yếu tố văn hóa bản địa, trong đó có thể kể đến bộ phim Lật mặt 5: 48h (do Lý Hải viết kịch bản và đạo diễn) vừa phát hành vào năm ngoái. Người xem có thể thấy hình ảnh cuộc sống gần gũi của người Việt trên phim, từ những con hẻm nhỏ, những khu chợ nhộn nhạo người, những ngôi nhà bè trên sông, cho đến những lời ca, điệu nhạc.

Hình ảnh trong phim Tro tàn rực rỡ

TL

Ra “biển” để nhìn lại

TS Trần Quang Minh cho rằng nhiều phim đã mang góc nhìn về một VN mới được giới thiệu với công chúng thế giới như đạo diễn Trần Anh Hùng với phim Mùi đu đủ xanh (1993) và Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) là ví dụ điển hình. “Những bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng đã đưa hình ảnh VN ra thế giới với cái nhìn của ký ức và sự quan sát hết sức tinh tế. Với cách thể hiện kiệm lời nhưng giàu hình ảnh, đã diễn đạt văn hóa VN một cách độc đáo gây được ấn tượng với công chúng thế giới”, ông nhìn nhận và bày tỏ: “VN bước vào đổi mới đã có những biến đổi quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Văn học nghệ thuật, trong đó có điện ảnh đã phát triển trong điều kiện mới, trước những nhu cầu mới. Vì vậy, quảng bá văn hóa qua các tác phẩm điện ảnh là nhu cầu cần thiết”.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy, tác giả truyện ngắn Tiếng đàn môi, được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành phim Chuyện của Pao - một bộ phim về văn hóa Mông, mà cụ thể là nhánh Mông hoa ở cao nguyên đá Hà Giang, nhìn nhận: “Phim có những hình ảnh đẹp hiếm có của thiên nhiên, bởi sự khác biệt trong phong tục tập quán, canh tác, kiến trúc nhà ở... của người Mông vùng cao. Sự khác biệt, theo tôi là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng khiến cho tác phẩm nghệ thuật nói chung trở nên hấp dẫn”. Chị nhận thấy sau bộ phim, vùng đất này đã được nhiều người biết đến hơn. “Vùng văn hóa Mông dày dặn, kỳ vĩ, hấp dẫn đến mức xúc động ấy, đã lay động biết bao trái tim con người. Ngôi nhà nơi đạo diễn Ngô Quang Hải lấy làm bối cảnh chính của bộ phim Chuyện của Pao giờ đây, sau 17 năm, vẫn đang là một điểm dừng chân không thể bỏ qua trên cung đường khám phá vùng núi đá Hà Giang. Người Mông đã được biết đến nhiều hơn, vùng Mông đã trở thành một điểm đến mà những người yêu thiên nhiên, yêu văn hóa dân tộc thiểu số khao khát đặt chân. Có thể nói là bộ phim đã góp phần rất lớn vào việc thay đổi diện mạo một vùng đất theo hướng tốt đẹp hơn”, chị chia sẻ.

Ngoài ra, theo nhà văn Đỗ Bích Thúy, một người con sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, việc bộ phim gây chú ý còn có tác động ngược lại với người dân bản địa trong việc nhìn nhận giá trị văn hóa của mình. “Lòng tự hào về văn hóa truyền thống là điều mà người Mông của chúng tôi xưa nay không hề để ý. Họ chỉ sống cuộc đời im lìm trên vách đá, mà không biết rằng những thứ họ có, cái gọi là văn hóa truyền thống tộc người được tổ tiên hun đúc qua vài thế kỷ, lại là một giá trị không thể tính đếm được như vậy. Khi họ ý thức được điều đó, khi họ biết tự hào, và khi họ biết rằng những thứ tưởng như vô hình ấy, có thể giúp họ thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn, họ sẽ cùng nhau gìn giữ. Bảo vệ, gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống từ chính những người bản địa. Đó mới là đích đến cuối cùng của mọi nỗ lực”, nhà văn Đỗ Bích Thúy nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.