Đất vàng 'treo' hàng chục năm

17/03/2023 04:26 GMT+7

Việc TP.HCM thu hồi dự án Mả Lạng (Q.1) sau 23 năm được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng không thực hiện khiến hàng loạt dự án treo hàng thập kỷ bị 'điểm mặt'.


Những dự án treo 31 năm

Đầu tiên phải kể đến là dự án Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) được phê duyệt thành khu đô thị văn hóa thể thao nghỉ dưỡng vào năm 1992. Thế nhưng 31 năm trôi qua, dự án rộng hơn 570 ha khiến trên 3.000 hộ dân phải sống "treo" vẫn án binh bất động.

Bà Phạm Thị Nga, nhà ở đường Bình Quới, bức xúc cho biết từ năm 2000 đến nay, gia đình bà liên tục nâng nền vì ngập. Lần nào lên UBND phường họp, bà cùng các cư dân ở đây cũng "khóc", xin nhà nước làm đường, lắp cống thoát nước bởi năm nào cũng ngập nặng, nơi đây như cái túi nước. Sau nhiều lần như thế, nhà nước đã tài trợ làm con đường 1 tỉ đồng với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhưng nỗi khổ không vì thế mà vơi bớt. Nhiều hộ dân khác cho biết việc dự án "treo" hàng chục năm khiến mọi quyền lợi về nhà, đất của họ bị hạn chế. Họ không được chuyển đất nông nghiệp thành đất ở, không được xây nhà mới, không được chuyển nhượng, không được cấp sổ hồng.

Đất vàng 'treo' hàng chục năm - Ảnh 1.

Những dự án “treo” kéo dài tại TP.HCM như dự án Bình Quới - Thanh Đa khiến người dân bức xúc

NGỌC DƯƠNG

Từ bán đảo Bình Quới nhìn về phía bên kia là khu vực Thảo Điền (TP.Thủ Đức), bà Nguyễn Thị Lan (ở tổ 8, khu phố 1) ngậm ngùi nói: "Cùng là dân TP, chỉ cách nhau một con sông Sài Gòn nhưng hai số phận khác nhau. Bên kia Thảo Điền nhà cửa lộng lẫy, nguy nga, người dân sống sung túc, còn bên này thua cả dân ở dưới vùng U Minh, Cà Mau".

Nếu phía đông có Bình Quới - Thanh Đa treo 31 năm thì ở phía nam TP cũng có dự án tương tự. Năm 1992, UBND TP.HCM công bố quy hoạch khu đô thị Nam TP do Công ty Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư. Thế là đất đai, nhà cửa của hàng ngàn hộ dân ở Q.8, H.Bình Chánh bị "treo" từ đó đến nay. Ông Võ Văn On (ngụ tại C3/17, ấp 4, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) cho biết gia đình ông có miếng đất diện tích 8.000 m2 gồm đất ở nông thôn, đất nông nghiệp do ông bà để lại từ năm 1954 đến nay. Tuy nhiên, đã 31 năm qua, nơi đây vẫn là dự án "treo", gia đình ông chưa nhận được thông báo thỏa thuận đền bù. Chỉ dựa vào nghề làm nông nhưng hiện nay xung quanh khu đất bị đô thị hóa nên không thể làm vườn, làm lúa được, các con của ông đã chuyển nghề, đứa bán quán phở, kẻ bán sạp rau ngoài chợ, còn hai vợ chồng ông trên 80 tuổi "ngồi nhà bó gối xin tiền các con", ông nói giọng cám cảnh.

Việc một khu đất rộng lớn nằm ngay trung tâm TP, với hàng ngàn hộ dân, bị "treo" kéo dài mấy chục năm đã gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực của xã hội và làm khổ người dân.


Ông Thanh, sống trong hẻm 155 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM

Đồng cảnh ngộ, gia đình ông Đinh Công Lý cũng có mảnh đất 8.733 m2 do ông bà để lại trước năm 1975, chủ yếu trồng lúa và trồng cây lâu năm. Năm 1992, nhà nước thông báo quy hoạch đất thành làng đại học, nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi và đền bù cho gia đình ông. "Chúng tôi đi không được, ở cũng không xong trong khi đất đai bỏ hoang, không được xây dựng cũng không sang nhượng được. Tôi và người dân nơi đây tha thiết yêu cầu chính quyền TP nếu triển khai xây dựng dự án thì sớm bồi thường, tái định cư cho dân. Còn nếu không làm thì "xóa" quy hoạch, đừng "nhốt" họ mãi trong cái đồ án quy hoạch mỹ miều như vậy", ông Lý than vãn.

Những dự án treo hàng thập kỷ ở TP lớn nhất cả nước, nơi mà người ta thường ví "tấc đất, tấc vàng" rất nhiều. Hàng vạn người dân ở khu đô thị Tây Bắc rộng hơn 6.000 ha được công bố vào năm 2000 và "treo" từ đó đến nay cũng ngày đêm trông ngóng. Theo quy hoạch được duyệt, nơi đây sẽ thành một trong những khu đô thị vệ tinh với nhiều khu thương mại, tài chính, dịch vụ, y tế, giáo dục, khu đô thị... Dự án được kỳ vọng giúp người dân 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi đổi đời. Thế nhưng đổi đời đâu chưa thấy, chỉ thấy sau 23 năm, khu đô thị này vẫn nằm trên giấy đã khiến hơn 56.000 hộ dân ở đây nghèo đi khi đất đai bỏ hoang, không tăng giá. Hay dự án khu đô thị Sing Việt (H.Bình Chánh) có diện tích hơn 331 ha dù đã có chủ trương quy hoạch từ năm 1997 nhưng đến nay vẫn chưa xong khâu bồi thường, tái định cư. Việc dự án "treo" kéo dài đã phát sinh nhiều khiếu kiện từ phía người dân và cũng làm chính quyền TP đau đầu xử lý.

Đất vàng 'treo' hàng chục năm - Ảnh 3.

Người dân sống khốn khổ trong các hẻm nhỏ hẹp, lụp xụp ở dự án “treo” kéo dài Mả Lạng suốt hơn 3 thập kỉ

NGỌC DƯƠNG

Nguồn lực bỏ hoang giữa trung tâm

Những ngày qua, hơn 1.400 hộ dân tại khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (còn gọi là khu Mả Lạng, Q.1) vui mừng trước thông tin TP sẽ thu hồi chủ trương chỉnh trang khu Mả Lạng và chuyển phương thức đầu tư mới, đảm bảo tối đa quyền lợi người dân. Vui mừng bởi dự án này đã "treo" 23 năm, nhưng đến nay người dân vẫn chưa được đền bù, chưa được tái định cư đến nơi ở mới như lời chủ đầu tư cam kết. Thế nên dù sống ngay trung tâm TP lớn nhất nước, nhưng 23 năm qua cuộc sống của họ là chuỗi ngày khó khăn vì hạ tầng, nhà cửa xuống cấp nhưng không được xây dựng mới, chỉnh trang.

Tiếp tục rà soát các dự án để có phương án xử lý

UBND TP.HCM đang tập trung chỉ đạo Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc cùng UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức, các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát các dự án để có phương án xử lý (tháo gỡ hoặc thu hồi) theo đúng quy định của luật Đầu tư, luật Đất đai…

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường

Dự án sau 3 năm không thực hiện, người dân được thực hiện quyền sử dụng đất của mình

Các dự án quy hoạch sau 3 năm không thực hiện thì người dân được phép thực hiện quyền sử dụng đất của mình. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đáp ứng nhu cầu chính đáng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; tránh tình trạng để đất bỏ hoang, không được đưa vào sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt theo quy hoạch.

Hội Nông dân TP.HCM (Góp ý dự thảo luật Đất đai sửa đổi)

Dự án không khả thi, ngay lập tức thu hồi

Luật đã quy định cụ thể và cho phép các cơ quan có thẩm quyền rà soát và điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch đã công bố. Trường hợp đã giao cho các chủ đầu tư mà vì nhiều lý do dự án chậm triển khai kéo dài và không có tính khả thi, thì các cơ quan nhà nước cần ngay lập tức rà soát, chấm dứt dự án cũng như điều chỉnh xóa bỏ quy hoạch "treo" để trả lại quyền sử dụng đất hợp pháp cho người dân. Không thể để người dân "chết" trên chính mảnh đất của mình được.

Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TP.HCM

Sáng 16.3, chúng tôi trở lại khu Mả Lạng (được bao quanh bởi các tuyến đường Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Nguyễn Trãi và Trần Đình Xu), những con đường lớn với mặt tiền buôn bán sầm uất. Tuy nhiên, đi sâu vào bên trong mới thấy hết nỗi khổ của người dân. Có nhiều con hẻm chỉ đủ cho một chiếc xe máy lách qua. Nhiều căn nhà chỉ rộng hơn chục mét vuông nhưng có đến 2, thậm chí 3 thế hệ cùng sinh sống. Ông Thanh, sống trong hẻm 155 Cống Quỳnh, thông tin hầu hết người dân đã nhận thông báo thu hồi đất từ chính quyền nhưng chưa nhận tiền đền bù. Ông và nhiều người phấn khởi khi nghe TP thu hồi chủ trương đầu tư. Ông hy vọng TP sẽ chọn được chủ đầu tư mới có năng lực hơn để sớm đền bù, tái định cư cho người dân để họ bớt khổ. "Thực sự tôi cũng vẫn lo vì dự án tiếp tục sẽ "treo" để chờ chủ đầu tư mới. Việc một khu đất rộng lớn nằm ngay trung tâm TP, với hàng ngàn hộ dân, bị "treo" kéo dài mấy chục năm đã gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực của xã hội và làm khổ người dân", ông Thanh chép miệng.

Đất vàng 'treo' hàng chục năm - Ảnh 5.

Những dự án “treo” kéo dài hàng thập kỷ như dự án Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khiến người dân bức xúc

NGỌC DƯƠNG

Ngay góc đường Nguyễn Huệ và Tôn Thất Thiệp (Q.1) là khu đất rộng gần 3.000 m2 được biết là của Ngân hàng BIDV. Theo kế hoạch, khu đất sẽ được dùng để xây cao ốc văn phòng và trung tâm tài chính của nhà băng này. Thế nhưng dù đã được giao đất từ năm 2009 nhưng đến nay nơi đây vẫn chỉ là bãi giữ xe hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Đáng nói, dù Ngân hàng BIDV chưa đưa đất vào sử dụng, chưa triển khai thực hiện dự án, nhưng TP.HCM cũng chưa có biện pháp xử lý, thu hồi theo quy định, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2021 kiến nghị TP.HCM chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý theo quy định.

Cách đó không xa là khu đất ở số 7 Lê Thị Hồng Gấm (Q.1) được Ngân hàng Eximbank mua lại từ năm 2009 và dự kiến xây dựng trụ sở. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa được xây dựng và cũng được dùng làm bãi giữ xe. Khu đất "vàng" số 2-4-6 Hai Bà Trưng nằm giữa bốn tuyến đường Hai Bà Trưng - Đông Du - Thi Sách - Công trường Mê Linh cũng bỏ hoang nhiều năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.