“Đất sét văn hóa” và ấn Đền Trần

24/12/2012 03:35 GMT+7

Nhìn nhận thế nào về “hiện tượng đền Trần” - một truyền thống được làm mới hay là sự xuyên tạc lịch sử? Một sinh viên du học và vị giáo sư đầu ngành văn hóa đã có cuộc tranh luận thú vị trên tinh thần khoa học.

Đất sét văn hóa và truyền thống qua sáng tạo và Chuyện lễ khai ấn đền Trần của Nguyễn Hoàng Nhị Hà là tham luận duy nhất của một sinh viên được chọn trình bày tại Hội thảo Việt Nam học vừa qua tại Hà Nội. Cô hiện đang theo học tại Đại học Trent, Canada.

 Ngồi trong “chuồng cọp” bán ấn đền Trần để đối phó với đám đông bị kích động
Ngồi trong “chuồng cọp” bán ấn đền Trần để đối phó với đám đông bị kích động - Ảnh: Tiến Dũng

Tham luận được chú ý bởi đối tượng nghiên cứu là lễ khai ấn đền Trần - hiện tượng được báo chí “đến hẹn lại lên” mổ xẻ vì sự lộn xộn, hư thực của nó. Bản thân Nhị Hà cũng nhận thức rõ về sự lộn xộn này: “Lâu nay lễ Đức Thánh Trần phần lớn vẫn là lễ hội mang tính địa phương. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm 2010-2011, báo chí đưa tin như một lễ hội mang tầm quốc gia, có sự xuất hiện một số công chức nhà nước cấp cao. Lễ hội thu hút đến 20 vạn người tham dự trong vòng 3 ngày. Nhưng không gian di tích không lớn cộng với cơ sở hạ tầng yếu kém đã gây ra những hậu quả khó lường”, cô nói.

Tuy nhiên, nếu nhiều nhà khoa học đã lên tiếng về việc lễ khai ấn chẳng qua chỉ là xuyên tạc lịch sử, hay sự mê tín bị thổi phồng, thì theo ý kiến của Nhị Hà, đây là một truyền thống được hình thành qua sáng tạo. Cô cũng cho rằng nếu truyền thống được sáng tạo dựa trên không gian ký ức thì không có nghĩa là nó không thực.

“Lâu nay khi nhắc đến truyền thống người ta nghĩ ngay đến một cái gì đó lưu truyền từ ngàn xưa, vô giá, bất biến, thậm chí có phần cứng nhắc”, Nhị Hà nói. “Nhưng đồng thời cũng cần nhận thức rằng, truyền thống là sản phẩm của tương tác xã hội - con người - văn hóa. Vì vậy nó cũng mang trong mình tính chất linh hoạt của văn hóa nói chung. Nói theo nghĩa bóng, truyền thống như một thứ đất sét văn hóa mà xã hội chung tay nhào nặn để thích ứng với nhu cầu cá nhân và cộng đồng”.

Thêm nữa, cũng theo nữ sinh viên này, về mặt tinh thần người ta có thể thấy ý nghĩa đền Trần và lễ khai ấn qua kết quả khảo sát thăm dò dư luận của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Có tới hơn 33% người trả lời cho rằng ấn đền Trần mang an lành, hạnh phúc cho người giữ lá ấn. Chỉ có rất ít, khoảng 7%, cho rằng ấn đền Trần có tác dụng là thăng quan tiến chức. “Như vậy có thể thấy lễ khai ấn là minh chứng cho việc tín ngưỡng vừa là trạng thái tâm lý, vừa là sản phẩm những trải nghiệm chung của cộng đồng”, Nhị Hà nói.

Lỗi văn hóa

Coi việc phát ấn đền Trần như một hiện tượng “đất sét văn hóa” - văn hóa được nhào nặn để thích hợp cộng đồng, Nhị Hà đã bỏ một phiếu ủng hộ cho hiện tượng này. Về điều này, GS Ngô Đức Thịnh lại có ý kiến khác.

Ở khía cạnh văn hóa luôn thay đổi dưới tác động của cộng đồng, để thích hợp cộng đồng, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng điều này Nhị Hà có lý. Chẳng hạn, những cô gái Đồng Lộc hay cô Sáu ở Côn Đảo đều đã được thờ như một biểu tượng tâm linh. Tuy nhiên, cả những cô gái thanh niên xung phong lẫn cô Sáu ở Côn Đảo đều là những việc có thật, không thể bịa ra được. Trong khi đó, phân tích của nhiều nhà khoa học lại cho thấy, không hề có việc vua ban ấn đền Trần cũng là phong chức tước như nhiều lời giải thích về tục lệ này. Tuy nhiên, việc tục lệ bị “xuyên tạc” này lại không được nói đến trong báo cáo khoa học của Nhị Hà.

Theo GS Thịnh, bản thân việc giải thích không đúng này lại gặp đúng lúc trong xã hội có nhiều người muốn bon chen vào con đường quan chức nên đã có chỗ bám ngay. Thêm vào đó, việc tổ chức lại chưa được chu đáo nên việc lộn xộn mới có thể diễn ra. “Khi đưa nội dung thăng quan tiến chức vào lễ khai ấn thì việc đi xin ấn thành một phong trào. Nếu phê phán thì phê phán ở khía cạnh đó”.

“Tựu trung, vấn đề của lễ khai ấn đền Trần là nhà nước hóa và đưa cho nó một nội dung mới hoàn toàn sai với gốc văn hóa”, GS Thịnh nói.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.