Đắt hơn thế giới gần 20 triệu đồng, có nên mua vàng ngày Thần tài lấy may?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
16/02/2024 15:10 GMT+7

Tăng giá nhanh hơn thế giới, vàng miếng SJC đang cao hơn quốc tế lên 19,4 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn lên 6,6 triệu đồng/lượng. Độ rủi ro giá vàng tăng cao khi gần đến ngày vía Thần tài.

Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới lên 19,4 triệu đồng/lượng

Chiều 16.2, giá vàng miếng SJC giảm nhẹ 200.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 76,6 triệu đồng, bán ra 78,8 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào 76,55 triệu đồng, bán ra 78,75 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 77 triệu đồng, bán ra 78,75 triệu đồng… Dù vậy, so với sáng 16.2, vàng miếng SJC ghi nhận mức tăng 1,1 - 1,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn 4 số 9 tăng lên mức kỷ lục. Công ty SJC mua vào lên 63,5 triệu đồng, bán ra 64,6 - 64,7 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 64,93 triệu đồng, bán ra 66,03 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào với giá 64,5 triệu đồng, bán ra 65,55 triệu đồng… Vàng nhẫn 4 số 9 tăng từ 150.000 - 300.000 đồng mỗi lượng.

Đắt hơn thế giới gần 20 triệu đồng, có nên mua vàng ngày Thần tài lấy may?- Ảnh 1.

Người dân mua vàng đầu năm

T.XUÂN

Tốc độ tăng giá của vàng trong nước nhanh hơn giá thế giới. Kim loại quý trên thị trường quốc tế tăng khoảng 10 USD/ounce (tương ứng 290.000 đồng/lượng), lên 2.003 USD/ounce. Điều này dẫn đến giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới lên 19,4 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn 4 số 9 cao hơn từ 5,3 - 6,6 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay của vàng trong nước.

Biến động vàng ngày 16.2: Giá vàng bật tăng trước ngày Thần Tài

Ông Nguyễn Ngọc Trọng - Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới cảnh báo người mua vàng miếng thời điểm này cần thận trọng. Kinh nghiệm những năm trước ngày vía Thần tài (mùng 10 Tết Nguyên đán), giá vàng miếng SJC thường được đẩy lên cao do nhu cầu tăng. 

Nhìn lại lịch sử các năm gần đây cho thấy giá vàng giảm khá mạnh trước, trong và sau ngày vía Thần tài. Cụ thể, trước ngày vía Thần tài năm 2023, lực bán vàng mạnh lên khiến giá giảm ngay 1 triệu đồng/lượng. Còn sau ngày vía Thần tài năm 2022, vàng miếng SJC bốc hơi ngay 1 triệu đồng/lượng. 

Rủi ro chênh lệch giá

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15.2 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012 ngày 03.4.2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I năm 2024.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng nhận định, ngoài mức chênh lệch giá trong nước quá cao hiện nay, người mua vàng  sẽ còn đối diện với một rủi ro lớn khác đó là khả năng can thiệp của nhà nước. Trước tết, vàng miếng SJC cao hơn thế giới từ 18 - 19 triệu đồng/lượng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành có biện pháp bình ổn giá vàng, quản lý điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa vàng miếng và thế giới ở mức cao như thời gian qua. 

Nay, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại yêu cầu quản lý thị trường vàng và trong trường hợp cơ quan điều hành thực hiện giải pháp can thiệp thị trường thì khả năng vàng giảm từ 3 - 5 triệu đồng mỗi lượng. Chính vì vậy, việc mua vàng thời điểm giá cao này hết sức rủi ro. Đó là chưa kể, chênh lệch giữa giá mua và bán vàng hiện nay đang ở mức khá cao. Vàng miếng SJC có giá bán ra cao hơn mua vào từ 1,7 - 2,3 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn 1,1 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa người mua vàng thời điểm này lỗ ngay từ 1,1 - 2,3 triệu đồng/lượng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.