'Đặt hàng' tân Bộ trưởng GD-ĐT

09/04/2016 05:06 GMT+7

Hôm nay 9.4, Quốc hội sẽ phê chuẩn một loạt bộ trưởng mới, trong đó có 'tư lệnh' ngành GD-ĐT. Thanh Niên ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà giáo về những mong mỏi, kỳ vọng của họ về những quyết sách thay đổi.

Hôm nay 9.4, Quốc hội sẽ phê chuẩn một loạt bộ trưởng mới, trong đó có 'tư lệnh' ngành GD-ĐT. Thanh Niên ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà giáo về những mong mỏi, kỳ vọng của họ về những quyết sách thay đổi.

Người dân mong mỏi có một nền giáo dục phát triển - Ảnh: Đào Ngọc ThạchNgười dân mong mỏi có một nền giáo dục phát triển - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Mong thay đổi không dừng lại giữa chừng
Chúng tôi đang được thụ hưởng những đổi mới của giáo dục và sự thay đổi ấy có thể nhận thấy hằng ngày từ chính học sinh của mình. Ví dụ, mô hình trường học mới buộc mỗi giáo viên phải thay đổi cơ bản cách dạy học của mình, giao quyền chủ động lĩnh hội kiến thức cho học sinh. Vì vậy, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn. Tôi mong đổi mới này tiếp tục được thực hiện tốt hơn chứ không dừng lại giữa chừng. Điều mong muốn lớn nhất với một nhà giáo ở trường học của một địa phương khó khăn nhất cả nước vẫn là học sinh ăn đủ no, đủ sách vở để học tập; trường không chỉ là một lớp học có bàn và ghế mà có nhiều đồ dùng học tập giúp học sinh thích học và dễ hiểu bài hơn.
Nguyễn Thị Kim Hà
Phó hiệu trưởng Trường tiểu học xã Tỏa Tình, H.Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên
Không phải lo “chạy” trường, “chạy” lớp
Tôi mong tân bộ trưởng sẽ sớm công bố một chương trình hành động rất cụ thể với những nội dung được ưu tiên lựa chọn, giải pháp quyết liệt và mang tính khả thi cao đối với lĩnh vực GD-ĐT trong nhiệm kỳ của mình. Tôi kỳ vọng tân bộ trưởng sẽ thực hiện một cách đầy đủ, hiệu quả những gì mà Nghị quyết 29 của T.Ư đặt ra về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Qua quá trình giám sát và tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy mong mỏi chính đáng hiện nay là nền giáo dục nước ta sẽ phát triển lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân, người dân không phải lo “chạy” trường, “chạy” lớp, không phải áp lực nặng nề bởi nạn học thêm tràn lan, cơ chế thu chi học phí rõ ràng, minh bạch…
Ngành GD-ĐT thời gian qua đã khởi động 2 vấn đề lớn là chương trình, sách giáo khoa và kỳ thi THPT quốc gia. Những đổi mới ấy vừa là cơ hội vừa là đòi hỏi đối với vị tân bộ trưởng: đổi mới thi cử phải gắn với đổi mới về dạy và học, về nội dung chương trình, sách giáo khoa.
GS Đào Trọng Thi
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Đảm bảo môi trường thuận lợi cho hoạt động giáo dục
Tôi hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ vừa làm tròn nhiệm vụ trong cuộc cải cách giáo dục “từ trên xuống”, vừa đảm bảo cho được môi trường thuận lợi cho giáo viên, học sinh tiến hành cải cách giáo dục “từ dưới lên” thông qua các thực tiễn giáo dục của từng trường, từng giáo viên và sự hợp tác đa dạng của nhiều tổ chức ngoài nhà trường.
Bản chất thật sự của hành chính giáo dục là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi hoạt động giáo dục diễn ra suôn sẻ, phù hợp với mục tiêu giáo dục và đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Cả “cải cách giáo dục từ trên xuống” và “cải cách giáo dục từ dưới lên” sẽ thất bại nếu như giáo viên vẫn cảm thấy lo sợ trước quyền lực của các cơ quan hành chính giáo dục. Trong giáo dục, thiếu áp lực hợp lý sẽ khó tạo ra sự cố gắng và trưởng thành nhưng đó phải là áp lực chinh phục chân lý hay khám phá những điều mới mẻ, hữu ích chứ không phải là áp lực hành chính nhắm vào những con số hay các “quy trình”. Hành chính giáo dục phân quyền và đảm bảo sự tự chủ cao của các trường học, giáo viên là một công việc khẩn thiết.
Nguyễn Quốc Vương
Nghiên cứu sinh, ĐH Kanazawa, Nhật Bản
Rút ngắn khoảng cách giữa ĐH VN và thế giới
Tân bộ trưởng cần có kế hoạch và bắt tay rút ngắn khoảng cách về tri thức giữa giáo dục ĐH VN và thế giới. Sinh viên của VN hiện nay đang phải học những kiến thức rất cũ. Nhiều kiến thức là của những năm 1960 - 1970 của nhiều nội dung và tiêu chuẩn mà sinh viên đang học đã bị thế giới loại bỏ từ lâu rồi.
Việc rút ngắn khoảng cách này thoạt nghe thì có vẻ rất khó, nhưng hoàn toàn khả thi trên thực tế nếu Bộ chủ trì thực hiện. Chẳng hạn tổ chức biên dịch các giáo trình đang sử dụng tại các ĐH lớn trên thế giới ra tiếng Việt. Bộ cũng nên cho phép giảng viên được sử dụng giáo trình tiếng Anh giảng dạy môn mình phụ trách. Cho phép giảng viên được sử dụng các khóa học trực tuyến mở của các ĐH lớn trên thế giới làm học liệu cho môn học của mình.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương
Người sáng lập cổng giáo dục trực tuyến Giapschool
Quốc tế hóa giáo dục ĐH
Tôi mong tân bộ trưởng có quan điểm đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục ĐH. Hiện nay vấn đề này chưa được thể hiện bất kỳ nghị quyết nào, trong khi trong bối cảnh toàn cầu hóa thì ĐH không đứng một mình. Giáo dục ĐH có vai trò đào tạo nhân lực cạnh tranh được trong môi trường lao động quốc tế, vì thế đầu ra cũng như chất lượng đào tạo phải đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt, chất lượng giáo dục ĐH của mình đang ở mức thấp so với thế giới thì hội nhập là con đường nhanh nhất nâng cao chất lượng. Ngoài xu hướng nhập khẩu giáo dục (đi học nước ngoài), cần tạo con đường ngược lại là xuất khẩu giáo dục - tức là lôi kéo sinh viên nước ngoài vào mình học.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng
Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT
Giáo dục 6 năm qua
Phụ trách điều hành Bộ GD-ĐT vào tháng 4.2010, cho đến khi hết nhiệm kỳ vào tháng 4.2016, trong 6 năm Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có không ít những quyết sách lớn, có những nội dung đã đi vào cuộc sống nhưng cũng còn những vấn đề mới chỉ là dự thảo.
“Trận đánh lớn”
Năm 2011, Quốc hội ra nghị quyết yêu cầu xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Được Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ trưởng đã chủ trì soạn thảo để Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị lần thứ 8 BCH T.Ư khóa XI ban hành Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Tháng 9.2013, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tạo được công bố. Ông Phạm Vũ Luận chia sẻ: "Tôi hình dung công cuộc đổi mới lần này như một đoàn tàu khổng lồ đang chạy với hành khách là hơn 22 triệu thầy cô và học sinh, sinh viên. Không thể dừng lại để triển khai việc thay đổi mà phải vừa chạy vừa điều chỉnh, tự đổi mới... Tôi coi thực hiện để án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn".
Đổi mới chương trình, SGK
Một trong những công việc nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới chương trình, SGK. Tháng 4.2015, đề án mới được Thủ tướng phê duyệt với thay đổi theo hướng có một chương trình nhưng cho phép nhiều bộ SGK. Tháng 8.2015, dự thảo chương trình phổ thông tổng thể được công bố lấy ý kiến toàn dân. Theo đó, chương trình sẽ tích hợp mạnh ở lớp học dưới, phân hóa dần ở lớp học trên; xuất hiện một số môn tích hợp từ các môn học truyền thống. Một lần nữa, ngành GD-ĐT lại “điêu đứng” trước bão dư luận, chủ yếu là các nhà sử học, khi tích hợp môn lịch sử với môn địa lý thành môn khoa học xã hội, sử với giáo dục công dân thành môn công dân với Tổ quốc. Vì vậy cho đến thời điểm này, khi hết nhiệm kỳ của Bộ trưởng Luận, chương trình phổ thông tổng thể sau 6 tháng vẫn tiếp tục là... dự thảo. Trong khi đó, thời hạn là năm 2018 đã bắt đầu thực hiện đại trà chương trình, SGK mới.
Coi thi cử là “khâu đột phá”
Năm 2015, Bộ trưởng Luận quyết định chấm dứt kỳ thi “3 chung” tuyển sinh ĐH, CĐ tồn tại hơn chục năm để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia diễn ra khá tốt được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, khâu xét tuyển ĐH, CĐ lại xuất hiện nhiều hạn chế khiến xã hội bức xúc.
Bỏ chấm điểm học sinh tiểu học
Thông tư 30 được Bộ trưởng ban hành quy định bỏ chấm điểm thường xuyên đối với học sinh tiểu học, thay vào đó giáo viên sẽ đánh giá, nhận xét học sinh hằng ngày, trên tất cả các mặt học tập, đạo đức, rèn luyện... Việc đánh giá bằng điểm số chỉ được thực hiện vào cuối kỳ học.
Hồi sinh công nghệ giáo dục
Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ra đời từ năm 1986, bộ sách này đã được áp dụng đại trà và đã có lúc có tới 43 tỉnh thành lựa chọn. Song sau một thời gian khi quyết định cả nước học theo một bộ sách thì sách công nghệ không được sử dụng, dù một số tỉnh vẫn “âm thầm” thực hiện. Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Luận đã kiểm tra tại 5 trường học sinh dân tộc, thấy hiệu quả về cách dạy học này nên đã quyết định cho các địa phương triển khai đại trà trên tinh thần tự nguyện.
Dạy học kiểu mới
Mô hình trường học mới (VNEN) được thực hiện thí điểm từ 1.2013 đã lập tức thu hút sự chú ý của dư luận khi phá vỡ không gian lớp học truyền thống cả về hình thức lẫn nội dung. 54 tỉnh, thành đã chủ động nhân rộng mô hình này với 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS.
Tuệ Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.