Đào tạo nghề: Học sinh tốt nghiệp THCS lấy bằng CĐ sau 5 năm có sai hướng?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
16/11/2021 09:00 GMT+7

Dự thảo cho học sinh tốt nghiệp THCS lấy bằng CĐ sau 5 năm theo nhiều nhà chuyên môn là không hợp lý vì không biết chú trọng đào tạo nghề hay đào tạo văn hóa cho đối tượng không có khả năng học văn hóa.

Thời gian qua trong khi nhiều trường đào tạo nghề cho học sinh (HS) tốt nghiệp THCS chỉ mất 4 - 4,5 năm để có bằng CĐ, thì mới đây Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lại đưa ra dự thảo đề án thí điểm chương trình đào tạo tới 5 năm và chia 3 giai đoạn.

Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học nghề tại một trường cao đẳng (ảnh chụp lúc chưa bùng phát dịch Covid-19)

HUYỀN TRANG

Sơ cấp 2 năm và phải học văn hóa là sai luật

Theo dự thảo quyết định phê duyệt đề án “Thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS” mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) là đơn vị soạn thảo, từ năm 2022 - 2028 sẽ tổ chức thí điểm đào tạo cho HS tốt nghiệp THCS lấy bằng CĐ đối với 10 ngành, nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ, với khoảng 400 HS/ngành nghề. Các nghề bao gồm công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ họa, vẽ và thiết kế trên máy tính, hướng dẫn viên du lịch và diễn viên múa.

Đề án sẽ được chia làm 3 giai đoạn gồm: Sơ cấp (2 năm), gồm khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo yêu cầu của chương trình và nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ sơ cấp. Trung cấp (1 năm), gồm phần khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo yêu cầu và nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ trung cấp. Cao đẳng (2 năm) tập trung toàn bộ kiến thức, kỹ năng ở trình độ CĐ và nội dung kiến thức văn hóa THPT được bổ sung để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Kết thúc giai đoạn 3, nếu đáp ứng yêu cầu, người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT (chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT), sẽ được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, được xét tốt nghiệp và cấp bằng CĐ.

Việc chia làm từng giai đoạn này cho thấy thực chất vẫn là cách đào tạo mà lâu nay các trường nghề đang thực hiện (được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho phép): Hoàn thành một trình độ sau đó tiếp tục học lên trình độ cao hơn. Chỉ khác là hiện nay các trường đang đào tạo 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn trung cấp (đã bao gồm cả kiến thức sơ cấp) trong 3 năm vừa học nghề (2 năm) vừa học văn hóa (1 năm), và giai đoạn CĐ (1 - 1,5 năm). Như vậy chỉ trong vòng 4 - 4,5 năm là người học có được bằng CĐ.

Vì vậy, theo các chuyên gia, đề án thí điểm này còn bộc lộ sự bất hợp lý ở chỗ, không có trình độ sơ cấp nào đào tạo đến

2 năm, chưa kể lại “bắt” người học phải học lại kiến thức văn hóa phổ thông. Theo luật Giáo dục nghề nghiệp, bậc sơ cấp chỉ học từ 3 đến dưới 12 tháng không đòi hỏi bất kỳ kiến thức văn hóa nào, chỉ học nghề để ra đi làm.

Khó giữ chân người học

Việc chương trình lấy bằng CĐ kéo dài tới 5 năm và yêu cầu sơ cấp cũng phải học các môn văn hóa, theo lãnh đạo các trường, là có thể nhìn thấy viễn cảnh HS bỏ học!

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, nhìn nhận: “Các em tốt nghiệp THCS đi học nghề phần lớn là do yếu các môn văn hóa không thể tiếp tục học lên THPT. Vậy thì khi vào học nghề, các em cần được đào tạo theo hướng giỏi nghề hơn là theo hướng học các môn văn hóa để lấy bằng THPT và liên thông lên ĐH. Cái khó nhất là làm sao giữ chân người học, khi các em chỉ muốn học nghề để ra đi làm và không tha thiết với học văn hóa THPT?”.

Hiện nay các trường đang đào tạo cho HS tốt nghiệp THCS theo chương trình 2 năm trung cấp, 1 năm văn hóa và 1 - 1,5 năm CĐ. Người học hoàn thành kiến thức văn hóa theo quy định và có bằng trung cấp là học lên CĐ. Như vậy chỉ có 2 giai đoạn với tổng thời gian là 4 - 4,5 năm.

“HS nào có nhu cầu thi lấy bằng tốt nghiệp THPT thì học 7 môn văn hóa, còn em nào chỉ cần học đến bậc CĐ thì chỉ học 4 môn. Như vậy, rút ngắn được thời gian đào tạo, không cần phải học tận 2 năm sơ cấp và bắt buộc tới 7 môn văn hóa kéo dài tận 5 năm. Nguy cơ lớn là các em sẽ bỏ học giữa chừng vì chán học các môn văn hóa nếu như học quá lâu như vậy. Nếu em nào theo được thì sau 5 năm cũng khó mà nhớ được kiến thức để thi đậu tốt nghiệp THPT”, hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM, chia sẻ.

Thực vậy, theo số liệu từ các trường nghề có đào tạo HS tốt nghiệp THCS, tỷ lệ bỏ học giữa chừng của đối tượng này lên tới trên dưới 50% tùy từng trường. Một trong những lý do là HS sợ phải học các môn văn hóa theo quy định của Bộ

GD-ĐT. Cần phải nói rõ, việc học các môn văn hóa phù hợp với ngành nghề là rất cần thiết vì đó chính là kiến thức nền tảng, là cơ sở học nghề tốt hơn. Tuy nhiên, việc HS chán học vẫn chính là một thực tế đang tồn tại bấy lâu, gây đau đầu cho các trường nghề.

Tiến sĩ Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM, cũng nhìn nhận mô hình này khó khả thi vì giai đoạn sơ cấp là bất hợp lý và không cần thiết, học văn hóa dàn trải dễ khiến HS bỏ ngang.

Cần tập trung mục tiêu chính là dạy nghề

Việc tập trung quá nhiều vào các môn văn hóa để đạt mục tiêu “người học kết thúc giai đoạn 3 (CĐ) sẽ đủ điều kiện học liên thông lên trình độ ĐH”, được lãnh đạo các trường đặt ra câu hỏi: Vậy rốt cuộc chúng ta đang chú trọng đào tạo nghề để HS có tay nghề giỏi, hay chú trọng đào tạo văn hóa cho đối tượng không có khả năng học văn hóa để liên thông lên ĐH? Nếu là chú trọng để mong đạt cả 2 mục tiêu, thì liệu có phải là quá “tham lam” với đối tượng HS tốt nghiệp THCS hay không?

“Đào tạo nghề thì phải hướng vào nghề nghiệp, giúp người học giỏi nghề để phục vụ thị trường lao động sản xuất, tạo công ăn việc làm, đãi ngộ tốt để thu hút người học, chứ không phải xây dựng lên một mô hình mà thực chất vẫn phải dùng tư duy bằng cấp để thu hút. Như vậy là phá vỡ bản chất của giáo dục nghề nghiệp. Hiệu quả sẽ đến đâu nếu người học không thể theo hết 3 giai đoạn của mô hình, thậm chí bỏ học ngay ở giai đoạn đầu tiên?”, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.