Đào tạo giáo viên chưa bám sát thực tế

05/02/2015 06:49 GMT+7

Hôm qua tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các trường sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”.

Hôm qua tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các trường sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”.

Theo PGS-TS Nguyễn Thúy Hồng, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Cục Nhà giáo), Bộ GD-ĐT, đã có thời gian dài nhiều trường sư phạm đào tạo không bám sát nhu cầu thực tế, nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp gặp khó khăn khi tìm việc làm.
Theo khảo sát của Cục Nhà giáo, các trường sư phạm chậm thay đổi so với những đổi mới của giáo dục mầm non, phổ thông. Chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra còn chưa chú trọng phát triển năng lực người học, chậm đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.
Trước thực tế này, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng muốn đổi mới thành công, các trường sư phạm phải tự mình đổi mới. Chẳng hạn thay đổi chương trình đào tạo hướng tới thế hệ giáo viên đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông sau năm 2018; thay đổi thực hành, thực tập của SV trong các trường sư phạm, xây dựng mối liên hệ giữa các trường sư phạm và trường phổ thông; thay đổi cách thức bồi dưỡng giáo viên. “Chỉ khi nào các trường sư phạm có được một đội ngũ giảng viên thực sự giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ thì chúng ta mới có được một đội ngũ giáo viên bậc phổ thông giỏi”, ông Hồng khẳng định.
Theo tiến sĩ Michel J.Welmond, Điều phối chương trình quốc gia, Trưởng nhóm chuyên gia giáo dục Văn phòng quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại VN, để đào tạo được giáo viên có thể hỗ trợ học sinh hình thành các năng lực thì trọng trách rất lớn thuộc về các trường sư phạm. “Nên phát triển một mạng lưới các trường sư phạm với một số trường ĐH sư phạm tiêu biểu trên cả nước, hoạt động như những đầu mối trong mạng lưới. Các trường này sẽ chịu trách nhiệm đào tạo, kết nối, nghiên cứu và phát triển, đánh giá và quản lý các hoạt động đào tạo và bồi dưỡng”, từ kinh nghiệm của mình, ông Michel J.Welmond đề xuất.
Theo nghiên cứu của Cục Nhà giáo, vẫn tồn tại tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, những nơi khó khăn. Với dự báo dân số thì từ nay đến năm 2020, mỗi năm đội ngũ giáo viên cần bổ sung khoảng 18.500 người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.