Đạo luật chip Mỹ hạn chế khả năng tự cung cấp bán dẫn của Trung Quốc

31/07/2022 07:48 GMT+7

Trung Quốc mới đây bày tỏ quan ngại về Đạo luật Chips của Mỹ và tác động của nó đối với ngành công nghệ bán dẫn nước này.

Sau hơn hai năm, Thượng viện và Hạ viện Mỹ cuối cùng đã thông qua Đạo luật Chips và Khoa học (Chips and Science Act) trong tuần này, phản ánh sự nhất trí của lưỡng đảng trong Quốc hội trước việc cần thiết phải chống lại khả năng trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc. Đạo luật được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông rất mong nó được ký thành luật.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đạo luật mới, bao gồm 52 tỉ USD trợ cấp cho các nhà sản xuất chip của Mỹ, cùng hàng chục tỉ USD cho nghiên cứu khoa học, có khả năng sẽ phủ bóng đen lên an ninh chuỗi cung ứng và sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, dù tác động tức thời có thể được hạn chế.

Sau hơn hai năm, Thượng viện và Hạ viện Mỹ cuối cùng đã thông qua Đạo luật Chips và Khoa học (Chips and Science Act) trong tuần này

chụp màn hình

“Mỹ đã thu hút các công ty sản xuất chip trong một thời gian, với các ưu đãi khá lớn. Sẽ có nhiều công ty quan tâm đến việc tham gia và điều này chắc chắn sẽ tác động đến ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc”, William Wang, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn IC Cafe có trụ sở tại Thượng Hải, nói.

Theo ông Wang, ảnh hưởng trực tiếp có thể sẽ mất nhiều năm để phát huy tác dụng, nhưng trên thực tế tác động cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu các công ty chip có thể tận dụng chính sách hỗ trợ của Mỹ để định hình lại ngành công nghiệp toàn cầu hay không.

Mỹ xem xét cấm xuất khẩu thiết bị sản xuất chip nhớ sang Trung Quốc

Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại về đạo luật mới và tác động của nó đối với ngành công nghệ Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 28.7 tuyên bố Trung Quốc “kiên quyết phản đối” các điều khoản trong đạo luật hạn chế hợp tác công nghệ thông thường giữa hai nước.

Theo ông Gu Wenjun, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn bán dẫn ICWise, biện pháp khuyến khích mới sẽ làm giảm đầu tư của các công ty quốc tế vào Trung Quốc, đồng thời thu hút vốn, nhân tài và chuỗi cung ứng ngành quay trở lại Mỹ. “Nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước sẽ làm suy yếu phạm vi tiếp cận các nguồn tài nguyên quốc tế của Trung Quốc. Về lâu dài, nó có thể làm cạn kiệt chuyển giao công nghệ và gây ra tình trạng tiêu hao tài năng đối với Trung Quốc”, ông Gu nói.

Trung Quốc không phải là nước dẫn đầu trong chuỗi giá trị chất bán dẫn toàn cầu do phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Li Yizhong, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin giai đoạn 2008 - 2010, đầu tháng này nói rằng Trung Quốc phải nỗ lực gấp đôi để bắt kịp lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và vật liệu, nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo dữ liệu từ Gartner, các công ty Mỹ đang nắm quyền kiểm soát chặt chẽ chuỗi giá trị chất bán dẫn thượng nguồn, với 13 trong số 25 nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới tính theo doanh thu vào năm ngoái là các công ty Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.