Đào 'huyệt mộ' để 'thiền cát' là 'bệnh' thiếu ý thức nơi công cộng

Thanh Nam
Thanh Nam
25/08/2022 08:01 GMT+7

Nhóm du khách trẻ đào hàng chục "huyệt mộ" là các hố cát rồi nằm để "thiền cát", "tắm cát" tại bãi biển Cửa Lò ( Nghệ An ) khiến người xem không hiểu chuyện gì xảy ra.

Đào "huyệt mộ" để "thiền cát" hay... "tự chôn"?

Ngày 24.8, cộng đồng mạng xôn xao với clip ghi lại hình ảnh hàng chục người đang nằm dưới các hố cát tại bãi biển Cửa Lò. Theo đó, những người này dùng xẻng đào hàng chục hố cát với chiều rộng khoảng 50 cm và dài gần 2 m, đủ để một người trưởng thành nằm lọt xuống. Họ nằm ở hố cát đào sẵn rồi lấy cát lấp lại, chỉ trừ phần mũi để thở. Một vài người trong nhóm đã lý giải hành động này là "đang nằm thiền cát", "tắm cát" và cho rằng: “Thiền dưới cát rất là dễ chịu, mát mẻ".

Nhóm du khách đào hàng chục 'huyệt mộ' là các hố cát rồi nằm để... "thiền cát"

CHỤP MÀN HÌNH

Clip này đã gây bức xúc trong dư luận. Vô số bình luận cho rằng những hố cát không khác gì... "huyệt mộ", và hình ấy "thiền cát", "tắm cát" này như phong tục đưa người đã khuất về... nơi chín suối.

"Lấy lý do cho rằng "tắm cát" là bao biện. Không thể tin được là cả tập thể lại hào hứng với hành động đào xới bãi biển làm mất cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến du lịch biển Cửa Lò như thế. Nhìn rất phản cảm. Dù không muốn cũng khiến người xem liên tưởng ngay cảnh... an táng người mất. Những hố cát không khác gì huyệt mộ được đào sẵn", Lương Hải Hoàng, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, chia sẻ.

Được biết sau khi tự... "chôn" mình dưới hố cát, nhóm người này đã bị chính quyền sở tại chấn chỉnh, yêu cầu phải hoàn trả lại mặt bằng trước khi rời đi.

Nhan nhản vụ việc "kém duyên"

Từ sau vụ việc này, nhiều người đã tỏ ra ngao ngán với ý thức hành xử khó hiểu của một bộ phận người dân, trong đó có cả người trẻ, ở những nơi công cộng, những khu vui chơi văn hóa. Cũng tại Cửa Lò, cách đây một tháng trước, một nhóm phụ nữ đã để lại hình ảnh bất bình trong dư luận vì thản nhiên cởi áo ngực để làm dụng cụ tiếp nước khi chơi trò chơi team building gợi dục.

Anh Nguyễn Tấn Khoa (37 tuổi, nhà ở 28/10 Phan Tây Hồ, Q.Phú Nhuận), cho biết những vụ việc làm mất mỹ quan ở bãi biển rất nhiều. "Có nhiều người biến bãi biển thành... bàn nhậu, ăn uống rồi vô tư xả rác, vứt lon. Hay tôi từng chứng kiến một đám cưới ở bãi biển. Tàn tiệc, ai về nhà nấy, để lại bãi biển vương vãi quá trời rác".

Anh Trần Đình Hảo (34 tuổi, kỹ sư môi trường, làm việc ở Khu công nghiệp Bắc An Thạnh, Long An) cho biết: "Một số người hình như có... vấn đề trong cách hành xử nơi công cộng. Dù là thời đại 4.0 nhưng không ngần ngại làm trò hề ở giữa những đám đông". Anh Hảo minh chứng bằng việc kể lại vào ngày 7.8 vừa qua, một số người khi đến vườn thú Mỹ Quỳnh ở huyện Đức Hòa (Long An) đã vô tư vượt rào, leo lên lưng rùa để cười đùa chụp ảnh. "Họ đã cố tình phớt lờ nội quy, các biển báo cấm lại gần các loài động vật của vườn thú, ngang nhiên hành động thiếu ý thức", anh Hảo nói thêm.

Anh Phan Tấn Sơn (28 tuổi, nhà ở chung cư EHome 3, Q.Bình Tân), nhìn nhận hiện nay một số người trẻ mắc "bệnh"... tự làm xấu mình nơi công cộng khi có những hành động "kém duyên", phản cảm. "Có những người thiếu đi sự văn minh, văn hóa ở nơi công cộng. Có thể kể như: chen lấn khi tham gia giao thông bằng xe buýt, tranh giành nhau khi vào thang máy, nói không với xếp hàng nơi công cộng. Hay ồn ào, vô tư xả rác... ở những chỗ đông người", anh Sơn nói.

Trần Nguyễn Lan Anh (32 tuổi, đang làm việc cho một công ty truyền thông ở Hà Nội) cũng tỏ ra khó chịu khi một số người trẻ đã và đang vô tình quên hoặc cố tình quên đi bài học văn minh công cộng. Lan Anh chỉ dẫn ví dụ cụ thể khi mới đây, nức tường bê tông cốt thép bên đường Nghi Tàm (Q.Tây Hồ, Hà Nội) vừa được mở rộng và cải tạo đã nhanh chóng bị bôi tréc tùy tiện bởi nhiều tác phẩm graffiti tự phát trông rất kỳ dị, nhếch nhác. "Ngoài ra, đã từng xảy ra việc bôi bẩn chằng chịt trên di tích tháp Hòa Phong (Q.Hoàn Kiếm) hay bức tường ở Cột cờ Hà Nội... Mặc cho những biển cấm xâm phạm được treo đầy, nhưng có người ngó lơ và thản nhiên khắc vẽ bậy", Lan Anh chia sẻ.

Vẽ bậy trên Cầu Thủ Thiêm 2

Hình thức khác gây mất mỹ quan đô thị này cũng xuất hiện ở TP.HCM. Cộng đồng mạng cũng từng bức xúc khi nhiều người nhân danh nghệ thuật đường phố graffiti để bôi bẩn, vẽ bậy trên toa tàu của tuyến metro số 1, thành cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), Cầu Thủ Thiêm 2...

Và rất nhiều sự việc cụ thể khác được dẫn chứng, để cho thấy nhiều người trẻ đang thiếu ý thức ứng xử tại các không gian công cộng. Họa sĩ Trần Như (38 tuổi, ở TP.Đà Lạt), cho biết anh từng phản ánh việc nhiều du khách khi đến thành phố sương mù du lịch đã không ngần ngại... bẻ, ngắt các cành hoa anh đào tại các khu du lịch, nơi công cộng...

Trau dồi bài học cư xử văn minh nơi công cộng

Phân tích dưới góc độ tâm lý, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoài Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm (TP.HCM), đồng tình với ý kiến cho rằng một số người trẻ mắc phải "bệnh" thiếu ý thức nơi công cộng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến "bệnh" này. Như ý thức tôn trọng tài sản người khác chưa cao, thiếu đi sự hiểu biết về những chuẩn mực giao tiếp tại nơi công cộng, thiếu đi văn hóa ứng xử, thiếu sự thượng tôn pháp luật, cũng như không ý thức được việc bản thân làm đang gây khó chịu cho người xung quanh hoặc để lại hậu quả cho cộng đồng...

Bà Thương cho rằng cư xử văn minh, lịch sự, đúng mực nơi công cộng luôn là bài học cần được người trẻ trau dồi thường xuyên để hình thành được văn hóa nơi công cộng của mỗi cá nhân.

Bà Thương cũng nói thêm: "Phụ huynh nên dạy con cư xử văn minh nơi công cộng. Hiện nay có một số người lớn không làm gương cho con. Như câu chuyện đào "huyệt mộ" ở bãi biển, hay cởi bỏ áo ngực để chơi team building... là ví dụ rõ nét. Con cái họ nhìn thấy sẽ tưởng là đúng và bắt chước theo. Vì thế, phụ huynh, người lớn hãy cư xử đúng để người trẻ noi theo...", bà Thương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.