img
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “20 năm mà còn khác được, mong gì hơn ?” - Ảnh 1.

Một mùa phim tết đại thắng với chiến thắng giòn giã của hai bộ phim tết sau một năm phim Việt đại bại trên sân nhà, nhưng đồng thời cũng biến anh thành một… "kẻ thua cuộc" trước cộng sự cũ mà mới đó còn sát cánh cùng anh làm nên Bố già. Cảm giác đó có… khó tả?

Khi chứng kiến doanh thu tăng vùn vụt của Nhà bà Nữ, thực sự lúc đầu tôi cũng hơi bị sốc vì nó đang chiếu cùng phim mình. Nhưng sau đó thì tôi rất mừng. Mừng ơi là mừng luôn! Vì một khi khán giả ủng hộ Nhà bà Nữ đến mức như vậy, chứng tỏ khán giả Việt chưa bao giờ quay lưng với phim Việt mà chỉ có phim Việt quay lưng với khán giả hay không mà thôi. Còn một khi có được một bộ phim thuần Việt, nắm bắt được tâm lý khán giả, chạm được vào họ, thì chừng ấy, phim Việt vẫn còn có tiếng nói và cơ hội. Vấn đề nằm ở bộ phim chứ không phải ở khán giả. Đó thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho phim Việt, sau một năm tưởng chừng đã đánh rỗng toàn bộ niềm tin nơi khán giả.

Tôi rất mừng cho chiến thắng của Trấn Thành, nhưng tôi không nghĩ mình là người thua cuộc. Thắng thua là do quan niệm của mỗi người. Đừng nhìn vô kết quả của người khác, mà chỉ nên nhìn vô kết quả của mình thôi, biết hài lòng với bản thân mình là được.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “20 năm mà còn khác được, mong gì hơn ?” - Ảnh 1.

Tụi tôi coi Chị chị em em 2 là một chiến thắng, chẳng có gì là thất bại ở đây cả! Trong bối cảnh phim của Trấn Thành "hot" đến mức như vậy mà Chị chị em em 2 vẫn trụ rạp với mức doanh thu đáng mơ ước: trên 4 tỉ đồng/ngày (những ngày đầu là 7 - 8 tỉ/ngày), đủ để cùng Nhà bà Nữ đánh bại tất cả các phim ngoại chiếu cùng lúc, thì đó là một chiến thắng quá đáng ăn mừng cho phim Việt.

Làm ra được một bộ phim theo ý mình muốn, khiến cho mọi người ngạc nhiên vì một Vũ Ngọc Đãng khác, giúp cho sự nghiệp đạo diễn của mình kéo dài được thêm vài năm nữa vì sau đó là quá chừng lời mời, phim có lời, đủ để ê kíp thu hồi vốn, có cơ hội làm phim tiếp và là bộ phim có doanh thu cao nhất từ trước đến giờ của Vũ Ngọc Đãng kể từ sau Bố già…, sao lại coi đó là thất bại? 

Anh đã đi xem Nhà bà Nữ trong tâm thế nào? Một cách công tâm, anh đánh giá ra sao về sự trưởng thành của cộng sự cũ qua bộ phim thứ 2 này?

Thực sự, tôi là người đầu tiên khuyên Trấn Thành nên đi làm đạo diễn, cũng là người đã đề nghị Trấn Thành đứng tên chung cùng mình. Kể ra, nếu như từ đầu, phim Bố già mời tôi làm đồng đạo diễn, chắc chắn tôi không làm. Nhưng đến khi vào việc, thấy Trấn Thành góp ý quá trời hay cho phim, thì tôi mới đưa ra đề nghị đó, vì quả thật tôi thấy Trấn Thành có một cái đầu đạo diễn rất giỏi. Tôi cũng từng nói rằng, nếu phim sau mà Trấn Thành mời tôi làm đạo diễn, tôi cũng sẽ từ chối vì Trấn Thành quá giỏi, đứng tên chung với ai rất uổng. Trấn Thành nên đứng tên một mình và nên tự đi làm đạo diễn.

Chính vì vậy, tôi đã đi coi phim Nhà bà Nữ trong tâm thế của một người đầu tiên đưa ra lời khuyên đó với Trấn Thành để xem lời khuyên đó đúng hay không. Và khi coi về thì quả thật tôi rất mừng vì lời khuyên của mình quá chính xác, cái đầu đạo diễn của Trấn Thành phải nói rất là giỏi, rất giỏi luôn! Và sau khi đọc cái tút đó của tôi, Trấn Thành cũng đã nhắn tin ngay cho tôi rằng: "Anh ơi, em không nghĩ là trên đời này lại có một người vô tư và công bằng như anh đâu. Mong là anh em mình mãi giữ được tình bạn đẹp như bây giờ, đừng bao giờ đánh mất đi nha anh!"…

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “20 năm mà còn khác được, mong gì hơn ?” - Ảnh 2.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “20 năm mà còn khác được, mong gì hơn ?” - Ảnh 3.

Anh có tự ái trước nhận định của một nhà phê bình: "Xem Nhà bà Nữ mới biết… ai mới là đạo diễn thật sự của Bố già"?

Không, tôi không tự ái. Nhưng tôi nghĩ rằng, để nhìn nhận vai trò của một đạo diễn với bộ phim của anh ta, không chỉ nên nhìn vào độ ăn khách của nó mà hơn hết, phải là tinh thần của nó. Thực sự, nếu mọi người đi coi phim sẽ thấy, tinh thần của Bố giàNhà bà Nữ là khác nhau hoàn toàn. Dù về mặt đạo diễn, tôi rất nể Trấn Thành, cũng không bao giờ phủ nhận công lao của người khác, nhưng rõ ràng tinh thần của Bố già là gần với tinh thần của phim Vũ Ngọc Đãng hơn.

Anh từng nói, anh thích làm phim truyền hình về gia đình cho bố mẹ mình được xem. Anh cũng vốn được cho là sở trường về dòng phim tình cảm gia đình... Vậy vì sao anh không tiếp tục đi theo dòng phim gia đình vốn rất dễ ăn khách hiện nay?

Chính xác đó là sở trường của tôi và tới đây chắc tôi nên phát huy hơn. Mà gần nhất, sẽ là bộ phim hài "Chuyện xóm tui - Con Nhót mót chồng" dự kiến ra mắt vào tháng 4 tới.

Chiến thắng của Nhà bà Nữ và trước đó là Bố già quả đã cho thấy đề tài gia đình luôn là mảnh đất màu mỡ cho phim Việt. Nhưng một mặt, chiến thắng đó cũng rất dễ gây ra hiệu ứng ngược: Kể từ 2023 trở đi, sẽ rất dễ nổ ra làn sóng nhà nhà đổ xô đi làm phim về đề tài gia đình, thay vì chịu khó đầu tư vào những bộ phim có kinh phí lớn hơn, đề tài mới lạ hơn… và khiến thị trường nhanh chóng bị bão hòa. Kể ra, nếu chiến thắng vừa qua nghiêng về Chị chị em em 2 hơn, thì có thể người ta sẽ nghĩ khác.  

Xem Nhà bà Nữ, khán giả có thể hiểu, vì sao đạo diễn muốn kể câu chuyện đó ở thời điểm này. Còn Chị chị em em 2 thì không. Vì sao anh nhất quyết muốn kể lại câu chuyện này, vào lúc này?

Tôi nghĩ cái thú vị nhất của nghề đạo diễn là phân tích tâm lý nhân vật hơn là kể một câu chuyện đang, hay đã diễn ra. Khi làm phim, thường tôi không có ý giảng dạy đạo lý cho mọi người, không muốn bắt người ta phải suy nghĩ theo hướng mà bộ phim đang ép họ nghĩ.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “20 năm mà còn khác được, mong gì hơn ?” - Ảnh 5.

Trước đây, anh luôn tự viết kịch bản cho phim của mình và kể câu chuyện mình muốn kể; còn giờ anh đi dựng kịch bản của người khác, điều đó ít nhiều có ảnh hưởng đến những câu chuyện mà anh thực lòng muốn kể?

Đúng là nếu tự viết kịch bản thì sẽ dễ kiểm soát toàn bộ câu chuyện mình muốn kể hơn, nhưng nó cũng có nhược điểm là trong đó Vũ Ngọc Đãng quá nhiều, đâu đó sẽ bị lặp đi lặp lại về tinh thần, cách kể chuyện… Sau này, khi làm việc với biên kịch, kể từ khi mới hình thành ý tưởng, tôi thấy mình có cơ hội được làm mới mình hơn. Đó là lý do khi xem Chị chị em em 2, đã có nhiều phản hồi rằng Đãng ở phim này rất khác, cách kể chuyện không còn đơn giản, thẳng tuột mà nhịp điệu tiết tấu, không khí… cũng khác lạ hơn, các câu thoại cũng mạnh bạo hơn, đời hơn.

20 năm mà còn khác được, với một đạo diễn, mong gì hơn? 

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “20 năm mà còn khác được, mong gì hơn ?” - Ảnh 6.

Chiến thắng của Nhà bà Nữ được cho là nhờ chạm được vào đúng bức xúc hiện nay của tầng lớp thị dân bình dân cũng như nhiều gia đình Việt nói chung: xung đột thế hệ. Anh có nghĩ thế?

Không. Tôi nghĩ chiến thắng của Nhà bà Nữ hay Bố già vẫn là nhờ cái tên Trấn Thành quá "hot", kể cả với fan hay anti-fan. 70 - 80% là nhờ vào cái tên Trấn Thành, tôi chắc chắn thế. Bố già đã vậy, Nhà bà Nữ lại càng vậy vì người ta cần thấy Trấn Thành sẽ làm gì tiếp sau Bố già.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “20 năm mà còn khác được, mong gì hơn ?” - Ảnh 7.

Có thắc mắc rằng: Chị chị em em 2 ít nhiều đã hạ thấp giá trị của phụ nữ vì mọi thắng thua của hai nữ chính đều chỉ nhằm "lọt được vào mắt xanh của công tử" và lấy được tiền của họ, kể cả một nhan sắc được cho là "có khí chất" như cô Ba Trà?

Nếu theo dõi các phim của tôi hồi giờ, từ Tuyết nhiệt đới, Bỗng dưng muốn khóc…, khán giả sẽ thấy Vũ Ngọc Đãng chưa bao giờ làm phim hạ thấp phụ nữ, trái lại đề cao họ khi luôn để nhân vật nữ lấn át nhân vật nam, bắt nhân vật nam phải lệ thuộc vào họ, chạy theo họ, và để cho phụ nữ được tự chủ với cuộc đời của họ. Trong khi phim Việt hồi giờ thường là để đàn ông quyết định hết mọi sự.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “20 năm mà còn khác được, mong gì hơn ?” - Ảnh 8.

Chị chị em em 2 bị hiểu ra làm thế, tôi ngờ là có chút hiểu nhầm ở đây, khi mọi người đã quá quen với việc các cô gái làng chơi làm nghề đó là do họ bị đẩy vào và luôn muốn thoát ra. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Có những cô chọn nghề đó chỉ đơn giản là một cái nghề mà không hề vật vã đau khổ và cả khi có cơ hội hoàn lương, họ cũng vẫn quay lại. Cái cô Tư Nhị kia cũng vậy thôi, cô ấy muốn thoát nghèo, muốn "thăng hạng", muốn được chọn, thay vì bị chọn; muốn đàn ông phải quỳ dưới chân cô thay vì phải quỳ dưới chân đàn ông… theo cách nghĩ của cô ta, chứ không phải là muốn thoát khỏi cái nghề đó. Tôi nghĩ đó cũng là một cách nhìn mới, sát với thực tế của cái nghề này, theo như những gì tôi quan sát được. 

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tại trường quay Chị chị em em 2

Chị chị em em 2 hồn nhiên là do… Ngọc Trinh và Vũ Ngọc Đãng hồn nhiên, đúng không?

Thì phim là người mà, đúng là cả Đãng và Trinh ở ngoài đời cũng như trên phim đều hồn nhiên vậy! Khi làm phim, bất kể dự án nào, tôi cũng rất mong giữ được sự hồn nhiên đó, cộng thêm cái đầu tính toán của một đạo diễn. Trong phim này, tôi thực sự đánh giá rất cao diễn xuất hồn nhiên của Ngọc Trinh. Cô ấy diễn thật đến nỗi khiến người ra nhầm tưởng rằng chắc cô ấy chỉ cần bê nguyên xi mình vào. Đâu dễ thế! Một người mẫu kể cả khi vào vai một người mẫu thì cùng lắm cũng chỉ có lợi thế khi đóng cảnh chụp hình và catwalk, chứ mọi khóc cười giận dữ… cũng đều phải hóa thân như các nhân vật khác mà!

Anh hồn nhiên rồi anh có bình minh?

Cứ lạc quan thì ai cũng sẽ có bình minh! 

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “20 năm mà còn khác được, mong gì hơn ?” - Ảnh 10.



Thủy Lê
Ân Nguyễn, Cao Minh Thống
Duy Quang
05/02/2023 00:00


 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.