Đạo diễn 'Sám hối' kể về những lần sống sót thần kỳ khi bị gãy 49 khúc xương

05/01/2017 09:00 GMT+7

Từng đoạt hai giải Filmfare cùng một số giải thưởng khác của Bollywood, đạo diễn phim hành động Peter Hiền (có cha là người Ấn Độ, mẹ là người Việt Nam) luôn tự hào được đóng góp vào làng giải trí Việt.

* Xin được hỏi anh về những lần gặp chấn thương theo kiểu “thập tử nhất sinh”, tưởng chừng không toàn mạng trong quá trình làm cascadeur?
- Đạo diễn Peter Hiền: Hơn 22 năm làm cascadeur và đạo diễn phim hành động tại Ấn, tôi có gần 20 lần chấn thương, gãy tổng cộng 49 khúc xương. Từ xương hàm đến chân của tôi hiện vẫn bắt cố định 23 ốc vít để giữ khớp hoặc xương dính lại. Tay, chân, sườn... trên cơ thể tôi từng có ít nhất một lần gãy, có chỗ gãy lặp lại hai, ba lần. 
Cách đây 7 năm, tôi vào vai lái xe bay trên cao khoảng 15 m thì bị tai nạn, xe rơi tự do từ trên cao xuống đất, tôi bị gãy cùng lúc 19 khúc xương. Đây là lần gãy xương nhiều nhất trong các lần chấn thương của tôi, răng rụng gần hết, tay trái gãy 2 khúc, tay phải 3 khúc, xương sườn phải gãy 2 cọng…
Tôi bất tỉnh tại chỗ, đến khi tỉnh lại thì thấy mình đang được đưa đi cấp cứu. Thay vì đến bệnh viện lớn cách đó 60 km, tôi yêu cầu vào bệnh viện địa phương gần nhất để kiểm tra cột sống. Vì cột sống của tôi đã bị gãy một lần trước đó, sợ tái chấn thương. Sau khi kiểm tra, bác sĩ nói cột sống tôi không sao. Bác sĩ cho tôi dùng thuốc mê để chuyển đi, nhưng tôi từ chối, với lý do: tôi muốn biết cảm giác đau đớn lúc đó như thế nào.
Peter Hiền: “Tôi chỉ có thể nói Sám hối là một câu chuyện nhân văn về tình người. Tôi muốn mang bộ phim Việt này để giới thiệu, quảng bá ở nhiều quốc gia khác”. Trong ảnh đạo diễn Peter Hiền ngồi trước monitor Ảnh: Anh Poly
* Cũng trong lần đó, anh đã phải trải qua cuộc phẫn thuật hơn 10 giờ đồng hồ mới sắp xếp cố định lại các xương. Và chỉ 8 ngày sau, anh lại tiếp tục ra phim trường chỉ đạo các cảnh hành động. Tại sao anh lại làm vậy, bất chấp tình hình sức khỏe vào thời điểm đó không cho phép?
- Họ yêu cầu tôi phải nghỉ ngơi, nhưng tôi nói phải làm tiếp, để hoàn thành các cảnh hành động sau đó. Vì tôi lo nếu không có tôi, các cảnh hành động sợ sẽ không được làm tới nơi tới chốn, phim không hay. Tôi phải làm, nếu không đứng nổi thì ngồi, ngồi không nổi thì nằm mà chỉ đạo hành động. Tôi được đưa từ băng ca xuống xe lăn, đi trực thăng ra phim trường. Tôi ngồi trên xe lăn và chỉ đạo hành động. Lúc này xương hàm của tôi bị thương và bắt vít nên không thể ăn được, phải truyền thức ăn thẳng vào dạ dày qua đường ống.
Lần khác, lúc đó tôi mới bắt đầu làm nghề khoảng được 3 năm, có một cảnh phim người ta thả một hình nộm tương đương với trọng lượng người từ trực thăng ở độ cao 110 m xuống biển. Nhưng hình nộm rơi thấy rất giả, từ tay đến chân, không tự nhiên và thay thế người thật được. Tôi đề xuất: tôi sẽ nhảy cảnh này để phim chiếu khán giả cảm thấy thật nhất.
Ban đầu tôi nghĩ rằng mình sẽ chủ động té xoắn và có khả năng chọn bề mặt tiếp nước là lưng, hoặc chân. Nhưng khi nhảy, cánh quạt trực thăng đẩy gió xuống mặt biển rất mạnh, tôi không thể chủ động té xoắn được. Lúc tiếp nước, tôi bị úp mặt và bụng xuống. Khi đó tôi không còn thấy và không biết gì nữa, như màn hình tivi đang chiếu bị búa đập cái ầm, đen thui. Khi tôi mở mắt ra vừa thấy một người trong đoàn phim, tôi hỏi cảnh quay có đẹp không. Ông này rơi nước mắt vì tôi không lo cho bản thân mà chỉ lo cho cảnh quay. Xong tôi mới biết mình đã bất tỉnh hơn 2 ngày. Toàn bộ da mặt, ngực, bụng… của tôi bị tét, rỉ máu suốt mấy ngày mới khỏi.
* Được biết anh từng có hai lần “hồn lìa khỏi xác” như vậy mà vẫn đam mê diễn hành động, vì sao thế?
- Có một cảnh quay như thế trong phim Raavanan (năm 2010) là khi một diễn viên nắm tay tôi vật xuống. Để té đẹp, tôi xoắn hai vòng. Tôi căn dặn diễn viên, khi tôi lộn gần hết hai vòng rồi mới nắm tay giật xuống. Vậy mới tiếp đất đúng dự định. Nhưng khi tôi lộn mới hơn 360 độ (1 vòng tròn), diễn viên này đã nắm tay tôi giật xuống, thế là đầu tôi cắm xuống mặt đường, tróc da đầu và tóc từ trán đến sau ót, như thể ai lấy lưỡi lam lạng đi lớp da đầu của tôi vậy. Tôi bất tỉnh, được đưa vào viện và bác sĩ cho biết tôi chấn thương sọ não, nứt một đường dài.
Một lần bất tỉnh nữa là khi tôi thực hiện cảnh té từ trên các ô tô xếp chồng lên nhau xuống đất. Lúc tiếp đất, đầu tôi trúng vào một cục đá. Trong hai ngày tiếp theo, tôi không nhớ được gì hết. May thay đến ngày thứ ba mới tỉnh lại.
Chấn thương của tôi thì nói hoài không hết chuyện, xảy ra liên tục. Riết rồi gặp những chấn thương đơn giản, tôi tự làm bác sĩ cho mình. Có ba lần tôi tự may vết thương, đó là những lúc quay trong rừng, xa bệnh viện, cứ may sống chứ có thuốc giảm đau gì đâu.
Peter Hiền (bìa trái) chỉ đạo các cảnh hành động tại phim trường Ấn Độ Ảnh: Nhân vật cung cấp
* Trong những pha hành động nguy hiểm mà anh từng thực hiện (tính đến thời điểm hiện tại), lần nào anh cảm thấy đáng nhớ nhất?
- Tôi nhảy từ lầu 110 ở Dubai, hoặc nhảy lầu 15-20 tại Ấn Độ, dù có dù hoặc dây nhưng cũng rất nguy hiểm. Hoặc là hàng loạt cảnh gây chấn thương mà tôi đã kể trên. Nhưng nói về kỷ niệm, tôi nhớ nhất là lần nhảy lầu 3, trong tư thế bị cháy. Lần đó tôi linh cảm rằng mình sẽ ra đi vĩnh viễn.
Lúc đó tôi mới cưới vợ 2 năm, con trai mới 9 tháng và tôi mới làm cascadeur không lâu. Tôi nghĩ cảnh này làm xong chắc chết. Tôi về nhìn vợ con mà nước mắt cứ chảy. Tôi vào nhà tắm lấy nước vắt lên đầu, mặt, để vợ tôi không biết tôi đang rơi nước mắt. Vợ hỏi sao mắt anh đỏ, tôi chỉ nói là đi làm về mệt quá nên mắt đỏ. Trước khi đi, tôi nói ''lần này anh đi em đừng gọi, khi nào anh xong thì về''. Vợ tôi nghe nói vậy, liền chảy nước mắt, cô ấy hỏi ''có phải anh có chuyện gì giấu em không''. Tự nhiên tôi muốn bỏ không làm nữa. Nhưng tôi đã nhận lời, giờ hủy coi không được. Khi nhảy, tôi bị cháy và té xuống thùng giấy, người cứu hộ chạy vào nhưng không may lại lọt chân, hút vào mấy thùng giấy. Một người khác cầm bao bố (thấm nước) vào cứu, dập lửa và kéo từ trên lưng xuống mông, cuốn phăng một mảng da dài cũng từ lưng xuống mông của tôi.
* Anh là một đạo diễn hành động nổi tiếng Ấn Độ, vì lý do gì anh lại về Việt Nam làm phim?
- Mẹ tôi là người Việt, cha là người Ấn Độ đã từng sống ở Việt Nam. Tôi sinh ra ở Ấn Độ, lúc nhỏ tôi có theo mẹ về Việt Nam một lần. Cha tôi là võ sư Vovinam, tôi học võ từ năm 7 tuổi, đến năm 18 tuổi chính thức làm cascadeur. Tôi không hiểu sao trong tôi luôn nghĩ mình là người Việt Nam. Tôi tự hào có dòng máu Việt. Mỗi lần về Việt Nam tôi vui lắm. Và có thể lúc mang bầu tôi, mẹ tôi luôn nghĩ hoặc nhớ về quê hương, nên tôi cũng yêu quê hương Việt Nam như vậy, từ ngày đó đến giờ.
Tôi đoạt nhiều giải thưởng, nhưng ít khi đi nhận, chỉ khi nào không có ngày quay phim tôi mới đi nhận. Bên Ấn Độ tôi chỉ lo đi làm, những ngày không đi làm thì một là tôi bị gãy xương nặng, hai là bị bệnh, rất ít khi ở không dù chỉ một ngày. Nhưng khi lãnh giải dù trong nước hay quốc tế lúc nào tôi cũng luôn tự hào nói trước ban giám khảo, ban tổ chức và khán giả: tôi là người gốc Việt Nam.
Tôi yêu Việt Nam, muốn làm phim tại Việt Nam về người Việt Nam. Tôi xin tạm thời không nói về bộ phim mà mình đang làm, cho đến lúc nó thành hình.
* Làm nhiều phim hành động, có khi nào anh áp dụng cú đánh cũ cho một phim mới?
- Tôi làm cảnh hành động không theo lối mòn, luôn muốn làm cái mới, cái sau phải sáng tạo, hay và lạ hơn cái trước. Ví dụ, để tăng thêm trọng lượng cho một cảnh đánh nhau, tôi sáng tạo làm thêm chuyển động của lá cây, hoặc bụi (làm nền, tiền cảnh hoặc hậu cảnh)… Hoặc thường người ta chạy xe lên cầu, muốn tạo ra một cảnh hành động, họ thường cho xe té trái hoặc phải, phá thành cầu và lao xuống nước. Còn tôi thì cho xe chạy qua cầu, đâm thẳng vào vách núi. Người ta nói tôi bị điên, xe chạy 60 - 70 km/giờ, làm vậy là chết. Nhưng tôi vẫn làm được. Người ta nói tôi điên cũng được, miễn sao cảnh khó này làm được là tôi vui, vậy khán giả xem mới thấy đã.
Còn nữa, tùy thuộc vào câu chuyện, tôi mới dựng cảnh đánh, cú đánh ở mức độ nào. Cùng một cú ra tay, nhưng nếu người ta hận thù chồng chất hoặc va chạm nhỏ sẽ có lực đánh, tốc độ khác nhau. Làm cảnh hành động không phải lúc nào cũng đánh ào ào là xong. Làm vậy chỉ coi được chứ không đã, chưa trúng.
Peter Hiền (áo xanh) tại phim trường Ấn Độ Ảnh: Nhân vật cung cấp
* Trước khi trở thành một đạo diễn hành động nổi tiếng bậc nhất Ấn Độ, anh đã từng có những năm tháng làm nghề hết sức khó khăn?
- Để trở thành một đạo diễn cảnh hành động ở nền điện ảnh như Bollywood không hề dễ dàng. Tôi đã làm đủ thứ nghề trên phim trường từ bưng bê, dọn hiện trường cho đến cascadeur, trợ lý đạo diễn hành động rồi đạo diễn hành động. Để có chỗ đứng như hiện nay tại Ấn Độ, tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn. Tôi thường nghĩ làm bất kỳ việc gì mình cứ làm hết lòng hết dạ rồi thành công và giải thưởng sẽ tự động chạy theo mình.
* Được biết anh từng có một tuổi thơ không mấy bằng phẳng…
- Gia đình có mình tôi là con trai, ngoài ra còn hai chị em gái. Thuở nhỏ tôi không được đi học. Nhưng nhờ chị đi học rồi tối về tôi viết bài làm bài phụ chị, nên dần tự biết đọc biết viết. Nhà tôi khi xưa khổ lắm, cha bệnh, nội nằm liệt giường, mẹ tôi phải đi làm nuôi cả gia đình. Tôi không trách cha mẹ mình, vì họ cũng đâu có muốn cho con mình thất học đâu, nhưng gia đình mình khổ, tự nhủ mình phải luôn cố gắng vượt qua số phận.
Bên Ấn Độ ở chỗ tôi ở thiếu nước dữ lắm. 10 tuổi tôi đã đi xách nước thuê cho người ta, mỗi chuyến được 25 xu. Rồi tôi sửa xe máy, xe ô tô cho người ta, cứ mỗi lần sửa, sẵn lau xe cho người ta sạch luôn mà không lấy tiền. Cứ như vậy, người ta thương, đem xe tới sửa đông lắm. Rồi tôi đi hàn tàu, làm đủ thứ nghề hết, tự học, tự mày mò chứ không qua trường lớp nào.
* Xin cám ơn anh!
Peter Hiền là một trong những đạo diễn cảnh hành động nổi tiếng nhất Bollywood. Anh từng đoạt nhiều giải thưởng lớn của điện ảnh Ấn Độ, trong đó có giải Filmfare (một giải thưởng điện ảnh lớn và uy tín tại Ấn Độ, cho phim Ghajini, năm 2008).
Gần đây nhất anh đoạt giải “Chỉ đạo hành động xuất sắc” cho phim Baahubali: The beginning (phát hành năm 2015) tại Liên hoan phim SIIMA 2016 ở Singapore. Anh từng làm đạo diễn cảnh hành động cho những phim nổi tiếng như: Kaakha Kaakha, Chatrapathi, Athadu, Varsham, Anniyan
Tại Ấn Độ, các nhà làm phim muốn Peter Hiền tham gia chỉ đạo cảnh hành động phải “đặt hàng” trước từ 8 tháng đến 1 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.