Đạo diễn 'Hai Phượng': Tôi nổi tiếng vì có nhiều phim bị cấm

Thu Thủy
Thu Thủy
26/02/2019 13:30 GMT+7

Được đánh giá là bộ phim hành động xuất sắc nhất của điện ảnh Việt trong vòng 10 năm trở lại đây, lần đầu đạo diễn Lê Văn Kiệt tiết lộ về Hai Phượng …

“Ngơ ngác” khi đánh giá về Ngô Thanh Vân

Hai Phượng đang được đánh giá là phim hành động tốt nhất của Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây. Bản thân anh là đạo diễn phim thì anh nghĩ thế nào, có hài lòng không?
Đạo diễn Lê Văn Kiệt: Phần hành động và kỹ xảo thì đã đi theo đúng hướng. Có những sự sáng tạo mà mình lo lắng thì lại đi theo hướng rất tốt. Tôi và nhà sản xuất đã cùng ngồi lại tính toán những chi tiết hành động bằng ý tưởng, không tốn kinh phí và sự sáng tạo đó rất “over”, chưa có phim hành động Việt Nam nào làm. Cũng có khá nhiều áp lực, giống như đang leo một cái núi, họp rất nhiều lần và cả ê-kíp không biết được cảnh đó có ra được đúng như ý muốn không. Vai trò của từng phần như hành động, kỹ xảo… tôi phải hỏi từng bộ phận và tôi phải nắm cả đường dây mới chỉ đạo xuyên suốt được. Những chi tiết drama trong phim bao giờ tôi cũng muốn đánh vào nhiều. Phim này thì tôi thấy rất nhẹ, nhưng khán giả lại thấy thích và tôi hài lòng vì nó đủ yếu tố drama để đẩy hành động lên. Tôi không muốn phim này bị đánh giá chỉ có hành động mà không có câu chuyện và trái tim. Và chúng tôi xây trái tim trước rồi mới đến máu thịt… của nó.
Từ Ngôi nhà trong hẻmDịu dàng và hai phim không qua được cửa kiểm duyệt là Rừng xác sốngBẫy cấp ba, và đây là phim hành động đầu tiên của anh. Dường như anh muốn thử nghiệm nhiều “màu sắc” khác nhau trong điện ảnh?
- Trong phim này tôi không đi xa lắm với tay nghề của mình. Với đạo diễn thì trước tiên phải có câu chuyện hay, hình ảnh phải điện ảnh. Đó là điều không thể thay đổi. Một bộ phim hành động hay phải có drama: yếu tố con người, cuộc sống, nhân văn trong đó. Tôi không xây dựng đơn thuần là cảnh đấm đá mà tạo ra không khí hành động trong bộ phim. Như trong phim này không xài súng nhiều và phải giải quyết vấn đề đó trong phim này cho hay. Phim cũng không xài yếu tố người nước ngoài làm cascadeue mà toàn người Việt Nam, người nước ngoài chỉ hướng dẫn thôi.
Định cư ở Mỹ lúc 2 tuổi, học điện ảnh ở Mỹ và sau đó quyết định trở về Việt Nam làm phim, Lê Văn Kiệt vẫn đi về giữa Mỹ và Việt Nam Ảnh: NVCC
* Sau 5 năm anh mới làm việc lại với Ngô Thanh Vân, anh đánh giá Vân qua Hai Phượng như thế nào?
- Những lời nói không đủ để đánh giá đúng về sự thành công của Vân trong phim này. Như mấy từ lột xác, hi sinh cũng không đủ, bởi vượt qua cả những mỹ từ ấy. Ai xem phim sẽ hiểu được cô ấy đã hi sinh thế nào, tôi dùng từ “ngơ ngác” khi đánh giá về Vân trong phim này. Mỗi ngày khi quay phim này tôi phải theo cái tâm của cô ấy đến cuối cùng.
* Trong quá trình quay có xảy ra vài khó khăn, sự cố, anh có thể chia sẻ thêm không?
- Với thể loại phim này có nhiều khó khăn lắm. Có những sự cố bất ngờ mình khó tránh được như bối cảnh cảnh chợ thì mình phải quay sớm trong vòng 2 tiếng nếu không chợ đông thì rất rắc rối và người dân sẽ phản ứng vì nơi buôn bán của người ta mà. Phim này rất mạo hiểm, không phải quay theo kiểu bình thường nên cách đặt máy quay cũng khá khó khăn. Nhưng điều thê thảm nhất là lúc Vân té dập đầu gối, ngay lúc đầu quay luôn. Ai cũng nghĩ không biết thế nào vì cô ấy là “tài sản” của phim. Sau đó đoàn tính toán lại các cảnh quay để sắp xếp hợp lý nhất. Trong phim này cảnh quay xe lửa di chuyển là cảnh khó nhất về bối cảnh, kỹ xảo... Tôi thấy áp lực vì tôi chưa bao giờ làm phim hành động. Nếu làm một bộ phim hành động sau này khó hơn tôi sẽ dễ so sánh (cười).
* Vì sao anh chọn Việt Nam làm phim dù làm việc, sinh sống ở Mỹ?
- Tôi có làm một phim ở bên Mỹ về đề tài người Việt Nam ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp những câu chuyện tôi kể trong phim đều liên quan đến người Việt Nam. Sau đó tôi về Việt Nam làm dự án đầu tiên tôi thấy có rất nhiều thứ liên quan. Muốn về Việt Nam đó là điều gì đó tự nhiên, cái gốc của mình rồi. Ở Mỹ thì khi làm phim phải kể chuyện của nó. Không thể nào tôi làm phim về Việt kiều hay người Việt Nam mà nó đầu tư cho mình 5 triệu USD để làm, không có cơ hội đó. Nơi đó không thể làm một bộ phim mang đặc sản văn hóa Việt Nam được.
* Làm phim ở Việt Nam anh tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam như thế nào?
- Lúc đầu về Việt Nam tôi vào việc ngay. Với phim đầu tiên tôi không có cơ hội học hỏi nhiều. Nhưng về sau tôi có cơ hội học nhiều hơn về Việt Nam. Tôi không thích những nơi sang trọng, hào nhoáng mà thích len lỏi vào cuộc sống của người lao động, ở những tầm thấp nhất, khổ cực nhất, nói chuyện với sinh viên, người bán hàng rong... Tôi thích những khu ổ chuột, những nơi cùng cực nhất trong cuộc sống của người Việt Nam. Tôi đi ngang qua một con hẻm, nhìn thấy một người mẹ đang gội đầu cho đứa bé ở giữa hẻm khiến tôi vô cùng thích và có thể đứng nhìn một cách ngẩn ngơ. Những cảnh đó nó phản chiếu đúng cuộc sống một phần của người Việt mà tôi chưa từng thấy ở Mỹ. Tôi bị cuốn vào những điều đó.
Từ Ngôi nhà trong hẻm, Dịu dàng... Lê Văn Kiệt đang cho thấy nhiều "màu sắc" trong phong cách làm phim của anh. Nhưng với đạo diễn này phim của anh phải có một câu chuyện gì đấy về cuộc sống, con người theo hướng nhân văn Ảnh: NVCC

Hai Phượng sẽ thay đổi suy nghĩ về ''phim ăn khách''

* Khó khăn nhất mà anh gặp phải khi làm phim ở Việt Nam là gì?
- Ở Việt Nam có đầy đủ điều kiện để làm phim hay. Tôi chỉ thấy khó nhất là thời tiết thôi. Mà cái đó là do ông trời (cười). Làm phim cần ánh sáng ở ngoài, di chuyển ở ngoài…mà thời tiết mưa nhiều hay nắng quá thì rất ảnh hưởng đến tiến độ. Đối với tôi thì kinh phí là do thể loại phim, sự sáng tạo của ê-kip. Nếu nói đủ thì sẽ không bao giờ đủ.
* Phim anh làm không chạy theo kiểu ăn khách phòng vé hay đánh mạnh vào tính thương mại nhiều. Anh có vẻ đứng ngoài “cuộc đua” của điện ảnh Việt sao?
- Ngôi nhà trong hẻm của tôi khá thành công về doanh thu. Nhưng với tôi làm phim không thể nào đoán được phim thắng hay thua. Tôi không tin phim ăn khách theo kiểu xu hướng. Tôi chỉ tin phim nào hay sẽ ăn khách, chẳng qua chưa làm được thôi. Thị trường phim Việt “trẻ” quá. Tôi hi vọng sau phim Hai Phượng sẽ thay đổi suy nghĩ về việc “đóng đinh” một dạng phim nào đó đang ăn khách. Tôi làm phim với tâm thế là nó có cái gì để nói về xã hôi, con người bằng trái tim. Những kỹ xảo, thương mại tôi không sợ. Khó nhất đối với tôi là điều nói được trong phim theo hướng nhân văn. Nếu ở một sản phẩm mà không ra điều đó thì tôi không hứng thú.
* Nhiều nhận xét bảo kịch bản phim Hai Phượng quá đơn giản, tình tiết ngô nghê không hợp lý như tôn vinh nhân vật của Ngô Thanh Vân như một nữ siêu anh hùng?
- Đã là trên phim thì không có hợp lý, một thế giới khác. Những phim của Mỹ như Kill Bill hay Wonder Woman… một người đánh lại ngàn người có dao chỉ với hai bàn tay. Nên tôi không quan tâm, điều quan tâm là khán giả mua vé xem và bảo: Đáng đồng tiền. Đó là lời khen đáng giá nhất mà tôi thấy tự hào. Phim dở thì người ta có quyền soi. Mà phim phần đông khán giả thích thì sự soi đó nên xem lại. Có nhiều người chê Kill Bill mà nhưng nó vẫn thắng lớn đấy.
Ở Mỹ công việc chính của đạo diễn Lê Văn Kiệt là viết kịch bản. Thời gian rảnh anh đi xem phim, hầu như anh xem phim mỗi ngày như đi nhà thờ Ảnh: NVCC
Hai Phượng là phim hành đồng đầu tiên Lê Văn Kiệt làm đạo diễn và anh chính là người viết kịch bản từ những gợi ý của Ngô Thanh Vân Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Khán giả khó tính nhất chính là tôi

* Là đạo diễn Việt kiều nhưng anh lại chọn cách ẩn mình hơn so với vài đồng nghiệp như Charlie Nguyễn, Victor Vũ trên thị trường phim Việt. Vì sao?
Tôi đi xem phim mỗi ngày như đi nhà thờ. Nên tôi không thể nào làm một bộ phim giống với phim mình đã xem rồi. Tôi sẽ chọn làm cái gì tạo sự khác biệt, mạo hiểm. Một phim chính tôi muốn xem, khán giả khó tính nhất chính là tôi. Nếu mình xạo với bản thân mình thì không thể thành thật với ai được cả

Đạo diễn Lê Văn Kiệt

- Đối với tôi thì không có quen kiểu PR cho mình. Cũng không phải tôi né mà không biết làm như thế nào, mà làm thì thấy nó rất lạ… với tôi. Tôi 40 tuổi rồi, trong 40 năm ấy tôi không nổi tiếng thì trong 5 năm nữa không nổi tiếng cũng vậy thôi. Nổi tiếng trong showbiz là tự động đến một cách tự nhiên. Tôi vẫn xuất hiện trên truyền thông khi phù hợp và nghề của tôi là viết kịch bản, đạo diễn chứ không phải PR. Công việc chỉ nhiêu đó thôi nên tôi không có ý định muốn kiếm tiếng tăm. Thông tin Hai Phượng rầm rộ vậy thôi chứ chắc chắn 95% khán giả đâu biết tôi là ai. Họ không quan tâm chuyện đó trừ một số người mê phim, mê về điện ảnh muốn tìm hiểu.
* Khi anh thất bại một dự án nào đó anh chọn cách đối mặt thế nào?
- Tôi đã từng vài lần thất bại khi phim không qua được cửa kiểm duyệt. Tôi vẫn cố gắng cứu tác phẩm của mình đến cuối cùng. Đạo diễn lúc nào cũng phải chiến đấu vì đó như đứa con của mình. Tôi phải làm phim hay trước đã, còn chiến đấu để chiến thắng hay không thì chưa biết. Khi thất bại một là đứng dậy, hai là buông luôn. Tôi chọn cách đứng lên và đi tiếp. Tôi nổi tiếng hơn vì nhiều phim bị cấm mà vẫn đi tiếp đấy (cười). Thật ra phim Hai Phượng là mạo hiểm nhất của tôi về kiểm duyệt, hành động, cảnh bạo lực… rất nhiều khó khăn. Và tôi vẫn không dừng lại trong phong cách làm phim của mình. Nhưng tôi làm theo kiểu phim có tâm, không rẻ tiền về ý nghĩa, tôn trọng văn hóa Việt. Nên nó đã được duyệt đấy vì họ hiểu được điều đó. Con đường làm phim rất dài và khó. Tôi xem rất nhiều phim vì tôi vẫn là “học sinh” trong nghề này. Tôi đi xem phim mỗi ngày như đi nhà thờ. Nên tôi không thể nào làm một bộ phim giống với phim mình đã xem rồi. Tôi sẽ chọn làm cái gì tạo sự khác biệt, mạo hiểm. Một phim chính tôi muốn xem, khán giả khó tính nhất chính là tôi. Nếu mình xạo với bản thân mình thì không thể thành thật với ai được cả.
* Ở Mỹ ngoài làm đạo diễn ra anh có làm gì thêm không?
- Thế mạnh của tôi là viết kịch bản, sửa kịch bản phim. Ở Mỹ tôi làm công việc đó. Gốc của Hai Phượng, chính tôi là người biên kịch đầu tiên. Lần đó tôi gặp Ngô Thanh Vân trong một sự kiện ở Mỹ. Cô ấy nói với tôi muốn làm một bộ phim hành động, đang kiếm kịch bản. Tôi đưa cho Vân một kịch bản hành động về người bố làm công an bị nhiều áp lực trong cuộc sống. Cô ấy rất thích nhưng kinh phí lại quá cao để thực hiện. Vân cũng ngạc nhiên: Hóa ra Kiệt viết kịch bản được hả? Và Vân muốn làm một phim hành động cuối cùng. Cô ấy muốn tôi xây dựng kịch bản từ ý tưởng bắt cóc và một người mẹ. Tôi xây dựng và hai anh em cứ bàn với nhau từ rất nhiều ý tưởng để lựa chọn. Sau đó chọn cái ưng ý nhất và tôi hợp tác với một bạn biên kịch ở Việt Nam để bỏ thêm vào cái thoại cho nó hoàn chỉnh. Hoàn thành kịch bản khoảng 6 tháng và hơn 1 năm để hoàn thành bộ phim.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.