Đánh bầm dập tài xế gây tai nạn là ‘tự rước họa vào thân’

04/04/2016 15:49 GMT+7

Sau vụ việc vì cho rằng tài xế vượt đèn đỏ cán chết người, một số người đã lôi tài xế xuống đường đánh bầm dập rồi mới giao cho công an, các chuyên gia cho rằng người dân không nên tự “xử”.

Sau vụ việc vì cho rằng tài xế vượt đèn đỏ cán chết người, một số người đã lôi tài xế xuống đường đánh bầm dập rồi mới giao cho công an, các chuyên gia cho rằng người dân không nên tự “xử”.

Vụ tài xế container tông chết chị Thanh đã khiến nhiều người chứng kiến bức xúc - Ảnh: Đỗ TrườngVụ tài xế container tông chết chị Thanh đã khiến nhiều người chứng kiến bức xúc - Ảnh: Đỗ Trường
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 2.4, chị Nguyễn Thị Kim Thanh (28 tuổi, ngụ TP.HCM) đi xe máy BS 76H1-037.69 đang dừng đèn đỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, góc ngã ba giao với đường ĐT743 (P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ngay lúc này, tài xế Hoàng Văn Cương điều khiển container đầu kéo BS 51C-655.15 chạy cùng chiều với tốc độ khá cao rồi rẽ phải vào đường ĐT743 đã xảy ra va chạm với xe máy khiến nạn nhân bị container cán chết tại chỗ.
Chứng kiến cảnh tai nạn quá tàn khốc và bức xúc vì cho rằng "tài xế vượt đèn đỏ cán chết người", người dân ở gần hiện trường đã lôi tài xế Cương xuống đường đánh bầm dập rồi mới giao cho Công an P.Phú Hòa.
Tăng mức hình phạt cho tài xế gây tai nạn
Luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) phân tích, hành vi của tài xế Cương là vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, và đây cũng là hành vi bị cấm theo Khoản 23, Điều 8 và Điểm b, Khoản 3, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 về quy định đèn đỏ phải dừng lại.
Còn LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu, hành vi điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn đỏ gây ra tai nạn và hậu quả gây ra cái chết cho chị Thanh có dấu hiệu của tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202, Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành.
Điều 105, BLHS năm 1999 quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Theo đó, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
LS Chánh phân tích, nếu tài xế Cương không có giấy phép lái xe hoặc trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng thì khung hình phạt là bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Tuy nhiên, theo ý kiến của LS Thư, với đường lối xử lý như trên chưa đủ sức răn đe và ngăn ngừa. Từ đó dẫn đến hậu quả là các tài xế xem thường pháp luật, coi rẻ tính mạng người tham gia giao thông.
“Rất tiếc, Điều 260, BLHS 2015 (có hiệu lực từ 1.7.2016) chỉ có mức hình phạt tối đa là 5 năm. Theo tôi, cần phải tăng mức hình phạt theo hướng nghiêm khắc hơn để phục vụ tốt hơn cho công tác đấu tranh và phòng ngừa tội vi phạm các quy định về giao thông đường bộ, đồng thời, hạn chế được con số tai nạn giao thông xảy ra hằng năm”, LS Thư nhấn mạnh.
Không nên “tự xử”
Riêng đối với hành vi đánh tài xế Cương của người dân, LS Chánh cho rằng, về mặt tình cảm thì ai cũng có thể hiểu sự bức xúc của những người dân khi chứng kiến hành vi vi phạm pháp luật của tài xế Cương cũng như cái chết thương tâm của chị Thanh. Mặt khác, việc tài xế container lái xe vượt ẩu, vi phạm giao thông gây ra nhiều cái chết thương tâm trên nhiều tuyến đường đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân nên việc người dân đã có hành vi đánh tài xế là điều có thể hiểu và thông cảm.
Tuy nhiên, hành vi vi phạm của tài xế Cương sẽ bị pháp luật xử lý, có hình phạt thích đáng nên nếu chỉ vì bức xúc mà đánh tài xế gây thương tích thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần kích động mạnh theo Điều 105 BLHS hiện hành.
Còn LS Thư nêu, việc người dân bức xúc đối với hành vi coi thường tính mạng con người của Cương mà đã đánh đập dã man tài xế trước khi giao nộp cho công an là sai. Lẽ ra người dân thấy vụ việc phạm tội như vậy thì phải giữ tài xế lại và giao cho cơ quan công an.
Mọi hành vi tự xử của người dân đều là vi phạm, dù tài xế có phạm tội đi nữa thì người dân cũng không được phép tự xét xử và trừng phạt như vậy. Pháp luật quy định mọi hành vi vi phạm chỉ có các cơ quan tố tụng mới có quyền hạn và trách nhiệm xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.