Đang xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia tại Hòa Lạc

28/02/2024 16:30 GMT+7

Theo đánh giá của Bộ Công an, việc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia vừa tiết kiệm nguồn lực kinh tế cho Nhà nước, vừa đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu ở mức cao nhất.

Bộ Công an mới đây công bố dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật Dữ liệu. Một trong các chính sách được đề xuất là quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia.

Đang xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia tại Hòa Lạc- Ảnh 1.

Theo đánh giá của Bộ Công an, việc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia vừa tiết kiệm nguồn lực kinh tế cho Nhà nước, vừa đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu (ảnh minh họa)

PHÚC BÌNH

Đang xây dựng trung tâm số 1 tại Hòa Lạc

Bộ Công an cho biết, hiện nay một số bộ, ngành chưa có đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ. Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa được chuẩn hóa, thống nhất về tiêu chuẩn, danh mục nên không có khả năng kế thừa, khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dùng chung.

Các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đạt các tiêu chuẩn quy định, không bảo đảm mức độ an ninh, an toàn hệ thống, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp.

Một số bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh an toàn thông tin do chưa thực sự quản lý, kiểm soát được dữ liệu nhà nước trên hạ tầng của doanh nghiệp.

Cạnh đó, nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Từ thực tiễn trên, dự thảo của Bộ Công an đề xuất quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia. Đây là nơi lưu trữ dữ liệu, hệ thống của các cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống thông tin trong nước và tổ chức, chính phủ các nước để phục vụ các hoạt động trên môi trường số.

Tháng 10.2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP phê duyệt đề án trung tâm dữ liệu quốc gia. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì xây dựng hạ tầng vận hành trung tâm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và bố trí nhân sự để quản lý và vận hành trung tâm…

Bộ Công an cho hay, cơ quan này đang xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia số 1 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), dự kiến hoàn thiện và đi vào sử dụng từ cuối năm 2025. Do vậy, lộ trình chuyển đổi hệ thống từ các bộ, ngành về trung tâm dữ liệu quốc gia tại Nghị quyết 175 và lộ trình có hiệu lực của luật Dữ liệu (1.1.2026) là khả thi và phù hợp.

Đang xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia tại Hòa Lạc- Ảnh 2.

Việc đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý nhà nước cũng như người dân (ảnh minh họa)

BCA

Vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn dữ liệu

Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ Công an cho biết, việc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ giúp Nhà nước giảm chi phí đầu tư về hạ tầng, nguồn lực chuyển đổi số; bảo đảm thống nhất quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, cho hoạt động thu thập, lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng, chia sẻ dữ liệu trong phạm vi cả nước.

Nhà nước cũng tiết kiệm được kinh phí đối với việc bố trí hoạt động quản trị các hệ thống thông tin ngoài cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Về phía tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các đối tượng này sẽ được đăng ký, sử dụng dịch vụ hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia, dịch vụ điện toán đám mây do Chính phủ cung cấp, giảm nguồn lực đầu tư, giảm mối lo ngại về lộ, lọt dữ liệu.

Theo tính toán của Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiết kiệm được chi phí thu thập, làm sạch dữ liệu về dân cư khi có thể khai thác, sử dụng thông tin có sẵn trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (khoảng 573 tỉ đồng thu thập dữ liệu lần đầu và hơn 5.000 tỉ đồng chi phí rà soát làm sạch dữ liệu).

Hoặc như một số đơn vị hiện đang phải thuê chỗ đặt hạ tầng dữ liệu, với tổng chi phí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Trong trường hợp chuyển về đặt tại trung tâm dữ liệu quốc gia, ngoài việc được đảm bảo an ninh, an toàn ở mức cao nhất, Nhà nước có thể giảm khoảng 20% tổng chi phí do giảm thiểu các chi phí liên quan đến thuê nhà, chi phí vận hành do mức lương nhà nước thấp hơn so với thị trường, lợi nhuận kinh doanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.