Đăng sơn họa cảnh đời

30/10/2022 06:37 GMT+7

Vượt dốc núi, đèo cao, trải nghiệm đủ cung bậc cảm xúc của gian nan, vất vả, để rồi vỡ òa trước mắt phong cảnh của mây núi thiên nhiên, rừng trà cổ thụ, bản làng, đồng bào dân tộc, các thửa ruộng bậc thang… như miền tiên cảnh.

Vẻ đẹp ấy được chuyển thể vào hơn 70 tác phẩm ký họa do CLB mỹ thuật người Hoa (Hội Mỹ thuật TP.HCM) thực hiện trên non cao Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Nhóm họa sĩ theo đường mòn lên núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh, địa phận giáp ranh giữa 2 huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên, Hà Giang

Trong nhiều chuyến sáng tác hằng năm của các thành viên thuộc CLB mỹ thuật người Hoa, thiên nhiên, phong cảnh, con người, cuộc sống đời thường luôn là một đề tài được yêu thích. Bởi phong cách thể hiện của cả nhóm là lối vận dụng kỹ thuật sáng tác thủy mặc vào tác phẩm. Ở trại sáng tác mới nhất lên non cao Hoàng Su Phì, với các thành viên trong nhóm là một chuyến đi đặc biệt, không chỉ là cơ hội chạm vào thiên nhiên hoang sơ, mà còn là thử thách không nhỏ về sức bền cơ thể, nhất là với những thành viên đã ngoài 70 như họa sĩ Trịnh Huy, Trương Lộ…

Họa sư Trương Lộ (trái), đã ngoài 70, cũng không nghĩ rằng mình có thể leo lên các dốc núi cao đi sáng tác

Nhọc nhằn cung đường núi hiểm trở từ miền xuôi lên Hoàng Su Phì, với đặc sản “cua núi” liên hoàn, dốc cao ngửa mặt, bù lại cảnh đẹp đã khiến các thư họa gia vỡ òa cảm xúc. Đẹp, lạ, ngạc nhiên, mê mẩn đến quên ăn chỉ để ngồi ven đường họa lại vùng phong cảnh yêu thích, hay mải miết leo núi cao không biết mệt, diện kiến những rừng trà cổ thụ ngàn năm tuổi… Chuyến sáng tác kéo dài hơn 8 ngày, quá ngắn để có thể ôm trọn núi non, danh thắng vào các bức vẽ; nhưng thành quả đạt được cũng là một tự hào nho nhỏ khi hơn 70 tác phẩm thể hiện đời sống miền cao ở những góc tiếp cận đời thường nhất.

Họa sư Trương Lộ chia sẻ: “Nhiều người chọn vẽ lại theo hình, nhưng tôi và các thành viên CLB đều thích lối vẽ trực họa. Đi đến tận nơi, trải nghiệm thực tế rồi mới bắt đầu sáng tác. Nếu vẽ thủy mặc mà nhìn hình rồi chép vào, tác phẩm sẽ thiếu đi cái hồn, thiếu cảm xúc của người họa sĩ. Còn khi đứng trước phong cảnh muốn họa lại, người họa sĩ hẳn đã có cảm xúc, nên trong từng nét vẽ sẽ thấy cảm xúc ấy được biểu đạt”.

Gốc trà cổ thụ già nua bên nếp nhà người Dao đỏ qua nét ký họa của họa sư Trương Lộ

Nhiều ấn tượng “đầu tiên” của chuyến “đánh bắt xa bờ” - nói theo cách gọi đi sáng tác xa với địa bàn quanh TP.HCM của nhóm - ấy là lần đầu gặp và vẽ cây trà cổ thụ thân to gần 2 người ôm, lần đầu tiên vất vả luồn rừng tìm đến những dòng thác đẹp…; những “đầu tiên” ấy được chuyển vào tranh, và một triển lãm nho nhỏ các tác phẩm của cả nhóm trước khi rời Hoàng Su Phì, diễn ra ở xã Túng Sán (H.Hoàng Su Phì), được bà con dân bản đón chào nồng nhiệt. Bởi cũng lần đầu họ thấy được vẻ đẹp của lúa, ruộng, nếp nhà, cây trà, chân dung chính mình… trong các tác phẩm ký họa.

Chuyến sáng tác cũng là cơ hội học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, bố cục trong sáng tác từ các tiền bối

Chinh phục suối khe, dốc núi để đến được vùng cảnh quan yêu thích

Xeng Thị Chúm, người dân tộc Tày ở xã Túng Sán, đang xem các tác phẩm ký họa về quê hương mình

Danh thắng ruộng bậc thang Bản Phùng đang được chuyển thể qua trực họa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.