Đằng sau những thương vụ mua đảo chiến lược của công ty Trung Quốc

20/04/2022 17:00 GMT+7

Các công ty Trung Quốc đang lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm những mảnh đất chiến lược. Họ chỉ đang cố kiếm tiền hay họ là bình phong cho những tính toán địa chính trị của Bắc Kinh?

Ba năm trước, Xu Chang Yu bắt đầu những nỗ lực để thuê lại một hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương. Phó chủ tịch tập đoàn Sam ở Trung Quốc đã âm thầm đàm phán thuê đảo Tulagi, nơi có cảng nước sâu tự nhiên thuộc đảo quốc Solomon, trong 75 năm.

Thỏa thuận này đã bị chặn sau khi bộ trưởng tư pháp Solomon tuyên bố nó trái luật. Song công chúng và các đồng minh phương Tây truyền thống của đất nước không khỏi nghi ngờ rằng Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một căn cứ quân sự tại nơi mà hải quân Anh, Nhật và Mỹ từng hiện diện.

Đó chỉ là khởi đầu, và ông Xu chưa từ bỏ nỗ lực này.

Những "công ty Đông Ấn" thời hiện đại

Khi Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon thăm Trung Quốc vào tháng 10.2019, ông Xu đã tháp tùng ông Sogavare trong cả chuyến đi. Đến tháng 4.2020, ông đăng ký Sam, công ty sản xuất vũ khí và có mối quan hệ với Bộ Quốc phòng Trung Quốc, là nhà đầu tư nước ngoài ở Solomon, loại bỏ một trong những rào cản pháp lý khiến thỏa thuận đầu tiên đổ vỡ.

Năm tháng sau, công ty của ông Xu tham gia vào một đề xuất thậm chí còn táo bạo hơn. Tỉnh trưởng một tỉnh khác của Solomon đã nhận được thư, được cho là từ AVIC International Project Engineering, công ty con của một tập đoàn quốc phòng và hàng không thuộc nhà nước Trung Quốc. Bức thư cho biết AVIC và tập đoàn Sam có ý định nghiên cứu "các cơ hội phát triển dự án hải quân và cơ sở hạ tầng trên đất cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân [...] thuê độc quyền trong 75 năm".

Tin tức về bức thư đã được tung lên mạng xã hội vào tháng 7 năm ngoái và buộc người đứng đầu chính quyền địa phương lên tiếng phủ nhận.

Song tất cả những diễn biến trên hóa ra lại là tiền đề cho một thứ lớn hơn. Theo một tài liệu mới bị rò rỉ vào tháng trước, Bắc Kinh và Honiara đã soạn thảo một thỏa thuận an ninh cho phép hải quân Trung Quốc cập cảng ở Solomon để tiếp tế, luân chuyển nhân sự cũng như các hoạt động hậu cần khác.

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh tháng 10.2019.

Reuters

Thỏa thuận vẫn chưa được ký kết. Song dự thảo thỏa thuận và những nỗ lực của ông Xu trước đó đã hé lộ hai chuyện. Một là, gần như không còn nghi ngờ gì về việc Trung Quốc đang tìm cách hiện diện hải quân ở phía nam Thái Bình Dương, thách thức sự thống trị của Mỹ và đồng minh tại khu vực. Hai là, nó cho thấy cách thức hành động phức tạp mà các công ty Trung Quốc đôi khi áp dụng trong sự phối hợp với chính phủ và các tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh.

Tập đoàn Sam chỉ là một trong số ngày càng nhiều các công ty Trung Quốc đang lùng sục khắp thế giới nhằm giành được các dải đất chiến lược. Trong hàng chục sự vụ mà Financial Times đã xem xét, các nhà đầu tư hầu như ít tên tuổi của Trung Quốc đã đề xuất thuê dài hạn hoặc cố gắng mua những khu đất lớn, thường ở những vị trí nhạy cảm. Trong một số trường hợp, vùng đất này gần với các đồng minh hoặc cơ sở quân sự của Mỹ, trên các hòn đảo dọc theo các tuyến giao thông trọng yếu trên biển, hoặc nhìn ra các eo biển và cửa ngõ quan trọng.

Động cơ, và mối liên hệ với chính phủ, của các công ty này thường được lý giải theo nhiều cách. Trong một số trường hợp, đây có vẻ là những ví dụ xác thực về tinh thần kinh doanh của khu vực tư nhân pha trộn với chủ nghĩa cơ hội, trong khi ở những trường hợp khác, mối liên hệ với nhà nước được thể hiện rõ ràng.

Dù thế nào đi nữa, nhiều chính phủ đã bắt đầu nhìn nhận các công ty tư nhân này đang dọn đường cho các lợi ích của nhà nước Trung Quốc.

"Bạn có thể nói rằng những công ty Trung Quốc này giống như công ty Đông Ấn của Anh ngày trước", một nhà ngoại giao ở Đông Nam Á nhận xét. "Họ là đội quân tiên phong của nước họ trong việc nỗ lực xâm nhập thị trường mới và thiết lập phạm vi ảnh hưởng mới".

Cư dân trên đảo Tulagi của Solomon.

shutterstock

Kinh tế đi trước quan hệ ngoại giao

Một đặc điểm nổi bật trong nỗ lực mua đất của Trung Quốc là một số công ty đã tiến hành giao dịch mua bán ở các nước thậm chí không có đại sứ quán Trung Quốc vì họ duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và việc xóa bỏ những liên hệ quốc tế của hòn đảo là một trong những lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh.

Chẳng hạn, Solomon mới chỉ chuyển sang công nhận Bắc Kinh vào năm 2019. Song Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của họ từ rất lâu trước đó và các công ty chủ chốt của Trung Quốc đã có mặt và vun đắp mối quan hệ nhiều năm trước khi quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập.

Câu chuyện tương tự có thể nhìn thấy ở Trung Mỹ và Caribe, nơi có những quốc gia cuối cùng còn công nhận Đài Loan. Tại El Salvador, tập đoàn Asia-Pacific Xuanhao (APX) của Trung Quốc năm 2018 đã đề xuất thuê cảng La Union trong 50 năm. Cùng lúc, chính phủ Trung Quốc đàm phán để El Salvador chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Sau đó, APX mở rộng đề xuất, bao gồm việc xây dựng một chuỗi các đặc khu kinh tế. Việc này đòi hỏi El Salvador cho thuê gần một phần sáu lãnh thổ và một nửa chiều dài đường bờ biển trong 100 năm.

Ngoại trưởng El Salvador Carlos Castaneda và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trao đổi văn kiện thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào tháng 8.2018.

shutterstock

Kế hoạch đang bị tắc lại sau khi quốc hội El Salvador thông qua luật cấm bán đảo cho người nước ngoài. Tuy nhiên, báo chí địa phương cho biết một doanh nhân gốc Hoa, sống tại El Salvador từ năm 1989, đã mua được hơn một nửa diện tích đảo Isla Perico gần với cảng nói trên, dù trên lý thuyết là việc này bị cấm.

"Chúng ta đã chứng kiến ​​các thành phần phi nhà nước của Trung Quốc đồng lòng giúp Bắc Kinh giành được ảnh hưởng về kinh tế và chính trị ở Trung Mỹ", Evan Ellis, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Đại học Chiến tranh Mỹ, người chuyên theo dõi quan hệ Trung Quốc với Mỹ Latinh, cho biết.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát khác cho rằng việc coi các công ty Trung Quốc chỉ là bình phong để Bắc Kinh theo đuổi các lợi ích địa chính trị hoặc quân sự là quá đơn giản và thường là sai lầm.

"Làm thế nào để bạn phân biệt được đâu là hữu ý và đâu là tình cờ?", Graeme Smith, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc, người đang xây dựng cơ sở dữ liệu về các công ty Trung Quốc hoạt động ở Thái Bình Dương, đặt câu hỏi.

Ông cho biết nhiều công ty tư nhân Trung Quốc đang tìm kiếm các cơ hội làm ăn béo bở ở nước ngoài, gây ấn tượng với chính quyền sở tại và sau đó quay về tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng, doanh nghiệp quốc doanh trong nước hoặc từ chính phủ Trung Quốc.

Nhắm đến các tuyến đường biển chiến lược

Tháng 8.2019, Fong Zhi, liên doanh giữa một tập đoàn bất động sản Trung Quốc và các nhà đầu tư gốc Hoa ở Philippines, đã đề nghị mua quyền kiểm soát đảo Fuga ở eo biển Luzon và xây dựng một "thành phố thông minh" tại đây. Nằm ở eo biển ngăn cách phía nam Đài Loan với phía bắc Philippines, Fuga có vị trí chiến lược quan trọng khi các tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ sẽ đi qua đây trên đường từ Biển Đông ra Thái Bình Dương.

Hai công ty Trung Quốc khác đã lên kế hoạch phát triển các đặc khu kinh tế ở Chiquita và Grande, hai hòn đảo nằm ở Biển Đông, ngoài khơi bờ biển phía tây Philippines. Lo ngại về an ninh ở Philippines đã khiến toàn bộ những kế hoạch này vẫn đang nằm trên giấy.

Cuối năm 2020, một công ty Trung Quốc đã đề xuất thiết lập khu vực đánh bắt cá xung quanh Daru, hòn đảo nằm ở phần hẹp nhất của eo biển Torres ngăn cách Papua New Guinea với phía bắc Úc. Vài tháng sau, một tập đoàn được niêm yết ở Hong Kong song có liên hệ với Trung Quốc đại lục đã thúc đẩy xây dựng thành phố thông minh cũng tại vùng biển này. Cả hai kế hoạch đều đã tan thành mây khói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.