Đằng sau những 'khoảnh khắc vàng SEA Games 30' qua lời kể của phóng viên ảnh Báo Thanh Niên

03/01/2020 12:33 GMT+7

Hơn 30 bức ảnh khoảnh khắc đáng nhớ tại SEA Games 30 do phóng viên ảnh Nguyễn Độc Lập của báo Thanh Niên thực hiện sẽ được triển lãm tại Hội nhiếp ảnh thành phố (122 Sương Nguyệt Ánh, Q.1, TP.HCM) từ ngày 4.1 – 6.1.2020.

Săn khoảnh khắc, lắm gian nan

Với hơn 8 năm trong nghề, thử sức ở đủ mọi lĩnh vực từ thời sự, văn hóa, thể thao, đời sống… Nguyễn Độc Lập là một trong những phóng viên ảnh “cứng cựa” của báo Thanh Niên. Anh từng tham gia tác nghiệp tại SEA Games 28, 29 và mới đây nhất là Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 tại Philippines.
Hai bức ảnh mà phóng viên Độc Lập tâm đắc nhất trong đợt tác nghiệp vừa qua chính là bức ảnh Tiến Linh đánh đầu mở tỷ số trong trận bán kết với Campuchia và khoảnh khắc Văn Hậu ghi bàn mở tỷ số trong trận chung kết. Theo Độc Lập, một bức ảnh báo chí quan trọng nhất là phải bắt được khoảnh khắc. Để làm được điều đó, phóng viên ảnh phải có sự chuẩn bị, phán đoán tình huống tốt.

Khoảnh khắc đánh đầu mở tỷ số của Tiến Linh trong trận bán kết với Campuchia, trong môn bóng đá thì bàn thắng mở tỷ số cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến cục diện trận đấu

Độc Lập

Trong chuyến tác nghiệp vừa qua, Độc Lập đã chọn đằng sau khung thành đội bạn và gần ban huấn luyện của 2 đội làm vị trí cố định cho mình. Theo anh, đó là vị trí “an toàn” khi tác nghiệp một mình bởi từ đây, có thể quan sát được diễn biến trên sân lại có thể bắt được khoảnh khắc ghi bàn của cầu thủ đội nhà, của khán giả, huấn luyện viên…
Để có vị trí chụp ảnh đẹp trên sân, Lập thường “liều mình” để vali máy ảnh trước ở 1 bên, khi trọng tài tung đồng xu để quyết định đội nào ở phần sân nào thì lập tức chạy nhanh về phía có cầu môn đội bạn để có được vị trí đẹp. “Mỗi lần như vậy giống như thi chạy 100 m, phải chạy hết tốc lực. May mắn cho tôi là “chân dài” nên chạy nhanh, có chỗ như ý”, Lập cười, “Nhưng thật ra thì các anh em trong nghề cũng hỗ trợ nhau, nhường nhau nên không quá khó khăn”.

Phóng viên Độc Lập đã tham gia tác nghiệp tại SEA Games 28, 29 và 30

Ảnh: Thuận Thắng

Hành trang mà anh mang theo mỗi khi ra sân là chiếc vali gần 15 kg trong đó riêng hai chiếc máy ảnh mang trên người gồm 1 máy góc rộng, 1 máy có ống tele đã gần 6-7 kg. Bên cạnh đó là chiếc điện thoại để gửi ảnh về phục vụ cho việc làm tin bài trực tuyến, laptop để xử lý hình ảnh sau trận đấu, thẻ nhớ, ổ cứng, pin… và đặc biệt còn có ghế và áo mưa để sử dụng khi cần.
Trước những khoảnh khắc “sống còn” trên sân cỏ, một người mê bóng đá sẽ khó kìm được cảm xúc hồi hộp, vỡ òa nhưng với phóng viên ảnh thì đó lại là những lúc căng thẳng nhất, phải biết kiềm chế cảm xúc để tập trung cao độ cho những “khoảnh khắc vàng”. Lập cho biết trong lúc tác nghiệp, hình ảnh nhìn thấy nghĩa là đã mất, do đó phải chuẩn bị trước thì mới có thể “siết cò” đúng lúc. “Ảnh báo chí khác ảnh phong cảnh, tĩnh vật… vì những dạng này có thể chụp lại còn khoảnh khắc qua rồi thì không tìm lại được”, anh nói.

Đoàn Văn Hậu đánh đầu mở tỷ số trong trận chung kết với đối thủ Indonesia, nếu không có sự tập trung cao sẽ khó có thể bắt kịp và chính xác những khoảnh khắc diễn ra cực nhanh như thế này

Độc Lập

Trong lần tác nghiệp vừa qua, Lập còn để lại nhiều ấn tượng với những bức ảnh lia máy, chụp với tốc độ chậm để bắt lấy chuyển động của nhân vật. Theo anh, việc ảnh báo chí pha tính nghệ thuật sẽ giúp bức ảnh sinh động hơn, không bị khô cứng.

Nghề săn... khoảnh khắc cũng lắm gian nan

Ảnh: Thuận Thắng

“Sự kiên trì, phán đoán tốt là quan trọng nhất, máy móc chỉ là một phần. Ví dụ khi đá phạt góc, làm sao để biết cầu thủ nào sẽ là người nhận bóng để lấy nét cho đúng? Lúc này thì phải dựa trên sự phán đoán. Thường thì 10 pha, tôi đoán đúng 6,7 pha, vẫn có sai nhưng không rơi vào khoảnh khắc quyết định. Ảnh báo chí luôn có một số phần trăm may mắn. Trước khi ra sân, mình chuẩn bị sẵn kịch bản, nếu mọi thứ diễn ra đúng thì đó là may mắn”, Lập chia sẻ.

Và những nỗi niềm…

Trong suốt 21 ngày ở Philippines tác nghiệp, mỗi ngày Lập đều đi sớm về khuya vì không riêng bóng đá mà phóng viên ảnh còn phải tác nghiệp ở các bộ môn khác. Xa nhà, nhớ vợ, thương con nhưng chỉ khi cuối tuần, anh mới có thể “facetime” với gia đình vì những ngày trong tuần, khi về được tới khách sạn thì đã nửa đêm.

Tác nghiệp ở bất cứ vị trị nào...

Ngay cả màn đêm sập xuống

Ảnh: Thuận Thắng

Có hôm, mạng chập chờn khiến cho gần 20 phút vẫn không thể gửi ảnh về làm trực tuyến, Lập sốt ruột bỏ cả máy móc, chạy ra ngoài để tìm cách gửi hình. Có hôm lại đói đến run tay, hoa mắt, xem lại hình cứ tưởng ảnh bị… “out nét”, phải chuẩn bị thêm bánh, lương khô và nước để chống đói.
Trận U.22 Việt Nam giành chiến thắng 2-1 trước Indonesia được xem là trận căng thẳng nhất khi bản thân anh cũng bị cuốn theo diễn biến trận đấu. Trận với Singapore, cả ngày mưa tầm tã, bản thân anh bị dính mưa, bị cảm, phải uống thuốc cầm cự. “Cũng may, đây là kỳ SEA Games khá thành công của Việt Nam nên mọi mệt mỏi đều tan biến”, Lập bộc bạch.

Pha sút xa ghi bàn ấn định tỷ số 2-1 trước Indonesia của Nguyễn Hoàng Đức khiến trận đấu bùng nổ cảm xúc ở những phút cuối trận. Không chuẩn bị sẵn sàng siết cò thì rất dễ tuột mất khoảnh khắc vàng trong trận đấu

Thỉnh thoảng chụp ảnh với tốc độ chậm, lia máy... mang lại thêm sự thú vị cho bạn đọc

Độc Lập

Sau mỗi trận đấu, nhiều cầu thủ cũng nhắn tin với Lập để xem lại những khoảnh khắc đẹp của mình. Anh tiết lộ Tiến Linh và Văn Hậu có nhiều ảnh đẹp nhất. “Cảm giác sau khi sang Hà Lan, sức bật của Văn Hậu tốt hơn. Khi bóng bổng tới, Văn Hậu bật cao, đè được đối phương nên thường có khoảnh khắc đẹp. Năm nay, tuyển Việt Nam có nhiều pha đánh đầu đẹp mắt, nhiều bàn thắng từ các pha bóng bổng. Đây cũng là điểm khác biệt so với những mùa trước”, anh nói.
Ngoài những khoảnh khắc đẹp về các cầu thủ trên sân, phóng viên ảnh Độc Lập còn gây ấn tượng với bức ảnh HLV Park Hang-seo hôn lá cờ Việt Nam trên ngực áo sau trận chung kết. Anh kể: “Sau trận chung kết, khi mọi người tập trung hết ở khán đài A, tôi quan sát thấy huấn luyện viên Park Hang-seo lại tiến về phía khán đài B, nơi có cổ động viên Việt Nam đang ngồi. Thế là ngay lập tức, tôi quăng hết máy móc, đồ đạc trên người để chạy theo đón đầu. Nhờ vậy mà đã ghi lại được khoảnh khắc “vị thuyền trưởng” của đội tuyển Việt Nam hôn lên quốc kỳ trên ngực”.

Không chỉ tập trung những diễn biến trên sân, phóng viên ảnh còn phải quan sát để kịp thời bắt kịp những khoảnh khắc từ ban huấn luyện, khán giả

Độc Lập

Những lúc họp báo sau trận đấu, Lập cũng chịu khó bắt nhiều khoảnh khắc “độc”, có khi là nét mặt vui mừng của huấn luyện viên, có khi lại là gương mặt nghiêm nghị, thể hiện sự chưa hài lòng của họ sau trận đấu. “Chủ yếu làm sao phải có ngôn ngữ báo chí trong bức ảnh. Nhiều lúc chụp mấy trăm tấm về chỉ sử dụng có 2 tấm nhưng đó phải là 2 khoảnh khắc đắt nhất”, anh nói.

Làm chủ những tình huống bóng bổng, điểm nổi bật của U.22 Việt Nam tại kỳ SEA Games 30

Sau nhiều giải đấu thành công, đây là lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh HLV Park Hang-seo hôn quốc kỳ Việt Nam trên ngực áo

Độc Lập

Đó cũng chính là nét riêng trong những bức ảnh của Nguyễn Độc Lập nói riêng và của báo Thanh Niên nói chung. Đằng sau mỗi khoảnh khắc luôn là sự nỗ lực cống hiến, không ngại gian khó để mang đến cho độc giả những tác phẩm hay nhất, ấn tượng nhất!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.