Đằng sau danh sách doanh nghiệp nợ thuế: 'Bơm' vốn tiếp sức để kích hoạt thị trường

Đình Sơn
Đình Sơn
01/09/2023 06:31 GMT+7

Sức khỏe của doanh nghiệp đang trong tình trạng suy kiệt trầm trọng. Để vực dậy thị trường bất động sản, đa số ý kiến đều cho rằng cần gấp rút "bơm" vốn cho doanh nghiệp và cả nhà đầu tư cá nhân.

THÀNH LẬP QUỸ ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN

TS Trần Việt Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Hùng Vương, cho rằng thị trường và doanh nghiệp (DN) đang chết do "tắc" dòng tiền, vì vậy cần "bơm" vốn cho cả chủ đầu tư dự án và người mua BĐS, tạo điều kiện để DN và nhà đầu tư tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng một cách dễ dàng hơn. 

Đằng sau danh sách doanh nghiệp nợ thuế: 'Bơm' vốn tiếp sức để kích hoạt thị trường  - Ảnh 1.

Vốn cần được "bơm" cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân

ĐÌNH SƠN

Tiếp theo, nhà nước cần lập ra quỹ đầu tư BĐS (REIT) khoảng 100.000 tỉ đồng để xem xét cấp tín dụng cho DN và cả các nhà đầu tư cá nhân. Bởi nếu ngân hàng có nhiều ràng buộc, nhưng là quỹ đầu tư thì độ mở rất cao. Khi REIT có uy tín, minh bạch, sẽ thu hút được rất nhiều người tham gia gửi tiền vào quỹ đầu tư này với lãi suất cao hơn thay vì gửi ngân hàng. Hiện nay, các DN BĐS không sợ vay với lãi suất cao mà sợ không vay được. Phải xác định BĐS là hàng hóa đặc biệt nên phải có chính sách đặc thù. Bởi một dự án hiện nay để triển khai được phải mất 3 năm, thậm chí 5 hay 10 năm. Nếu vay ngân hàng thì chỉ sau 5 năm, lãi suất cũng đã ăn gần hết dự án. Đồng thời, cần có hướng đi riêng như các nước là thành lập các chứng chỉ tiền gửi, các hình thức mua chung BĐS. Để làm được điều này, hành lang pháp lý phải rất minh bạch. Nếu không, sẽ xảy ra tình trạng như trái phiếu DN trước đây.

Một nguồn vốn khác, theo TS Trần Việt Anh, là vốn FDI thời gian qua tập trung nhiều vào BĐS công nghiệp, nên làm sao "nắn" dòng vốn này quay lại thị trường nhà ở. Như thị trường Trung Quốc, các DN nước ngoài gần như không chen chân vào được nên khi các tập đoàn trong nước "vỡ" thì nhà nước gần như không "gánh" được. Nhưng nếu có vốn ngoại thì tình hình có thể khác đi. Muốn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào VN, đầu tiên hành lang pháp lý phải minh bạch, rõ ràng và ổn định. Hiện nay đã có người nước ngoài mua nhà tại VN nhưng không nhiều. Ngoài ra, không phải dự án nào cũng được bán cho người nước ngoài. Không chỉ vậy, người nước ngoài đứng tên mua nhà ở VN rất phức tạp. Nhiều người muốn mua nhà phải nhờ người đứng tên rồi sau này xảy ra khiếu kiện. Đây là một hạn chế.

"Như Singapore, Mỹ không hạn chế nhưng mức thuế người nước ngoài cao hơn người trong nước. Ví dụ Singapore, người dân trong nước mua thuế là 2%, còn người nước ngoài mua là 18%. Nếu thuế "cào bằng" thì người dân trong nước bị cạnh tranh. Nhưng nghiên cứu một mức thuế phù hợp thì vừa hút được vốn ngoại, nhà nước thu được thuế, còn thị trường cũng phát triển. Ngoài ra, cần tháo gỡ chính sách liên quan đến đất công, đến định giá đất, nhất là các dự án mới. Cũng cần phải phát triển mạnh phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền để đáp ứng nhu cầu thật của người dân. BĐS là một loại hàng hóa đặc biệt nên cần phải có chính sách đặc biệt. Các nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc cũng thế, khi thị trường BĐS "lao đao" thì họ cũng phải dùng các chính sách như ngân hàng bơm tiền, cho vay với lãi suất rẻ, cải cách thủ tục hành chính... Nhà nước phải là người điều hành chính sách, nhất là chính sách tiền tệ linh hoạt để giúp thị trường BĐS đang rất khó khăn hiện nay", TS Trần Việt Anh đề xuất.

CẦN NGHỊ QUYẾT RIÊNG CHO DỰ ÁN ĐANG "TẮC"?

Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, luật và quản lý (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), không chỉ DN "tắc" dòng tiền mà cả nhóm khách hàng mua để ở và đầu tư cũng "tắc". Lối ra hiện nay là giúp DN, nhà đầu tư tiếp cận vốn và đẩy nhanh pháp lý để các dự án có cơ hội, đủ điều kiện được tiếp tục xây dựng, có sản phẩm tung ra thị trường. Đó là điều bức thiết nhất và các địa phương cũng đang sàng lọc để dự án nào khả thi, trước mắt thông qua các công cụ pháp luật xử lý để tháo gỡ. Tiếp theo, cần tạo điều kiện để các dự án, dòng sản phẩm có cơ hội phát triển như: nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền nhanh chóng triển khai, có sản phẩm đưa ra ngoài thị trường. Cần phải có cơ chế làm sao để quy hoạch thị trường theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh. Cơ chế này vẫn chưa rõ ràng nên cần có định hướng từ chính sách, từ cấp Chính phủ. Thị trường lành mạnh là thị trường đa nhu cầu dựa trên định hướng, cơ cấu dòng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thật của người dân.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa cũng đặt vấn đề: Liệu Chính phủ có cần phải đưa ra một nghị quyết "táo bạo" nào đó cho các dự án đang "tắc", đang vướng các quy định của pháp luật được hồi sinh, được phát triển nhanh chóng hơn.

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN, đề xuất giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là Chính phủ cần "bơm" một gói tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng như gói 30.000 tỉ đồng trước đây, với lãi suất về mức 5 - 6% cho cả nhà ở xã hội và nhà thương mại. Lãi suất vay mua BĐS khi về mức này sẽ "kéo" người dân tham gia thị trường. Đồng thời giúp các dự án đang xây dựng dở dang có thể tiếp cận được vốn và tiếp tục triển khai trở lại. Bởi những dự án này nếu để "trùm mền" sẽ gây lãng phí, thiệt hại vô cùng lớn cho DN, cho chính quyền và cho cả xã hội. Hiện nhiều DN, nhất là các DN lớn, có sức lan tỏa, tác động lớn đến thị trường, đến nền kinh tế cần phải được quan tâm hỗ trợ. Khi các DN này hồi phục sẽ kéo thị trường hồi phục theo.

"Cần phải bơm tiền để giúp các DN lớn triển khai trở lại các dự án, tạo thanh khoản cho DN cho thị trường. Giải pháp này vừa giúp DN tránh lãng phí nguồn lực, đồng thời có sản phẩm tung ra thị trường. Hiện hàng tồn kho rất nhiều. Nhiều dự án đang xây dựng dở dang phải dừng lại. Nhiều dự án đủ điều kiện bán hàng nhưng không bán được bởi người mua mất niềm tin. Nên cần làm sao để khách hàng tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, giúp thị trường vận động, nhất là kích cầu tiêu dùng", ông Phạm Lâm đề xuất.

Ông Phạm Lâm nhấn mạnh: Cần gói tín dụng tiếp cận cụ thể đến từng đối tượng khách hàng thì mới khơi thông được thị trường. Có thể xem xét cho người mua nhà lần đầu để ở vay hoặc giới hạn tỷ lệ cho vay 50% trên giá trị BĐS. Ngoài ra, phải có chính sách để các DN hiện đang tồn tại phát triển bền vững, bởi đây là những DN có năng lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.