Đằng sau cuộc đua giảm phí tài khoản ngân hàng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
04/01/2022 06:57 GMT+7

Các ngân hàng đang đua nhau triển khai chương trình miễn phí giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử. Cuộc đua ngày càng khốc liệt khi có sự tham gia của các kênh thanh toán khác.

Giảm phí vẫn có lợi

Vietcombank (VCB) là ngân hàng (NH) đầu tiên phát pháo miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên VCB Digibank (kênh ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân) kể từ đầu năm 2022. Trước đó, phí duy trì dịch vụ trên kênh NH số là 10.000 đồng mỗi tháng, phí quản lý tài khoản 2.000 đồng/tháng. Đồng thời, nhà băng này cũng miễn phí các gói tài khoản (từ 12.000 - 45.000 đồng/tháng) và không yêu cầu số dư tối thiểu trên tài khoản thanh toán. Sự tiên phong của ông lớn VCB đã khai hỏa cho một loạt nhà băng sau đó như BIDV, VietinBank, Bản Việt... tham gia cuộc đua này.

Miễn toàn bộ phí giao dịch trên tài khoản ngân hàng điện tử, ngân hàng thu hút nguồn vốn rẻ

Ngọc Thắng

Giải thích về cuộc chiến giảm phí về 0 đồng của các NH, ông Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, ví von: “Miếng bánh kênh thanh toán rất lớn nên nếu tính phí thì NH mất nhiều hơn”. Theo ông Chí, vấn đề giảm phí dịch vụ khách hàng cá nhân trong giao dịch đã được đặt ra từ nhiều năm trước nhưng các nhà băng viện lý do chi phí đầu tư công nghệ, đầu tư ATM, vận hành… cao nên không thực hiện. Nhưng kênh thanh toán ngày nay đã có sự tham gia các đơn vị khác như công ty thanh toán công nghệ (Fintech), Mobile Money khiến cuộc chơi giành thị phần ngày càng khốc liệt. Vì thế, nếu các nhà băng vẫn “bình chân như vại” thì khách hàng sẽ tự động chuyển sang các kênh thanh toán khác. Vì vậy, nhiều NH xác định không thể trông chờ vào “bầu sữa” thu phí từ các dịch vụ rút tiền ở máy ATM khi hoạt động chuyển khoản gia tăng mạnh những năm gần đây. Họ cũng hiểu hơn ai hết, đến một lúc nào đó, các máy ATM sẽ giống như những chiếc buồng điện thoại cách đây 20 năm, tự bản thân nó sẽ xuất hiện ít hơn nên không thể trông chờ tăng được thu nhập từ đây.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, khách hàng sử dụng thanh toán qua kênh NH điện tử tăng lên rất nhiều nên các NH cũng “ngộ” và cuộc đua giảm, miễn phí nhằm thu hút lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của mình đã được khai hỏa. NH nào triển khai càng sớm càng thu hút nhiều khách hàng tham gia thì họ lại càng có lợi hơn.

“Đừng tưởng NH không được lợi nếu miễn phí toàn bộ giao dịch mà ở đây họ mới là đơn vị hưởng lợi rất nhiều từ nguồn tiền gửi không kỳ hạn để trên tài khoản có mức lãi suất rất thấp, chỉ 0,1 - 0,2%/năm. Theo quy định thì một phần tiền này được phép cho vay, nếu tính cho vay 5 - 6%/năm thì thật sự biên lợi nhuận từ dòng vốn rẻ này rất lớn. Một NH giảm thu nhập từ phí dịch vụ chuyển tiền, quản lý tài khoản khách hàng cá nhân vài trăm tỉ đồng mỗi năm, nhưng bù lại họ giảm được chi phí vận hành, có được nguồn vốn giá rẻ để cho vay. NH thu lãi từ tín dụng tăng lên”, ông Chí nói.

Miễn giảm phí để cuộc đua hút “tiền rẻ”

Thực tế, Techcombank là NH sớm áp dụng phí giao dịch 0 đồng đối với giao dịch chuyển tiền từ năm 2016. Điều này đã giúp Techcombank thu hút một lượng vốn lớn với lãi suất rất thấp trong thời gian qua. Từ tháng 1 - 9.2021, Techcombank đã có thêm khoảng 870.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,2 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân lần lượt tăng 78,1% và 91% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 59,1% trong vòng 12 tháng vừa qua, đạt 150.000 tỉ. Tỷ lệ CASA đạt 49% tổng vốn huy động tại thời điểm cuối quý III tiếp tục dẫn đầu thị trường.

Không những Techcombank, các NH khác hiện cũng đang nỗ lực tăng tỷ lệ CASA lên cao. NH nào có tỷ lệ CASA càng cao thì càng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay cũng như có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần. Các NH ra sức gia tăng tỷ lệ CASA lên cao và chìa khóa cho việc này đó là miễn, giảm phí tài khoản khách hàng.

Cuộc đua “tiền rẻ” trong NH năm qua hết khốc liệt. Số tiền trên tài khoản thanh toán cá nhân của các NH trong năm 2021 tăng liên tục. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây nhất vào quý 3/2021, gần 112 triệu tài khoản có số dư lên 794.241 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng tài khoản tăng lên 15,9 triệu nhưng số dư tăng thêm 227.687 tỉ đồng, tương ứng tăng 40%; còn nếu so với quý 1/2021 thì số dư tăng 317.718 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 66,6%.

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận xét yếu tố quan trọng nhất khiến các NH miễn giảm phí giao dịch đối với khách hàng là thanh toán giao dịch tiền mặt đang ngày càng tăng cao. Lượng tiền gửi thanh toán để trên tài khoản khách hàng với lãi suất thấp. NH nào huy động càng nhiều lượng tiền này thì hoạt động càng hiệu quả. Việc giảm phí cho khách hàng để tăng lượng tiền gửi này lên, dư sức bù cho các chi phí miễn, giảm.

Ngoài ra, trong chương trình phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đang vận động các NH giảm phí, lãi vay đối với khách hàng. Các NH áp dụng sớm miễn phí để thu hút dòng vốn rẻ nhằm tạo điều kiện giảm lãi, hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới.

Giao dịch trên kênh ngân hàng số cũng tăng khá mạnh. Trong quý 3/2021, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua kênh internet lên 167,3 triệu món với giá trị giao dịch hơn 8,444 triệu tỉ đồng. So sánh với quý 1/2020, số lượng giao dịch hiện tăng 167,218 triệu món, gấp 1.764 lần; còn giá trị giao dịch tăng hơn 8,388 triệu tỉ đồng, gấp 152 lần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.