Đăng ký nguyện vọng vào ĐH, tránh cảnh 'bỗng dưng muốn khóc'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
12/07/2023 08:50 GMT+7

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển? Làm sao để tránh những sai lầm đáng tiếc khi sau này 'bỗng dưng muốn khóc' vì trường không muốn học thì đậu, còn trường tràn đầy hy vọng thì lại rớt?

Đăng ký nguyện vọng, tránh cảnh 'bỗng dưng muốn khóc' - Ảnh 1.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TP.HCM

NHẬT THỊNH

Những thông tin hữu ích đã có trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên chủ đề "Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển" diễn ra chiều 11.7. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.

Những thao tác quan trọng nhất

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết năm nay có một số thao tác kỹ thuật thay đổi, có lợi thế cho thí sinh. Thí sinh cần nắm được một số điểm then chốt.

Thứ nhất, nhiều học sinh đã nhận được thông báo trúng tuyển có điều kiện ở nhiều cơ sở giáo dục đại học qua học bạ, hay kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, chưa chắc là các em đã đủ điều kiện vào giảng đường trường đại học đó. Tất cả các em bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ 10.7 tới 30.7. Nếu thí sinh không đăng ký thì cơ hội vào đại học cũng chấm dứt.

Đăng ký nguyện vọng, tránh cảnh 'bỗng dưng muốn khóc' - Ảnh 2.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải

LÊ THANH HẢI

Thứ 2, thời điểm công bố ngưỡng đảm bảo đầu vào với ngành khoa học sức khỏe, sư phạm của Bộ GD-ĐT chậm nhất là ngày 25.7.2023. Sau đó tới 17 giờ ngày 26.7 thì các trường đều có điều chỉnh điểm sàn xét tuyển. Điểm này khác với điểm chuẩn trúng tuyển.

Tiến sĩ Thanh Hải cũng lưu ý, tất cả thí sinh phải thực hiện một thao tác là nộp lệ phí theo nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống, từ ngày 30.7 tới 6.8. Nếu đăng ký nguyện vọng mà không nộp lệ phí, thì cũng không trúng tuyển.

"Năm ngoái thí sinh phải đăng ký 5 thông số: nguyện vọng, mã trường, mã ngành, mã phương thức, mã tổ hợp môn. Năm nay các em không cần quan tâm mã tổ hợp môn xét tuyển, không cần mã phương thức gì, chỉ cần nhớ 3 thông số: Thứ tự nguyện vọng - điều này cực kỳ, cực kỳ quan trọng; mã trường và tên trường; mã ngành/nhóm ngành/tên ngành tên nhóm ngành. Đăng ký 3 thông số này xong là xong 1 nguyện vọng. Nhớ là sau khi điều chỉnh xong xuôi, chốt danh sách đăng ký nguyện vọng sau cùng thì các em chụp lại bảng đăng ký này, để sau này còn dễ kiểm tra lại", tiến sĩ Hải nhắc thí sinh.

Đăng ký nguyện vọng, tránh cảnh 'bỗng dưng muốn khóc' - Ảnh 3.

Toàn cảnh tư vấn "Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển" phần 3 tại Báo Thanh Niên chiều 11.7

LÊ THANH HẢI

"Chỉ trúng 1 nguyện vọng duy nhất, nên không được sơ suất"

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, nhắc tất cả thí sinh, các em có nhiều phương thức xét tuyển sớm ở nhiều trường khác nhau nhưng mỗi người cần cuốn sổ ghi chú, trúng ở đâu thì ghi ra đó, đồng thời lúc này nên kiểm tra lại mã ngành đã đăng ký vào cổng thông tin của Bộ GD-ĐT.

"Các em lưu ý các chữ số mã ngành khác nhau kẻo sai. Các em cần chọn 1 ngành yêu thích nhất. Mỗi người chỉ trúng 1 nguyện vọng duy nhất, nên hãy xem kỹ. Ngành nào mình tự tin, mong muốn học ngành đó nhất, thì dù trúng tuyển bằng phương thức nào cũng hãy đưa lên nguyện vọng 1", thạc sĩ Kim Phụng trao đổi.

Đăng ký nguyện vọng, tránh cảnh 'bỗng dưng muốn khóc' - Ảnh 3.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng

LÊ THANH HẢI

MC đặt câu hỏi, nếu thí sinh lỡ đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành em chưa "ưng" lắm, sau này dù có đậu mà em lại không muốn học, em muốn đổi sang nguyện vọng khác, thì có phải chờ tới năm sau không? Cô Phụng trả lời, thí sinh không cần chờ tới sang năm, mà chờ đợt xét nguyện vọng bổ sung của mỗi trường. Nhưng điều này rủi ro hơn, vì không phải trường nào cũng xét tuyển bổ sung cho tất cả các ngành với số lượng thí sinh lớn. Nếu đã tuyển đủ thí sinh ngay đợt đầu, trường sẽ không tuyển thêm nữa.

Tham chiếu từ người thân, bạn bè

Trao đổi tại chương trình, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM (UEF), cho biết hiện nay có 2 đối tượng thí sinh: đã trúng tuyển có điều kiện và chưa đăng ký, chưa có kết quả trúng tuyển sớm. Dù thí sinh có trúng tuyển bằng bất cứ phương thức nào thì khi nhập học các em cũng học như nhau, bằng cấp như nhau.

"Thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng là 10.7 tới 30.7, nên thời điểm này các bạn hãy tìm hiểu kỹ ngành nghề, tham chiếu từ người thân, bạn bè để sắp xếp nguyện vọng cho phù hợp, hãy chọn những ngành mình có năng lực sở trường, phẩm chất phù hợp nhất để lên vị trí nguyện vọng số 1".

Đăng ký nguyện vọng, tránh cảnh 'bỗng dưng muốn khóc' - Ảnh 4.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên

Đăng ký nguyện vọng, tránh cảnh 'bỗng dưng muốn khóc' - Ảnh 5.

Ông Tô Ngọc Hoàng Nguyên

LÊ THANH HẢI

Học gì khi đã trúng tuyển sớm vào 2 ngành: quản trị kinh doanh,   quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống?

Ông Tô Ngọc Hoàng Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, khuyên thí sinh nên ưu tiên chọn ngành mà các em đam mê. Ở đây, thí sinh nên chọn học ngành quản trị nhà hàng ăn uống, từ đó bạn sẽ nhận ra thuận lợi, khó khăn, cách vượt qua khó khăn. Sau khi học xong, các bạn đi thực tập ở các doanh nghiệp. Sau 2 đợt thực tập (8 tuần và 15 tuần), các bạn được trải nghiệm, hiểu xem mình cần bổ sung gì thêm, để khi tốt nghiệp, bạn muốn thành chủ doanh nghiệp, mở nhà hàng, khách sạn thì bạn cũng tự tin hơn.

"Học xong quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống thì không phải là làm quản lý ngay, bạn phải bắt đầu từ một nhân viên để học hỏi. Học bất cứ ngành gì, bạn cũng cần giỏi chuyên môn, sau đó giỏi kỹ năng ngoại ngữ, tin học. Bạn học từ trên giảng đường, thực tập rồi hãy có một thái độ tốt. Đó là nghiêm túc trong công việc, trung thành, trung thực, khi có các điều này thì các doanh nghiệp chủ động đi tìm bạn, "offer" cho bạn mức lương hấp dẫn chứ chưa cần bạn đi tìm họ", ông Tô Ngọc Hoàng Nguyên chia sẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.