Dâng hương tưởng niệm 142 năm ngày mất Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu

04/06/2022 06:48 GMT+7

Ngày 3.6, UBND H.Tuy Phước (Bình Định) đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 142 năm (1880 - 2022) ngày mất Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - nhà soạn tuồng kiệt xuất, tại nhà thờ từ đường của ông ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, H.Tuy Phước.

Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu sinh ngày 21.7 năm Minh Mạng thứ 2 (năm 1822), mất năm Tự Đức thứ 33 (1880), quê ở làng Nhơn Ân, xã Phước Thuận, H.Tuy Phước, Bình Định, cùng quê với Đào Tấn và Xuân Diệu.

Các đại biểu dâng hương tại bàn thờ Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu

SONG THIÊN

Ông nổi tiếng văn hay, học giỏi nhưng chỉ thi đỗ ở bậc tú tài nên dân gian gọi ông là cụ tú Nhơn Ân. Vì vướng bận mối tình trắc ẩn mà đau khổ nên không thể thi đỗ lên bậc cao hơn, ông không đi thi nữa mà mở trường dạy học tại quê hương, trọn đời làm một ông giáo làng, một ông nghiệp sư tuồng bình dị mà vĩ đại, viết nên những pho tuồng bất hủ và đào tạo ra nhiều chí sĩ và tài năng tuồng, trong đó nổi bật là Đào Tấn.

Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Diêu đã không được nghiên cứu đầy đủ và tôn vinh xứng đáng vì nhiều lý do như trọn đời ông chỉ sống ở làng quê của mình. Các di cảo của ông không có điều kiện được gìn giữ cẩn thận, trước đây người ta chỉ biết ông là tác giả của bộ tuồng Ngũ hổ bình Liêu, vở Liệu đố thì gần như biệt tích, còn vở Tiết Giao đoạt ngọc lại được một số học giả coi là của Đào Tấn...

Nhà nghiên cứu quá cố Vũ Ngọc Liễn từng nhận xét: Nguyễn Diêu gần như trọn đời sống thanh bần ở quê, giữa thế sự điên đảo; lấy việc dạy học trò làm niềm vui và lẽ sống; lấy bà con hàng xóm làm niềm an ủi; lấy tao nhân mặc khách trong vùng làm bầu bạn. Đề tài văn chương của Nguyễn Diêu chủ yếu xoay quanh đạo làm người nên thấm đẫm chất văn chương của một nhà giáo dục.

Do vậy, nhà nghiên cứu quá cố Vũ Ngọc Liễn luôn trân trọng gọi Nguyễn Diêu là Ông đồ nghệ sĩ.

Để tôn vinh nhân cách, sự cống hiến lớn lao đối với tuồng nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung và di sản vô giá mà Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu để lại cho hậu thế, ngày 1.2.2016, phần mộ của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Trước đó, ngày 22.5.2012, tỉnh Bình Định và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cũng đã tổ chức hội thảo về Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu. Đây là sự ghi nhận bước đầu trên hành trình nghiên cứu nhằm khẳng định và tôn vinh xứng đáng một soạn giả kiệt xuất của sân khấu tuồng và nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.