Đang học, làm thêm đến đâu là đủ?

01/12/2015 07:53 GMT+7

Bị thôi học vì mải mê đi làm thêm kiếm tiền, không sắp xếp được thời gian là tình cảnh trớ trêu của không ít sinh viên (SV) trong thời gian qua.

Bị thôi học vì mải mê đi làm thêm kiếm tiền, không sắp xếp được thời gian là tình cảnh trớ trêu của không ít sinh viên (SV) trong thời gian qua.

N.T.T, SV năm 3 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nằm trong danh sách bị thôi học. T. cho biết đây là điều hết sức đáng tiếc, nhưng không biết phải làm sao vì hoàn cảnh nhà T. rất khó khăn, T. phải tự kiếm tiền trang trải học hành. Chi phí tiền thuê nhà, tài liệu học tập, sinh hoạt... mỗi tháng 4 - 5 triệu đồng trong khi vay vốn học tập mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 1 triệu đồng. Vì vậy, T. phải đi làm từ năm nhất, từ nhân viên phục vụ nhà hàng, quán cà phê đến nhân viên giao hàng...
“Mỗi ngày mình làm 3 ca, ngày nào đi học thì 2 ca. Mỗi tối về đến nhà, ăn uống tắm giặt xong là leo lên giường ngủ luôn, không thể nào xem bài vở được vì quá mệt. Áp lực kiếm tiền khiến mình không còn tập trung học hành, riết rồi quen, nghỉ học hoài, kết quả học kém, không đủ điều kiện học tiếp”, T. chia sẻ.
Nhiều SV khác không có áp lực phải kiếm tiền nhưng vẫn thích đi làm thêm để vừa có tiền, vừa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, họ lại bị cuốn vào những công việc đó khiến thời gian dành cho việc học giảm đi.
Mới đây, danh sách SV bị buộc thôi học tại các trường ĐH ở TP.HCM như: Nông Lâm, Ngân hàng, Công nghiệp thực phẩm... lên tới hàng trăm SV. Theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này là SV mải đi làm thêm kiếm tiền nên không còn thời gian đến giảng đường học tập.
Trong khảo sát của nhóm giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM gần đây đối với SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, có khoảng 30% SV cho rằng việc đi làm thêm khá ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới việc học của SV.
Trên thực tế, các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao những SV mới tốt nghiệp mà có nhiều trải nghiệm, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc tốt. Những lời khuyên họ đưa ra thường là SV cần phải làm thêm một công việc nào đó trong quá trình đi học.
Tuy nhiên, tìm việc làm thêm như thế nào và dành thời gian cho nó ra sao, lại là một vấn đề thuộc về kỹ năng mà SV cũng cần phải trang bị. Ông Huỳnh Thanh Minh, Giám đốc Công ty cổ phần giải pháp phần mềm Asoft, nhận định: “SV đi làm thêm là rất tốt, nhưng cần phải biết năng lực của mình có đáp ứng được việc vừa học vừa làm hay không? Nhiều SV không kiểm soát được thời gian dẫn đến kết quả không mong muốn là bị thôi học. Cần phải hiểu rằng, học ĐH đòi hỏi sự tập trung, nghiêm túc để lĩnh hội kiến thức chính quy, nền tảng phát triển nghề nghiệp sau này”. Từ đó, ông Minh cho rằng SV cố gắng kiếm một công việc gần gũi với ngành mình theo học và biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để việc học không bị ảnh hưởng.
Còn thạc sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ Trinh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Số tín chỉ bố trí trong một học kỳ không nhiều, tuy nhiên việc học ĐH một cách nghiêm túc thì không hề đơn giản, cần tập trung thời gian và công sức. Nếu SV muốn đi làm thêm thì nên bắt đầu từ học kỳ 2, vì học kỳ 1 cần phải làm quen với môi trường, phương pháp học tập mới. Nhưng cũng cần phải biết sắp xếp thời gian và chọn công việc gần với ngành học là tốt nhất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.