Đăng clip phản ánh vi phạm pháp luật có cần xin phép?

Phan Thương
Phan Thương
02/10/2022 06:23 GMT+7

5 cán bộ Tổ công tác thuộc Đội CSGT - trật tự Công an TX.Vĩnh Châu ( Sóc Trăng ) liên quan việc hành hung 2 thiếu niên vi phạm giao thông (Thanh Niên đã thông tin) vừa bị xử lý nghiêm sau khi clip ghi lại vụ việc được tung lên mạng xã hội .

Cụ thể, đối với các cán bộ liên quan, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu công an nhân dân 3 cán bộ, gồm đại úy Châu Minh Trung, trung úy Nguyễn Quang Thái, thượng úy Đoàn Tấn Phong; kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó đội trưởng xuống làm cán bộ đối với đại úy Hứa Trường An; kỷ luật cảnh cáo đại úy Trần Minh Đời.

Quá trình xử lý vụ việc, dư luận bày tỏ đồng tình sự vào cuộc nhanh chóng và kỷ luật nghiêm minh của cơ quan chức năng; tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần xem xét ai phát tán và việc phát tán đoạn video vụ việc có vi phạm?

Hình ảnh 2 thiếu niên bị hành hung được chia sẻ trên mạng xã hội

Chụp từ clip
Họp báo vụ công an đánh 2 thiếu niên ở Sóc Trăng: Có xử lý hình sự hay không?

Đăng nội dung gì sẽ không phạm luật ?

Về việc người đăng, chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh 2 thiếu niên bị đánh có vi phạm pháp luật hay không, ông Lê Hoàng Bắc, Phó giám đốc Sở TT-TT tỉnh Sóc Trăng, phân tích căn cứ vào điểm a, khoản 2, Điều 32 của bộ luật Dân sự 2015, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích công cộng thì không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.

“Vì vậy, nội dung người dân đăng, chia sẻ một hành vi trái pháp luật để bảo vệ lợi ích công cộng hoặc tố giác tội phạm thì không cần xin phép. Qua vụ việc này, công an có hành vi không đúng mực, không đúng quy định của ngành. Do đó, việc phát tán đoạn clip trên là không vi phạm pháp luật”, ông Bắc nói.

Cùng nhận định như trên, luật sư (LS) Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng các hình ảnh được ghi lại và sử dụng để bảo vệ an ninh trật tự, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hoặc vì lợi ích chung thì không bị pháp luật nghiêm cấm, thậm chí còn phải hoan nghênh.

“Còn những hành vi ghi hình khác, khi chưa được sự đồng ý của người khác là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo khoản 1, Điều 32 và Điều 38 bộ luật Dân sự”, LS Hưng nói.

Phân tích thêm, LS Hưng cho hay trường hợp sử dụng hình ảnh ghi được để đăng lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích (trừ hình ảnh, clip được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích công cộng) thì có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nếu với mục đích hạ thấp danh dự, nhân phẩm người khác thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm nhục người khác, hoặc vu khống; ngoài ra còn phải chịu trách nhiệm bồi thường về những thiệt hại xảy ra (nếu có).

Họp báo vụ công an đánh 2 thiếu niên: Tước danh hiệu công an nhân dân 3 chiến sĩ

Ứng xử ra sao cho phù hợp ?

Ở góc độ nếu vi phạm quyền hình ảnh, LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cho biết quyền về hình ảnh của cá nhân đã được pháp luật bảo vệ, cũng được quy định tại Điều 32 bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, cho phép người có hình ảnh bị người khác sử dụng trái phép được quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

“Họ có quyền tiến hành khởi kiện việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, theo quy định của bộ luật Dân sự. Trường hợp những người sử dụng hình ảnh cố tình làm nhục người khác thì người có hình ảnh bị ảnh hưởng có thể trình báo sự việc lên cơ quan công an để xử lý”, LS Phát nói.

Bên cạnh đó, LS Phát chia sẻ thêm rằng nếu người dân có các bằng chứng về sự vi phạm thì trước tiên nên cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền. Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ sẽ được lập thành biên bản, ký nhận giữa các bên. “Trường hợp sau khi cung cấp mà cơ quan có thẩm quyền không giải quyết hoặc có sự bao che trong việc giải quyết, thì lúc này người dân có quyền chia sẻ các thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội, cũng như sẽ chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải, nhằm kêu gọi sự chung tay của mọi người trong việc đấu tranh với cái xấu, cái sai, hành vi vi phạm pháp luật”, LS Phát nêu.

Nhiều quy định khuyến khích người dân cung cấp thông tin, hình ảnh

Điều 24 Thông tư 65/2020 của Bộ Công an quy định thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là thông tin, hình ảnh) được tiếp nhận từ các nguồn sau: ghi, thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ); đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh vi phạm, có thể cung cấp cho đơn vị CSGT nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trụ sở đơn vị để cung cấp. Tổ chức, cá nhân phải có họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp.

Điều 8 Nghị định 45/2022 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) cũng quy định cơ quan chức năng sẽ sử dụng hình ảnh, video do người dân cung cấp để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có hành vi xả rác.

Ngoài ra, hiện nay mỗi lĩnh vực đều có những quy định về việc phạt nguội nếu cơ quan chức năng liên quan tiếp nhận, hoặc ghi nhận được những hành vi vi phạm thông qua hình ảnh, thông tin người dân cung cấp. Đồng thời, theo quy định pháp luật hiện hành, cá nhân, tổ chức khi cung cấp dữ liệu cho cơ quan chức năng được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.