Dân văn phòng hay 'dính' bệnh gì, phòng tránh cách nào?

19/12/2016 04:30 GMT+7

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tính chất công việc không đòi hỏi phải đi lại nhiều nên số người làm công việc văn phòng khá nhiều.

Cả ngày họ ngồi trước máy tính, trong phòng máy lạnh rất thoải mái và thuận tiện vẫn có thể điều hành công việc theo ý muốn, không cần bước chân ra ngoài. Tuy nhiên, chính sự lười vận động của giới văn phòng lại khởi nguồn của nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Chị N.T.N.L 28 tuổi, làm việc cho một công ty nước ngoài đến Bệnh viện Việt - Pháp (TP.HCM) khám vì đau nhức hai bên vai, gáy, cổ vào buổi chiều sau khi đi làm về, cứng một bên cổ, bại một bên tay. Chị kể với bác sĩ rằng mình làm việc với máy tính liên tục khoảng 6 tiếng mỗi ngày, màn hình máy tính nằm dưới mặt bàn kính, thường xuyên phải cúi. Khi nghỉ hoặc ở nhà thường gối đầu cao lúc nằm xem ti vi và dùng iPhone. Khi thăm khám, bác sĩ Vũ Trường Sơn - Khoa Nội đa khoa nhận định chị bị căng cơ cạnh cột sống cổ, gây đau. Chụp cột sống cổ mất đường cong sinh lý cột sống.

tin liên quan

Bác sĩ trò chuyện: Đừng để xét nghiệm rồi… lo!
Không ít lần tôi nhận các câu hỏi từ bạn bè, những thắc mắc về kết quả các xét nghiệm nhận được cũng như phương thức điều trị mà bác sĩ đưa ra, và bỗng dưng 'lợn lành thành lợn què' sau khi được điều trị. 

Một bệnh nhân nam khác, giám đốc một công ty quản trị mạng, 32 tuổi, cao 1m70, nặng 85 kg; gần đây thất bại một dự án lớn, căng thẳng và mất ngủ, sau đó đau đầu nhiều. Bệnh nhân này có bố bị tăng huyết áp và tai biến, bản thân ít vận động; công việc chủ yếu điều hành qua hệ thống mạng. Chỉ số huyết áp tăng 160/90 mgHg. Xét nghiệm máu thấy tăng cao cholesterol, tiểu đường thể 2 và tăng a xít uric. Đánh giá nguy cơ biến cố tim mạch trong 10 năm là rất cao.
Những trường hợp như trên là khá phổ biến trong giới văn phòng. Trao đồi với bác sĩ Vũ Trường Sơn - Khoa Nội đa khoa, Bệnh viện Việt-Pháp, TNTS được bác sĩ chia sẻ, cho biết: Một số đặc điểm của người làm văn phòng là: Ngồi nhiều, ít di chuyển; ít uống nước; ngồi trước máy vi tính nhiều giờ liên tục; môi trường làm việc thì không khí không đủ trong phòng; nhiều nguồn ánh sáng gây nhiễu hoặc thiếu ánh sáng; ảnh hưởng bụi, nấm mốc từ hồ sơ, mực in, thiết bị văn phòng; không gian chật hẹp: trung bình dưới 5 - 12m2/ người; máy điều hòa không khí quá khô và quá lạnh… Từ đó, dẫn đến các bệnh lý dân văn phòng thường gặp bao gồm:

- Hội chứng vai gáy, thoái hóa cột sống, đau lưng. Đây là các bệnh thường gặp do ngồi lâu và ngồi sai tư thế, cúi gập quá mức khi làm việc, ngồi quá thấp hoặc quá cao, nằm võng hoặc nằm gối cao xem ti vi kéo dài, thường xuyên mang giày cao gót. Bệnh nhân thường cảm thấy đau mỏi vai, gáy, cổ, đôi khi đau đầu, đau mỏi thắt lưng. Lâu dần dẫn đến thoái hóa cột sống, gù vẹo cột sống.
- Các bệnh lý thần kinh: stress, đau nửa đầu, suy nhược thần kinh, trầm cảm từ nhẹ đến nặng. Bệnh lý này thường gặp khi công việc nhiều áp lực, làm việc kéo dài trên máy vi tính, ít vận động, thiếu ngủ, sử dụng quá nhiều chất kích thích hoặc cồn. Bệnh nhân thường thấy đau nửa đầu hoặc cả đầu, chóng mặt, mất tập trung, mất hứng thú trong cuộc sống, mất ngủ hoặc ngủ li bì, đau mỏi toàn thân, hụt hơi và thở ngước, chán đời, thậm chí có ý định tự vẫn.
- Hội chứng ống cổ tay: bệnh nhân cảm thấy tê, mất cảm giác một hoặc hai bàn tay, đôi khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng bàn tay. Nguyên nhân do đánh máy sai tư thế, viết quá nhiều.

- Các bệnh lý hô hấp: viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm xoang, hen phế quản. Thường gặp do môi trường ô nhiễm, không khí trong phòng quá khô, bụi từ hồ sơ văn phòng cũ, mực in, hóa chất, máy lạnh không được vệ sinh định kỳ. Nhiễm vi rút từ đồng nghiệp do không cách ly, không mang khẩu trang khi bị ho…
- Các bệnh lý mắt: khô mắt, tật khúc xạ, loét giác mạc. Nguyên nhân do sử dụng máy vi tính thời gian dài, khoảng cách không đảm bảo, không thư giãn mắt và không khí quá khô.
- Các bệnh lý về da: khô da, mụn trứng cá, viêm da dị ứng. Do không khí khô, uống ít nước, bụi bẩn, stress công việc.
- Các bệnh lý đường tiêu hóa: trào ngược dạ dày - thực quản, viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, khó tiêu chức năng và trĩ. Bệnh nhân thường đau tức vùng thượng vị, ợ chua, ợ nóng, đau bụng trước và sau ăn, thường do thói quen ăn uống không đúng giờ, sử dụng quá nhiều cà phê, bia rượu, căng thẳng công việc. Uống ít nước và ngồi lâu có thể gây táo bón, gây khó đi cầu, đi cầu đau hoặc bị chảy máu.

tin liên quan

Bác sĩ ơi: Hở van tim 1/4 có đáng lo?
Nhiều người khi khám sức khỏe định kỳ rất lo lắng khi thấy kết quả siêu âm tim ghi hở van tim hai lá 1/4, với mức độ này liệu có nguy hiểm?

- Bệnh lý rối loạn chuyển hóa: thừa cân, béo trung tâm, tăng a xít uric, rối loạn chuyển hóa mỡ gây xơ vữa động mạch, đái tháo đường… Lối sống tĩnh tại, ít vận động và thường xuyên ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều đạm, thức chiên xào, bia rượu gây nên. Đây là các bệnh lý nguy hiểm và chỉ được phát hiện qua xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Các bệnh lý tim mạch: tăng huyết áp, suy giãn tĩnh mạch chi dưới, xơ vữa động mạch gây tai biến. Bệnh lý có xu hướng gia tăng ở người trẻ, là nguyên nhân gây chết hàng đầu trên thế giới. Ăn thừa muối, quá nhiều dầu mỡ, ít vận động thể lực, thừa cân, công việc nhiều áp lực là các nguyên nhân khời phát bệnh,
Nếu bạn đã gặp một hay nhiều trong số triệu chứng bệnh kể trên nên khám sớm tại các chuyên khoa liên quan hoặc khám khoa nội tổng quát để được bác sĩ điều trị kịp thời. Sau đó hãy cố gắng thay đổi thói quen sinh hoạt một cách khoa học.

Thật may mắn nếu bạn chưa “dính” biểu hiện nào, nhưng cũng nên phòng bệnh bằng những biện pháp sau:
- Xây dựng, tổ chức văn phòng sạch, đủ thông khí, đủ ánh sáng. Không nên ăn uống tại bàn làm việc.
- Xây dựng thói quen làm việc tốt: ngồi đúng tư thế, tránh ngồi lâu, uống đủ nước, vận động, phơi nắng, chơi thể thao.
- Sử dụng máy tính đúng cách, khoảng cách từ màn hình tới mắt khoảng 50 cm và thấp hơn mắt 15 độ. Không nhìn quá 30 phút liên tục vào màn hình, nên nhắm mắt nghỉ ngơi vài phút để phục hồi thị lực. Chớp mắt nhiều lần, sử dụng nước mắt sinh lý hoặc nước muối sinh lý làm ướt mắt.
- Tranh thủ thời gian nghỉ trưa khoa học: vận động, hít thở không khí bên ngoài, thư giãn mắt, ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no, không nằm sau ăn. Tránh sử dụng điện thoại khi nghỉ trưa.
- Tránh thức khuya, đồ uống có cồn, cafein, thuốc lá.
- Ngày nghỉ nên tranh thủ vận động ngoài trời, phơi nắng, thư giãn; tập thể dục ngoài trời: gym, yoga, đi bộ hoặc môn thể thao yêu thích, khoảng 4 tiếng mỗi tuần.

tin liên quan

Bồi bổ cho người làm việc nhiều
Những ngày cuối năm, công việc của tôi luôn bề bộn, luôn phải hoàn thành gấp, nên tôi thường phải làm việc nhiều hơn và thức khuya mỗi ngày. Do vậy có hôm người uể oải mệt mỏi.

- Hạn chế thức ăn giàu chất béo, carbonhydrate. Tăng cường chất xơ, rau củ và trái cây. Uống nhiều nước.
- Khám sức khỏe công ty định kỳ, phát hiện sớm và điều trị sớm.
Trở lại với hai bệnh nhân đã được đề cập ở đầu bài viết, với trường hợp của chị L., sau 5 ngày uống thuốc giãn cơ, tập bài tập thư giãn cột sống và thay đổi thói quen làm việc, nghỉ ngơi; đổi lại màn hình vi tính trên bàn, gối đầu thấp… bệnh nhân đã hết đau.
Bệnh nhân nam giới, bác sĩ Vũ Trường Sơn thì đã điều trị bắt buộc anh này phải giảm cân, uống thuốc huyết áp, tiểu đường và mỡ máu kéo dài để phòng ngừa tai biến tim mạch, bên cạnh việc giảm stress, thay đổi chế độ ăn, vận động. Bác sĩ Vũ Trường Sơn cũng gợi ý nên thực hành một số bài tập thể dục dành cho dân văn phòng, như bài tập thư giãn cột sống cổ và lưng; bài tập phòng suy, giãn tĩnh mạch...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.