Dân quê mê làm du lịch: Coi Đồng bào Cơ Tu làm du lịch

Quang Viên
Quang Viên
04/09/2022 06:05 GMT+7

Về xã Hòa Bắc thuộc TP. Đà Nẵng , gặp bà Dương Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã, bà bảo chúng tôi: “Nhà báo lên đây nên ghé Tà Lang, Giàn Bí coi đồng bào Cơ Tu làm du lịch”.

Nghe có vẻ hấp dẫn, lại được bà Lệ nhiệt tình dẫn đường nên tôi háo hức “đi coi” đồng bào Cơ Tu làm du lịch như thế nào. Tính từ trung tâm TP.Đà Nẵng, Tà Lang, Giàn Bí chỉ cách chừng 35 km, nhưng với nhiều người hai địa danh này nghe lạ hoắc.

A Lăng Như trước lối vào homestay của mình ở Tà Lang, Giàn Bí

Quang Viên

“Mình làm được mà”

Tà Lang, Giàn Bí nằm bên bờ của hai nhánh sông Bắc, sông Nam, gần thượng nguồn sông Cu Đê. Tại đây có gần 300 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu người Cơ Tu, vốn là một phần của cộng đồng Cơ Tu quần cư ở sườn bắc và sườn nam đỉnh Bà Nà - Núi Chúa.

Điểm du lịch sinh thái - cộng đồng chúng tôi đến là của gia đình ông Trương Xuân Tề, nằm sát dòng suối Tà Lang và bãi đá triệu năm. Trong khu vườn yên tĩnh, nép dưới các tán cây là những căn lều mái tranh, vách nứa mộc mạc. Chỗ ngồi uống trà dưới giàn treo lủng lẳng những trái bắp. Chiếc ấm đất buông thõng bên đôi quang gánh, cùng nắm rơm khô. Một ụ mối tự nhiên trong vườn được… thờ cúng. Tất cả đơn sơ, chân quê và có chút gì đó huyền bí. Tại đây, bà Lệ đãi chúng tôi một bữa cơm đặc sản của đồng bào Cơ Tu. Món măng rừng, rau rừng luộc, xôi nếp rẫy, gà ngủ cây… được phục vụ bởi những thiếu nữ Cơ Tu, vừa ngon cái miệng vừa “sướng” con mắt.

Tôi hỏi điểm du lịch này tạo dựng từ bao giờ, ông Trương Xuân Tề (65 tuổi) nở nụ cười hiền khô nói: “Mình mới làm năm nay thôi. Mà thằng con nó làm đó. Mình khổ lắm nên cho nó đi làm thợ tóc ở Đà Nẵng. Nó thấy thành phố người ta làm du lịch hay quá liền bỏ nghề về đây thiết kế lại khu vườn để làm du lịch sinh thái - cộng đồng”. Tôi lại hỏi, vậy bác có biết làm du lịch sinh thái - cộng đồng như thế nào? “Mình làm được mà. Cái gì của đồng bào mình, của tự nhiên cứ giữ như thế. Mình thuận ý trời. Thằng con biết ý của dân du lịch hơn thì nó cải tạo một chút cho phù hợp. Nhưng dứt khoát phải giữ cái gốc của đồng bào mình”, người đàn ông người đồng bào Cơ Tu thật thà chia sẻ.

Những túp lều đơn sơ, mộc mạc dành cho du khách ở trong vườn ông Xuân Tề

Cái câu khẳng định chắc nịch “mình làm được mà” đồng bào Cơ Tu nói, một lần nữa được TS Chu Mạnh Trinh, người rất tâm huyết với du lịch cộng đồng - sinh thái, kể lại.

Đó là khi ông được bà con mời tham dự Đại hội chi bộ thôn Tà Lang nhiệm kỳ 2022 - 2025. “Bà con mình đem cái nhu cầu của du khách ra “phân tích”. Và cuối cùng kết luận: Mình làm được mà”. TS Trinh chia sẻ chi tiết hơn: “Có bác gái bảo tôi trồng khoai trồng sắn trong vườn, có làm được du lịch không? Rồi một cô gái nói em biết làm bánh sừng trâu, nấu chè đậu, cũng tham gia du lịch được chứ? Còn bác trai thì tươi cười thêm vào tôi làm đàn

ta lư, đánh đàn và hát nữa đó, thầy sắp xếp để tôi được tham gia”.

Ông còn cho biết thêm bà con Tà Lang đã đưa du lịch cộng đồng vào nghị quyết. Theo TS Trinh, xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng trên nền tảng của bảo tồn sinh thái tự nhiên và văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu là một trong những hành động lớn của bà con ở đây.

Khách thích thú với những món đặc sản của người Cơ Tu ở Tà Lang

Giữ gìn hệ sinh thái

TS Chu Mạnh Trinh cho hay sản phẩm lớn nhất, giá trị nhất và lâu bền nhất, đồng thời đặc trưng cao nhất với sự lũy tiến lợi ích theo thời gian, đó là chất lượng, hay nói cách khác là sức khỏe của các hệ sinh thái mà khu vực các địa phương Tà Lang, Giàn Bí… ở Hòa Bắc đã và đang sở hữu. Chất lượng cảnh quan sinh thái này không những là tài sản quý giá của cộng đồng về mặt tự nhiên, mà cả về văn hóa và tổ chức cộng đồng.

Du lịch cộng đồng là sự tương tác giữa chủ và khách. Khách cần thỏa mãn cao nhất các nhu cầu mắt, mũi, miệng, tai, tay, chân… để rồi mang về những gì còn lại trong tâm trí và tình cảm. Trong khi chủ là cộng đồng là người dân, ngư dân và nông dân thông qua nguồn tài sản cộng đồng để tạo môi trường thỏa mãn tối ưu nhu cầu của du khách

TS Chu Mạnh Trinh

“Một hệ động thực vật phong phú giàu có không chỉ là những con số, những phân tích trong các báo cáo khoa học, mà thực sự hiện hữu trong đời sống hằng ngày, một khi nhìn xuống nước là cá là tôm; trông lên cây là chim, là hoa, là ong là bướm; nhìn vào vườn là quả ngọt sum suê”, ông Trinh lý giải.

“Đó đâu chỉ là những tổ chức cộng đồng chỉ được nghe theo những bài phát biểu, hoặc theo các bảng hiệu. Thực sự đó là những vận hành, những điều phối theo lao động sản xuất tại địa phương từ các bác nông dân, những người mẹ, người chị hoặc cả một làng quê”, TS Chu Mạnh Trinh nói thêm.

Đến Tà Lang, Giàn Bí sẽ được xác thực những điều mà TS Chu Mạnh Trinh nói. Đâu đó ở những vùng miền núi xa xa hẻo lánh, người ta nói làm du lịch sinh thái - cộng đồng nhưng đã phá nát cảnh quan thiên nhiên, “tiếp biến” văn hóa một cách tùy tiện. Còn Tà Lang, Giàn Bí vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, bản sắc văn hóa của mình.

“Làm du lịch phải nắm được thị hiếu du khách. Nhưng những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào em và vẻ đẹp tự nhiên mà đất trời ban tặng phải được giữ nguyên”, Trương Xuân Toàn (36 tuổi, con trai của ông Tề) chia sẻ.

Có lẽ không chỉ người dân Tà Lang, Giàn Bí, mà chính quyền xã Hòa Bắc đã biết cách “hành xử” đúng mực với các giá trị văn hóa, với thiên nhiên tại đây. Vì thế, TS Chu Mạnh Trinh nói với tôi rằng báo chí góp phần lan tỏa về du lịch sinh thái - cộng đồng ở Tà Lang, Giàn Bí nói riêng, ở nơi khác nói chung, thì ông vui lắm.

Du khách chụp ảnh, quay phimở bãi đá triệu năm

Ông còn “quảng bá” rất hào hứng về Tà Lang, Giàn Bí: “Chạy một mạch từ trung tâm TP.Đà Nẵng lên Tà Lang, Giàn Bí bỏ đồ đạc ở homestay, qua nhà gươl vui đùa với các bạn nhí, rồi cùng nhau ra suối tắm. Sáng sớm ngắm mây treo, ngâm mình trong dòng nước tê cóng và đi một vòng thưởng thức các nét đẹp của trang phục, đan lát, câu chuyện của làng, của bản. Tối về rủ nhau lên sân cỏ ở khu tái định cư Tà Lang cùng múa hát hội hè… thật thú vị”.

Để cảm nhận một phần vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên ở đây, theo bảng chỉ dẫn chúng tôi ra suối Tà Lang. Dòng suối trong vắt chảy qua bãi đá triệu năm nằm ngay ngã ba hợp lưu của hai nhánh sông Nam và sông Bắc như một kiệt tác của thiên nhiên. Đá bị nước bào mòn tạo thành những hòn non bộ, hay tầng tầng lớp lớp những viên đá rất đẹp, thế nhưng chẳng ai dám nhặt lấy một viên về làm cảnh.

“Cảnh quan ở đây đẹp mê hồn. Người dân ý thức lắm mới giữ được như thế này. Muốn đổi gió thì lên đây đúng bài luôn”, một nhóm du khách nữ nói trong lúc thi nhau chụp hình, quay clip.

(còn tiếp)

Dân quê mê làm du lịch

Lạ lùng Lý Láo Lở

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.