Dân quê mê làm du lịch: Cà Ban, cả làng sinh thái

Quang Viên
Quang Viên
05/09/2022 06:01 GMT+7

Đó là một làng quê bình dị nằm rất gần trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam . Bao đời qua, nó mãi trầm lặng như dòng sông Tam Kỳ lững lờ chảy qua làng quê ấy. Rồi khi chính quyền và cả làng “tính chuyện du lịch” thì Cà Ban bắt đầu nổi tiếng.

Tôi về dự Lễ hội hoa sưa TP.Tam Kỳ 2022, ông Nguyễn Hồng Lai, Phó chủ tịch UBND TP, nhất quyết mời tôi đến làng Cà Ban ở xã Tam Ngọc. Ông Lai còn “biểu diễn” cầm lái chiếc thuyền chở một số nhà báo chạy trên đoạn sông hướng về làng Cà Ban.

Đón đầu du lịch sinh thái

Trên đường đi, ông Nguyễn Hồng Lai cho biết năm 2022 TP.Tam Kỳ có chủ trương, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng - sinh thái tại xã Tam Ngọc, mà tiên phong là làng Cà Ban. Tour thí điểm đường sông trong Lễ hội hoa sưa 2022 chọn Cà Ban là một điểm dừng chân. Thuyền chạy chừng 30 phút từ Hương Trà (TP.Tam Kỳ) đã đến nơi. Đón chúng tôi ngay bến sông làng là những cô gái thôn quê mặc áo bà ba, miệng cười tươi như hoa.

Vườn rau của người nông dân này cũng đưa vào phục vụ du khách trải nghiệm làm vườn

Trời nắng chang chang, ông Nguyễn Thanh Yên, Chủ tịch UBND xã Tam Ngọc, người của làng này, sốt sắng đưa mọi người đi tham quan. Ông Yên cho biết từ bao đời nay người dân nơi đây “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” theo những nghề nông truyền thống với thu nhập thấp. Dù năm 2022, TP.Tam Kỳ mới “mở lối” cho Tam Ngọc làm du lịch, nhưng trước đó ông đã phát động người dân phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình nông thôn mới để đón đầu xu thế du lịch sinh thái - cộng đồng.

Chúng tôi thật sự bất ngờ vì vùng đất miền Trung nắng cháy da người, nằm sát nách trung tâm TP.Tam Kỳ này lại có rất nhiều vườn cây trĩu quả như mít Thái, ổi, mận, bưởi da xanh... Ghé thăm một trong 10 vườn mẫu của xã, đó là vườn ông Nguyễn Quốc Oai, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng rau, hoa, cây ăn quả của làng Cà Ban; ai cũng thích thú. Vườn ông Oai trồng hơn 30 cây bưởi, 30 cây mít Thái, hơn 500 cây ổi, trong đó nhiều cây đang vào mùa thu hoạch. “Trồng các loại cây ni thu nhập khá hơn nhiều so với các loại hoa màu khác. Điều quan trọng hơn là mình góp phần cùng bà con trong xã biến nơi đây thành điểm thu hút khách du lịch”, ông Oai chia sẻ.

Vườn nhà ông Nguyễn Thanh Yên trở thành nơi tham quan của nhiều du khách

Gần đó là vườn bưởi da xanh 60 cây đang mùa thu hoạch của chị Đoàn Thị Hoa. Tôi hỏi bưởi da xanh trồng ở vùng đất này chất lượng có bằng bưởi da xanh nổi tiếng ở miền Tây không, chị Hoa nói đặc sệt giọng Quảng: “Bưởi ni ngọt lịm thua chi da xanh miền Tây. Ăn đi rồi đánh giá”. Rồi chị gọt ngay quả bưởi để chúng tôi ăn “đối chứng”. Một người trong đoàn quê Tam Kỳ thốt lên: “Ui, bưởi ngọt hung hê”. Quả thật, bưởi da xanh trồng ở làng Cà Ban chất lượng không thua gì bưởi da xanh nổi tiếng Bến Tre ở tận miền Tây. “Bưởi ngon thương lái đến tận vườn để mua, mình không phải mang ra chợ bán lẻ”, chị Hoa cho biết.

Ông Yên cho hay xã Tam Ngọc hiện có hàng trăm nhà vườn trồng các loại cây ăn quả mà thị trường ưa chuộng. Riêng làng Cà Ban, hàng chục hộ đầu tư trồng độc canh các giống cây ăn quả như bưởi, ổi, mận, mít. Một số hộ dân khác còn trồng mai, chè, rau củ, nấm. Những thổ sản này giúp đời sống người dân trở nên khá hơn và góp phần quan trọng vào câu chuyện du lịch sinh thái - cộng đồng. “Du khách đã đến đây thì chắc chắn thích thú khi được hòa mình vào khung cảnh làng quê thanh bình, như được trải nghiệm một thoáng miền Tây. Chúng tôi đang có kế hoạch mở thêm dịch vụ cùng nhà nông làm vườn, thu hoạch trái cây, rau củ và cung cấp một số sản phẩm đặc trưng… cho du khách”, ông Yên thổ lộ.

Thôn nữ Cà Ban trở thành hướng dẫn viên du lịch cho làng

Ông chủ tịch mê làm du lịch

Tham quan, tìm hiểu làng Cà Ban mỏi chân, ông chủ tịch xã Tam Ngọc mời về nhà uống trà. Trà nguội ngắt, nhưng cô vợ của ông chủ tịch đã bày lên bàn các món đặc sản “nhức nách” của làng còn nóng hôi hổi để đãi khách. Đó là các món mít trộn, mít hông, bưởi trộn, gà ta thả vườn, cá sông. Cạn chén rượu gạo sủi tăm người Cà Ban nấu, ông Yên “ca” về làng: “Quê tôi có dòng sông, bến nước, con đò, có cánh đồng lúa vàng. Vườn ai nấy đều rất rộng. Sau bao năm gầy dựng, làng đã có nhiều loại cây ăn quả rất ngon. Tôi ấp ủ từ lâu để quê hương mình trở thành điểm đến lý tưởng, nơi đáng sống nhất. Và nay đã dần trở thành hiện thực”.

Ông Yên là một trong những người đi đầu trong việc biến khu vườn và ngôi nhà của mình trở thành điểm check in của nhiều người. Du khách vừa đến ngõ nhà ông, chân đã bước ngập ngừng vì chiếc cổng đẹp từng đoạt giải trong cuộc thi tường rào, cổng ngõ đẹp cấp tỉnh, cấp TP. Bước vào bên trong là lòng xiêu xiêu bởi căn nhà gỗ xinh xinh nép mình trong khu vườn tràn ngập hoa lá được cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận. “Tôi yêu nông nghiệp nên ngoài giờ hành chính và những ngày nghỉ đều dành thời gian cho việc làm vườn, nuôi trồng”, ông Yên tâm tình.

Bến thuyền đi vào làng Cà Ban

Quang Viên

Từ khi TP.Tam Kỳ quyết định chọn thí điểm tour du lịch sinh thái - cộng đồng đến làng Cà Ban, ông chủ tịch sinh năm 1976 này vừa mừng vừa lo. Mừng là lần đầu tiên Tam Ngọc được chọn làm thí điểm du lịch sinh thái - cộng đồng mà chọn chính làng mình đang sống. Lo là không biết kêu gọi cộng đồng bằng cách gì, làm sao cho đúng nghĩa cái gọi là sinh thái - cộng đồng. “Họp, họp rồi họp. Họp chính thức rồi phi chính thức ngày này đêm nọ. Người dân còn rất mơ hồ nên hàng ngàn câu hỏi đặt ra”, ông Yên trải lòng.

Lãnh đạo phải làm gương. Ông Yên và vợ cùng bà con phát dọn, vệ sinh, trang trí bến sông. “Tôi nhớ như in hình ảnh vợ chồng tôi cùng người dân chặt cây tạp, trồng mới sưa, phát cỏ, đốt rác để biến bến sông trở nên hữu tình. Có đêm đến 12 giờ khuya cả gia đình tôi còn chỉnh trang, nhổ cỏ trồng hoa ngoài đường, rồi lại về dọn dẹp nhà vườn của mình. Cứ thế, bến sông lung linh, làng đẹp, cổng ngõ khang trang, vườn hân hoan đón khách”, ông kể.

Mới đây, tại cuộc họp nghe báo cáo về đề án phát triển du lịch sinh thái làng Cà Ban, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam đã thống nhất triển khai dự án du lịch làng Cà Ban với diện tích khoảng 35 ha. Định hướng xây dựng dự án du lịch này theo chỉ đạo của ông Nguyễn Minh Nam là hướng đến sinh thái, dựa vào cộng đồng, với hình thức đa dạng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch, văn hóa trải nghiệm “độc đáo, khác biệt nhất nước”. Nắm nội dung này, ông chủ tịch xã mê du lịch sinh thái - cộng đồng lại một lần nữa vừa mừng vừa lo. (còn tiếp)

Một số mô hình tiêu biểu ở làng Cà Ban

Mô hình vườn của các ông Nguyễn Quốc Oai, Trần Thiên Tùng, Trần Đình Sự, bà Đoàn Thị Hoa. Mô hình nấm của ông Trần Đình Phát, bà Đoàn Thị Hoa. Mô hình rau của các ông Nguyễn Cường, Nguyễn Ninh, Nguyễn Quốc Oai... Mô hình vườn mẫu đạt giải qua các hội thi của bà Lê Thị Vinh, bà Đoàn Thị Hoa, ông Trần Thiên Tùng, ông Nguyễn Quốc Oai.

Dân quê mê làm du lịch

Lạ lùng Lý Láo Lở

Coi Đồng bào Cơ Tu làm du lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.