TNO

Đàn ông vào bếp có gì mà to chuyện

30/04/2016 14:12 GMT+7

(iHay) Đàn ông vào bếp, thời buổi này đâu còn lạ lùng gì. Lười vào chợ mặc cả bán buôn thì đã có siêu thị, lười vào siêu thị thì đã có tủ lạnh

(iHay) Đàn ông vào bếp, thời buổi này đâu còn lạ lùng gì. Lười vào chợ mặc cả bán buôn thì đã có siêu thị, lười vào siêu thị thì đã có tủ lạnh dự trữ đồ ăn cả tuần, đàn ông chỉ việc mặc tạp dề vào bếp, băm chặt nêm nếm có khi còn khéo hơn cả vợ.

>> Blog của May: Phụ nữ vào bếp bằng nguyên liệu tình yêu

 Hồ Quang Hiếu thích tự tay nấu ăn - Ảnh: Ca sĩ cung cấp
Đàn ông vào bếp, tôi coi đó là chuyện thường tình, không đến mức phải tán tụng ngợi ca cũng không thể phàn nàn họ đánh mất sự "oai phong" của đấng mày râu vốn được cho chỉ nên làm chuyện lớn.
Bởi với tôi, đàn ông vào bếp không phải là chuyện lớn cũng chẳng phải là chuyện nhỏ, đó là chuyện của một gia đình, nơi điều gì cũng phải hài hòa, chân lý nào cũng phải mềm mỏng, nguyên tắc nào cũng phải lựa cho vừa vặn.
Phụ nữ vào bếp vì tình yêu, đàn ông vào bếp không chỉ vì tình yêu, mà còn vì sự thấu hiểu. Đàn ông yêu vợ đấy, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng vứt bỏ ngại ngần xắn tay vào bếp với thịt cá mắm muối và trăm thứ nguyên liệu rắc rối mà không cáu bẳn: "Dăm cái việc của đàn bà". Một bữa cơm tưởng chừng đơn giản thôi, ấy vậy mà cần thương, cần hiểu rất nhiều.
Tôi vẫn thích phụ nữ là chủ nhân căn bếp của gia đình, nhưng nếu ai đó nói rằng bếp chỉ dành cho phụ nữ, tôi phản đối. Bếp là của người đói bụng, và bếp là của những người muốn quan tâm nhau. Đàn ông thường thì hay đói nhiều hơn phụ nữ, và cả đàn ông và phụ nữ đều cần được quan tâm và quan tâm ngược lại. Vậy thì bếp của ai? Bếp là của cả gia đình.
Nhưng lý lẽ cho lắm, đến khi là vợ, là chồng cũng chẳng thể đem lý lẽ ra mà phân chia nếu không có niềm thương. Vậy nên phụ nữ chẳng cần chồng mình nắm được mấy lý lẽ đó làm gì, chỉ cần một ngày bạn mệt, bạn lười, người đàn ông của bạn sẽ tươi cười sẵn sàng ấn bạn xuống ghế nghỉ ngơi và xắn tay vào bếp.
Khi người đàn ông của mình lưu luyến bữa cơm vợ nấu, người phụ nữ quả thật hạnh phúc. Nhưng cô ấy sẽ hạnh phúc hơn khi biết rằng mình sẽ luôn được san sẻ, mình cũng được tận hưởng cảm giác được quan tâm và phục vụ. Chính sự chia sẻ, thấu hiểu giữa cả hai mới khiến mọi thứ họ làm không phải hy sinh mà là lựa chọn, không phải phục vụ mà là chăm sóc.
Cho dù chồng mình sau này sẽ yêu thích bữa cơm vợ nấu thế nào, tôi cũng chẳng mấy vui vẻ nếu phải mang áp lực chỉ cần mình đi vắng vài ngày thì căn bếp sẽ chẳng ai đỏ lửa. Những câu chuyện kiểu ấy thì nhan nhản, nhiều bà vợ "vùng lên" chứng minh cho chồng thấy sự quan trọng của mình bằng cách xách valy đi du lịch vài ngày, để lại ông chồng với bữa cơm không biết nấu, nhà cửa không biết dọn. Người chồng sau mấy ngày vật lộn chắc cũng nhận ra vợ mình quan trọng biết nhường nào, nhưng sau đó thì sao, cô vợ lại bắt đầu vòng tròn luẩn quẩn nai lưng lo toan chăm sóc cung phụng mọi thành viên trong gia đình với vòng nguyệt quế hão huyền vừa được trao tặng.
Tôi chợt nhớ đến thông điệp "Cho mẹ nghỉ một tí" trong các quảng cáo của một nhãn hàng. Thoạt nghe có vẻ nhân văn đấy, nhưng ẩn sau đó là một sự áp đặt đáng buồn, rằng Mẹ nghĩa là phải bận rộn suốt ngày, Mẹ nghĩa là không thể ngơi nghỉ một phút một giây. Phụ nữ Việt Nam ngay từ khi còn bé xíu đã được nhồi nhét vào đầu tư tưởng ấy, việc nhà là của phụ nữ, và mọi thứ đàn ông có thể làm đều là "giúp". Ngay cả những bài báo dạy phụ nữ cách khiến chồng làm việc nhà cũng đều khuyên họ nên cảm ơn rối rít khi chồng nấu cho một bữa cơm cháy khét nhân ngày 8.3, trong khi tất cả những ngày còn lại nếu họ lỡ nêm canh hơi mặn, kho cá hơi nhạt thì đều bị coi là kém đảm đang.
Mấu chốt của sự chia sẻ trong gia đình, có lẽ là nên ngừng việc ca tụng, tung hô người chồng như hình mẫu lý tưởng khi anh ấy nhón tay rửa một cái bát, lau một căn phòng. Người chồng sẽ nhận được câu cảm ơn và nụ hôn ngọt ngào mỗi lúc làm việc nhà, khi anh ấy cũng ứng xử ngược lại với vợ mình, cảm ơn cô vì chiếc áo là phẳng phiu, vì bữa sáng ngon lành nóng hổi trên bàn. Họ không cảm ơn vì "giúp" nhau làm việc, họ cảm ơn vì sự chia sẻ, vì sự quan tâm, vì tình yêu, nguyên nhân của mọi hành động chân thành và tự nguyện.
Ngày hôm nay, ngày mai, nếu chồng mình vào bếp, tôi sẽ chẳng vội vã chụp hình lại, đăng lên facebook với dòng khen tặng nức nở để sau đó nhận cả tá comment ca ngợi lẫn ghen tị, tôi sẽ chỉ vui vẻ ngồi xuống ghế đọc sách hay ngủ nướng thêm tí chút, sẵn sàng được thưởng thức một bữa ăn thật ngon và thật nhiều tình yêu.
Bởi chuyện đàn ông vào bếp luôn là một câu chuyện rất bình thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.