“Vật thiêng” trên dãy Trường Sơn

Đàn ống của phụ nữ Mã Liềng

Bá Cường
Bá Cường
31/12/2023 07:34 GMT+7

Suốt nhiều đời, người phụ nữ Mã Liềng vẫn luôn truyền cho con gái trong gia đình cách sử dụng và làm ra một cây đàn ống từ tre nứa. Điều kỳ lạ ở chỗ, cây đàn này chỉ phụ nữ mới biết cách sử dụng và giữ gìn suốt bao đời nay.

ĐÀN ỐNG SE DUYÊN

Trong chuyến hành trình ghé thăm bản Kè (xã Lâm Hóa, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình) để khám phá những nét văn hóa độc đáo của tộc người Mã Liềng, chúng tôi tình cờ phát hiện những cây đàn ống được treo trên gác bếp. Lạ lùng thay, cây đàn này có cách di truyền "mẫu hệ", chỉ những người phụ nữ Mã Liềng mới biết cách sử dụng và truyền tay nhau.

Đàn ống của phụ nữ Mã Liềng- Ảnh 1.

Cây đàn ống do bà Thìu làm ra để truyền dạy lại cho 3 người con gái trong gia đình

BÁ CƯỜNG

Ấn tượng ban đầu khi bước vào căn nhà sàn của bà Cao Thìu (50 tuổi, ở bản Kè, xã Lâm Hóa) chính là vẻ đẹp hoang sơ, tường nhà được đan bằng tre nứa, mái nhà lợp lá… hiếm thấy so với những căn nhà sàn gỗ thông thường. Tại đây, bà Thìu đặt trước mắt chúng tôi 3 cây đàn ống được bà làm cho 3 người con gái trong gia đình.

"Đàn này được làm bằng cây tre, nứa. Để làm được đàn ống, cần rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Phải lựa được cây tre già nhưng thân mỏng, chờ thân cây khô đi mới mang về làm đàn được, như thế đàn mới tạo độ vang, thanh thoát", bà Thìu chia sẻ.

Đàn ống xuất hiện từ thời xa xưa, khi người Mã Liềng vẫn còn sinh sống trong những cánh rừng sâu, cây đàn là nhạc cụ để giúp họ giải trí. Và duyên dáng hơn, đây là thứ thay cho lời tỏ tình của những cặp trai gái yêu nhau.

"Đàn được sử dụng trong những dịp vui, đặc biệt là khi có một chàng trai đến tỏ tình. Lúc này con trai sẽ thổi kèn lá, sáo pi như một lời tỏ tình. Nếu người phụ nữ đồng ý, họ cũng mang đàn ống ra hòa theo điệu nhạc, đồng nghĩa đã đồng ý lời tỏ tình", bà Thìu cho hay.

Từ khi bà Thìu còn là thiếu nữ đôi mươi, những chàng trai trong bản đã đến trước sân nhà bà, thổi những điệu nhạc từ kèn lá, bà Thìu cũng từng sử dụng đàn ống để đáp lại lời yêu. Theo tục lệ, khi người con gái mang đàn ống ra hòa nhạc, tức chàng trai đã thành công "cưa đổ nàng"; ngược lại nếu chàng trai độc tấu mãi mà người phụ nữ chưa xuất hiện, tức là chàng đã bị từ chối.

Xuất hiện từ những ngày đầu, đàn ống dần trở thành nhạc cụ đặc trưng của người Mã Liềng. Người phụ nữ của tộc người này bên cạnh công việc đảm đang bếp núc, chăm con… họ còn phải biết cách làm đàn ống, biết sử dụng và giữ gìn nó như một bảo vật quý giá.

"VIOLON" CỦA NÚI RỪNG

Nói một hồi về ý nghĩa của cây đàn, bà Thìu cho chúng tôi được thị phạm, đàn ống dài khoảng 50 cm, bán kính tùy theo từng cây sẽ cho ra độ vang khác nhau, trên thân đàn có 2 dây cước, bên trong ống đàn chứa một que tre được vót mỏng, là vật dụng để kéo ra tiếng đàn tương tự cách chơi violon.

Đàn ống của phụ nữ Mã Liềng- Ảnh 2.

Đàn ống được làm bằng cây tre, nứa

BÁ CƯỜNG

"Để kéo ra tiếng vang, trước hết phải chọn được cây tre tốt, lúc chơi phải ngâm que tre qua nước để tạo độ trơn, lúc đó tiếng đàn sẽ vang và trong trẻo hơn. Chúng tôi không chơi đàn theo nốt nhạc mà chơi theo… ngón tay", bà Thìu chia sẻ.

Thấy chúng tôi tò mò khi nghe cách chơi nhạc bằng ngón tay, bà Thìu ngồi xếp bằng rồi cầm đàn dựa lên đầu gối kéo thử một đoạn nhạc mà năm xưa bà hòa chung "tiếng yêu" với chàng trai may mắn. Quả thực, họ không sáng tác nhạc bằng những nốt đô rê mi… mà thay vào đó họ nhớ giai điệu bằng thứ tự, vị trí đặt các ngón tay rồi từ đó tạo ra những bài nhạc mang đậm chất hoang dã.

Thời điểm gần đây, người Mã Liềng tiếp cận được với công nghệ hiện đại, biết nghe nhạc qua điện thoại, ti vi… Dần dần thế hệ phụ nữ Mã Liềng trẻ đã ít quan tâm đến đàn ống. Hầu hết những người biết làm đàn ống trong cộng đồng Mã Liềng đều là những cao niên, trẻ nhất cũng là bà Thìu đã ở tuổi 50.

Ông Đinh Văn Bắc, Phó bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa, cho biết gần đây chính quyền địa phương phát hiện đàn ống dần bị lãng quên trong đời sống của người Mã Liềng khi họ biết sử dụng internet, điện thoại…, nên đã kịp thời thúc đẩy, tạo điều kiện để giữ gìn đàn ống.

"Chúng tôi đang tạo ra các chương trình, lễ hội… như một sân chơi để người Mã Liềng có cơ hội quảng bá cây đàn của mình đến với mọi người, từ đó tiếp tục thúc đẩy họ giữ gìn và phát triển nét văn hóa độc đáo của cộng đồng mình", ông Bắc chia sẻ. (còn tiếp)

Đàn ống của phụ nữ Mã Liềng- Ảnh 3.

Cây đàn chính là nhạc cụ để nói thay tiếng lòng của những người phụ nữ Mã Liềng

BÁ CƯỜNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.