Dân oằn mình chịu trận trong 'bãi khói bụi khổng lồ'

08/10/2019 12:22 GMT+7

Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động khai thác đá ở núi Hòn Sóc (H.Hòn Đất, Kiên Giang) đã biến khu vực dân cư quanh núi Hòn Sóc thành một bãi khói bụi khổng lồ.

Núi Hòn Sóc là 1 trong 4 ngọn núi của xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất. Được cấp phép, nhiều doanh nghiệp đã khai thác đá tại núi Hòn Sóc khoảng 30 năm nay. Cũng từng đó thời gian, nhiều người dân gắn bó với nghề chẻ đá.
Một lượng lớn đá khai thác tại núi Hòn Sóc được các doanh nghiệp bán ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Mấy mươi năm qua, thành quả kinh tế đi lên từ nghề chẻ đá chưa được như kỳ vọng, cuộc sống người dân vẫn nghèo khó.
Điều đáng nói là hiện nay, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động khai thác đá núi đã biến khu vực dân cư quanh núi Hòn Sóc thành một bãi khói bụi khổng lồ. Cả ngày lẫn đêm, tiếng ồn của hoạt động cắt đá, tiếng nổ mìn phá đá, tiếng ầm ĩ ít khi ngưng của xe ben (xe tải hạng nặng) chở đá khiến cho người dân chẳng an yên.
Núi Hòn Sóc có diện tích rộng hơn 100 ha, đá được khai thác từ núi này sẽ là nguyên liệu giúp nghề chẻ đá núi Hòn Sóc duy trì hàng chục năm nay. Ngoài việc cung cấp nguyên liệu đá thô cho người dân địa phương, khoảng 10 doanh nghiệp được cấp phép ngày đêm khai thác, sản xuất đá núi Hòn Sóc, bán ra thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước

Nhiều người dân sống quanh khu vực núi Hòn Sóc kể lại, núi Hòn Sóc ngày xưa khi chưa bị khai thác, cũng là một trong những ngọn núi có cảnh quan khá đẹp của huyện Hòn Đất. Khí hậu ngày đó cũng rất trong lành. Còn bây giờ, nhiều doanh nghiệp khai thác đá với quy mô lớn, dùng mìn để khai thác, nên hình dáng núi mất dần theo năm tháng

Theo đánh giá từ Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang, cường độ khai thác đá núi tại Hòn Sóc hiện rất lớn. Theo một cuộc khảo sát không chính thức vào cuối năm 2018, Sở này cho biết có hàng trăm tấn đất đá được khai thác mỗi ngày tại núi Hòn Sóc. Một dự báo được đưa ra là cứ với đà khai thác này, khoảng 10 năm nữa núi Hòn Sóc sẽ bị “xóa sổ”

Từ thành phố Rạch Giá theo quốc lộ 80 đi khoảng 30 km đến trung tâm thị trấn Hòn Đất (huyện Hòn Đất), rẽ trái là vào xã Thổ Sơn, nơi có Khu di tích Mộ Chị Sứ (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng). Trên đường đi, mọi người sẽ thấy khoảng 30 bãi đá lớn, nhỏ dọc hai bên đường và nằm sát với bờ kênh. Đây là nơi hành nghề chẻ đá núi Hòn Sóc của người dân địa phương

Vượt con đường nhiều bụi và chen lối trong làn xe ben, chúng tôi đi hết con đường quanh núi Hòn Sóc, thuộc xã Thổ Sơn. Đi trên con đường khoảng 5km này, ai cũng nhìn thấy những ngọn núi biến dạng từng ngày, những hố núi sâu, những lưng chừng núi ngổn ngang đá và xe cuốc

Nghề chẻ đá gian nan và lắm công đoạn nặng nhọc. Nghề đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe tốt mới có thể làm được. Đàn ông là lao động chính. Họ phụ trách việc khuân những tảng đá nguyên liệu to đùng, nhiều khi nặng hàng tấn đến bãi chẻ đá và đối mặt  nhiều nguy hiểm

Hiện trên con đường bê tông ven núi Hòn Sóc, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ben ra vào chở đá. Các xe hoạt động gần như liên tục, khói bụi mù mịt. Nhiều bà con rất bức xúc nhưng không biết phản ánh với ai

Trường mẫu giáo Thổ Sơn, điểm Bến Đá (khu vực gần núi Hòn Sóc) ngập trong bụi bẩn. Phụ huynh và học sinh ngôi trường phải vất vả trong làn bụi mù này nhiều năm. Con đường đến Trường mẫu giáo Thổ Sơn, điểm Bến Đá (gần núi Hòn Sóc, điểm trường này có 90 em học sinh) của bọn trẻ trở nên khó nhằn với lớp bụi bám đầy. Nhiều giờ liền chúng tôi ở điểm trường học này, không khỏi boăn khoăn vì lứa tuổi các em còn quá nhỏ, mà phải hứng chịu sự ô nhiễm của không khí. Bụi bẩn bám vào trang phục, khiến các em trở nên nhếch nhác

Chị Đỉnh - người dân sống gần khu vực núi Hòn Sóc phàn nàn việc bụi bẩn thường xuyên bám đầy mái nhà, cánh cửa và đồ dùng trong nhà. Chị nói rằng bây giờ các thành viên trong gia đình chị “ăn với bụi và ngủ cũng với bụi”. Vừa kể chuyện với chúng tôi, chị vừa lấy giẻ lau chiếc ti vi bụi bám trắng xóa phần nóc

Vợ chồng chị Đỉnh đã làm nghề chẻ đá hơn 10 năm. Tuy nhiên, dù làm vất vả nhưng thu nhập vẫn chưa tương xứng với công sức lao động của gia đình chị. Mỗi ngày làm cật lực, chị thu nhập khoảng hơn 200.000 đồng. Trừ các khoản chi phí, số tiền tiết kiệm không còn được gì. Cứ thế, năm này qua năm khác, cuộc sống của gia đình chị ngày càng khó khăn

Một gia đình làm nghề chẻ đá Hòn Sóc nghỉ trưa trong màn bụi bẩn. Mọi sinh hoạt của người dân khu vực gần núi Hòn Sóc thường phải “sống chung” với bụi bẩn như vậy

Một người thợ chẻ đá vốc nước rửa mặt sau nhiều giờ làm việc ngoài bãi đá nóng rát da quanh núi Hòn Sóc

Một người đàn ông ngồi nghỉ trưa sau nhiều giờ cật lực chẻ đá. Ông thường không thể ngủ yên bởi tiếng ồn xe tải và âm thanh phát ra từ những mỏ đá

Đại diện lãnh đạo UBND xã Thổ Sơn boăn khoăn trước thực tế khai thác đá núi Hòn Sóc gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Mong muốn ngành chức năng sớm vào cuộc để giải quyết các vấn đề người dân phàn nàn như: tiếng ồn, lưu lượng xe ben “quá tải” lưu thông trên đường, và nhất là tình trạng bụi bẩn

Theo anh Đỗ Mạnh Trường, gia đình anh có hơn 10 năm chẻ đá, thu nhập cả hai vợ chồng khoảng 500.000 đồng/ngày. Đây là nghề nặng nhọc, nên anh và vợ thường xuyên nghỉ ngơi, dưỡng sức. Nhưng vợ anh hay bệnh tật nên năng suất làm việc không được như ý. Thực tế số tiền có được từ nghề chỉ đủ trang trải cuộc sống. “Lúc không làm được nghề là hụt tiền ngay, có khi phải vay mượn”, anh Trường cười nói

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.